Thắt chặt quan hệ Việt Nam - Đức thông qua giao lưu nhân dân

0:00 / 0:00
0:00
Mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam - Đức ngày hôm nay là niềm vui chung của nhân dân Việt Nam và nhân dân Đức, với sự đóng góp tích cực của những người làm công tác đối ngoại nhân dân.

Ngày 16/10, Hội Hữu nghị Việt Nam - Đức tổ chức lễ kỷ niệm 35 năm thành lập, đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì và chào mừng 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Đức Nguyễn Chí Dũng; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền CHLB Đức tại Việt Nam Guido Hildner và Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam dự buổi lễ.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Hội Hữu nghị Việt Nam - Đức, ghi nhận những thành tích xuất sắc của Hội trong công tác, đóng góp tích cực, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân hai nước; đặc biệt trong lĩnh vực đấu tranh, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, góp phần vào việc thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Đức.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Hội Hữu nghị Việt Nam - Đức

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Hội Hữu nghị Việt Nam - Đức

Đóng góp tích cực vào công tác đối ngoại nhân dân

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Đức cho biết, trải qua 35 năm hoạt động, Hội đã không ngừng phát triển lớn mạnh với các tổ chức thành viên trên toàn quốc, số lượng hội viên lên đến vài nghìn người. Hội là một trong những tổ chức thành viên tích cực và vững mạnh của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.

35 năm qua, trung thành với mục tiêu: "Góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Đức; đóng góp vào việc phát triển không ngừng quan hệ giữa hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển", Hội đã ra sức hoạt động nhằm tăng cường đoàn kết quốc tế với nhân dân Đức và bạn bè quốc tế, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần vào công cuộc hội nhập và phát triển của đất nước.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Đức
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Đức

Hội tích cực vận động hướng dư luận Đức vào các hoạt động hỗ trợ công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, đòi quyền lợi cho nạn nhân chất độc da cam, tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ các vùng nông thôn, miền núi còn nghèo ở Việt Nam. Đặc biệt, Hội đã có nhiều hoạt động kịp thời, có hiệu quả tuyên truyền, vận động bạn bè Đức và quốc tế đoàn kết, ủng hộ Việt Nam bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Hội Hữu nghị Việt Nam - Đức thường xuyên triển khai các hoạt động nhằm giới thiệu Việt Nam với nhân dân Đức, tăng cường sự hiểu biết và quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia ngày càng phát triển.

Năm 2020, Hội hữu nghị Việt Nam-Đức đã đóng góp sản phẩm văn hóa đặc sắc vào bức tranh chung của hai nước để kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa CHXHCN Việt Nam và CHLB Đức, thông qua việc sản xuất bộ phim tài liệu lần thứ 2 về Đối ngoại nhân dân Việt Nam-Đức để chào mừng 35 năm thành lập Hội.

“Có thể nói, mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam - Đức ngày hôm nay đã vượt qua những thăng trầm và ngày càng phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, phù hợp với lợi ích hai nước và làm nức lòng nhân dân hai nước. Đó là niềm vui chung của nhân dân Việt Nam và nhân dân Đức, đặc biệt, những người làm công tác đối ngoại nhân dân có quyền tự hào về phần đóng góp tích cực của mình vào sự nghiệp cao quý đó”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Toàn cảnh buổi lễ
Toàn cảnh buổi lễ

Phát huy thế mạnh để tăng cường giao lưu nhân dân

Chúc mừng Hội Hữu nghị Việt Nam - Đức, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh quan hệ hữu nghị và hợp tác đối tác chiến lược với Cộng hòa Liên bang Đức luôn giữ vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Từ nhiều năm nay, Đức là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam ở châu Âu.

Những thành tựu to lớn mà Việt Nam và Đức đạt được trong những năm qua cũng như quan hệ nồng ấm giữa nhân dân hai nước chính là nền tảng vững chắc cho quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức ngày càng phát triển trong thời gian tới. Sự hợp tác và hỗ trợ hiệu quả của nhà nước và nhân dân Đức đã góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng

Năm 2020, cả Việt Nam và Đức đều là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc; Việt Nam là Chủ tịch luân phiên của ASEAN và Đức là Chủ tịch luân phiên EU vào 6 tháng cuối năm.

Với những trọng trách to lớn đó, hai nước đã nhất trí tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có giao lưu và hợp tác giữa các tầng lớp nhân dân hai nước; đồng thời sẽ tiếp tục các nỗ lực chung nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định, xu thế toàn cầu hóa và tự do thương mại, tự do hàng hải, giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình.

Tinh thần này đã được thể hiện rõ qua các cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, trong đó có cuộc điện đàm vừa qua giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Hai Thủ tướng đã khẳng định tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược, ủng hộ những nỗ lực chung nhằm giải quyết những vấn đề khu vực và toàn cầu.

Trong thời gian tới, để quan hệ hợp tác đối tác chiến lược Việt Nam - Đức ngày càng phát triển sâu rộng, hiệu quả và thực chất trên mọi lĩnh vực; nhằm tăng cường sự hiểu biết và thắt chặt tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Hội Hữu nghị Việt Nam - Đức cần tiếp tục bám sát các chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, đặc biệt là các trọng tâm hợp tác trong khuôn khổ đối tác chiến lược Việt Nam - Đức, phát huy thế mạnh để tăng cường thông tin, đẩy mạnh giao lưu nhân dân.

