Mạnh tay xả quỹ
Tại kỳ điều hành giá xăng dầu vừa diễn ra ngày 2/4/2019, liên bộ Công thương - Tài chính tiếp tục cho phép chi từ Quỹ BOG với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức cao - 2.042 đồng/lít. Trước đó, để giữ nguyên giá xăng trong kỳ điều chỉnh ngày 18/3, liên bộ đã quyết định chi sử dụng Quỹ BOG với mức cao nhất là 2.801 đồng/lít với xăng E5RON92. Trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 3/3/2019, Quỹ BOG cũng đã sử dụng mức cao nhất là 2.000 đồng/lít với xăng E5RON92.
Việc liên tục trích Quỹ BOG đã khiến quỹ này (do các doanh nghiệp quản lý qua một tài khoản ngân hàng) giảm nhanh. Trong báo cáo gửi liên bộ Công thương - Tài chính, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) - đơn vị đang chiếm 45 - 48% thị phần xăng dầu tại Việt Nam cho hay, ở thời điểm ngày 1/1/2019, Quỹ BOG của doanh nghiệp có số dư đầu kỳ 1.930,67 tỷ đồng, nhưng ngày 2/3/2019 - trước kỳ điều hành xăng dầu, chỉ còn 1.210 tỷ đồng; tới trước 20h ngày 18/3/2019 còn 655 tỷ đồng và tới trước thời điểm điều hành giá xăng dầu ngày 2/4, chỉ có số dư gần 10 tỷ đồng - một con số thấp kỷ lục.
Tại Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) - doanh nghiệp chiếm khoảng 22% thị phần xăng dầu, số trích lập Quỹ BOG trong tháng 2/2019 là 50,2 tỷ đồng, nhưng số sử dụng trong kỳ là 276,1 tỷ đồng và đến ngày 28/2/2019 đã bị âm 185 tỷ đồng. Với mức trích sử dụng lớn trong 3 kỳ điều hành xăng dầu gần đây, việc Quỹ BOG hiện bị âm tới 500 tỷ đồng cũng không có gì là khó hiểu.
Trả lời tại cuộc họp báo cuối tuần qua, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cho hay, theo thống kê của cơ quan này, hiện chỉ có 9/28 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối bị âm Quỹ BOG. “Nhờ có Quỹ BOG, nên giá bán lẻ xăng dầu tại kỳ điều hành ngày 2/4 đã không tăng sốc. Nếu không tăng giá xăng dầu thì vẫn phải bù hơn 