Đồng thời, Hội Hữu nghị Việt - Đức cần có những giải pháp đổi mới để vận động, thu hút ngày càng nhiều lớp trẻ tham gia hoạt động đối ngoại nhân dân.

Cùng với đó, Hội phải giữ mối liên hệ thường xuyên, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với các đối tác, bạn bè truyền thống; tích cực, chủ động tìm kiếm, mở rộng đối tác mới nhằm lan tỏa sâu rộng hoạt động đối ngoại nhân dân trong các tầng lớp nhân dân của hai nước.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo sát sao, tâm huyết, trách nhiệm của Ban lãnh đạo và sự tham gia tích cực của các Ủy viên Ban Chấp hành và hội viên của Hội Hữu nghị Việt Nam - Đức, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và sự hợp tác, hỗ trợ của các cơ quan, ban, ngành liên quan, Hội Hữu nghị Việt Nam - Đức sẽ tiếp tục gặt hái thành công mới, góp phần tích cực hơn nữa vào việc tăng cường, thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Đức trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Đại sứ Guido Hildner, Đại sứ Nguyễn Phương Nga và các đại biểu tham dự buổi lễ
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Đại sứ Guido Hildner, Đại sứ Nguyễn Phương Nga và các đại biểu tham dự buổi lễ

Chúc mừng Hội Hữu nghị Việt Nam - Đức được đón nhận phần thưởng cao quý, Đại sứ Guido Hildner tin tưởng, Hội sẽ tiếp tục hoạt động tốt hơn nữa trong tương lai. Đồng thời nhấn mạnh, quan hệ hai nước Việt Nam - Đức không chỉ dừng lại ở quan hệ giữa hai Chính phủ mà thể hiện qua mối quan hệ đặc biệt giữa người dân hai nước. Chính người dân đã làm cho mối quan hệ giữa hai nước trở nên sâu sắc, “ấm áp” hơn. Chính vì thế, Hội có vai trò quan trọng để đưa quan hệ hai nước tốt đẹp như ngày nay.

Đại sứ Guido Hildner cũng nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của các thành viên trong Hội trong việc gắn kết, trong đổi thông tin, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, hai nước đang chịu tác động của dịch Covid-19. Đồng thời bày tỏ cảm ơn tình cảm của Hội dành cho người dân Đức thông qua việc quyên góp, tặng khẩu trang cho người dân Đức. Đại sứ cũng nhấn mạnh đến các lĩnh vực trọng tâm ưu tiên hợp tác trong thời gian tới, đặc biệt là đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, đào tạo nghề.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Đức, cách đây 45 năm, vào ngày 23/9/1975, hai nước Việt Nam và CHLB Đức thiết lập quan hệ ngoại giao, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng trong mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Chính phủ và nhân dân hai nước.

Về quan hệ chính trị, sự tin cậy giữa hai bên được nâng lên một tầm cao mới, trở thành quan hệ đối tác chiến lươc từ năm 2011. Các chuyến thăm cấp cao của Lãnh đạo hai nước đã diễn ra thường xuyên. Sang năm 2021, hai nước sẽ kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.

Về kinh tế, thương mại và đầu tư, từ nhiều năm qua, Đức đã trở thành đối tác kinh tế - thương mại quan trọng nhất của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU) với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt trên 10 tỷ USD.

Trong lĩnh vực hợp tác phát triển, Việt Nam cũng là một đối tác hợp tác phát triển quan trọng của Đức. Từ năm 1990 tới nay, Đức đã hỗ trợ Việt Nam nhiều dự án phát triển với tổng giá trị khoảng 2 tỷ USD. Những dự án hợp tác phát triển của Đức giúp xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ở những địa phương kém phát triển ở Việt Nam. Phía Việt Nam cũng đánh giá cao những dự án hợp tác nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam, góp phần giảm thất nghiệp cho một bộ phận thanh niên Việt Nam đồng thời cũng góp phần giải quyết những khó khăn về nhân lực cho các địa phương ở Đức.

Sự gắn kết và thấu hiểu về văn hóa giữa hai đất nước, hai dân tộc chính là cơ sở cho mối quan hệ chính trị, kinh tế lâu dài giữa Việt Nam và Đức. Nhìn vào quan hệ truyền thống giữa hai dân tộc, có thể nói rằng hai đất nước chúng ta đã gắn bó dài hơn 45 năm, từ những ngày Việt Nam còn đang kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Ở Việt Nam có hơn 100.000 người đã từng học tập, lao động ở cả hai miền nước Đức và tại Đức cũng có hơn 170.000 người Việt Nam đang sinh sống, hội nhập vào quê hương thứ hai của họ. Họ chính là nhịp cầu kết nối hai đất nước chúng ta một cách lâu dài, bền vững. Có thể nói đó là một quan hệ độc đáo có một không hai trên thế giới và trong khu vực.

Tin bài liên quan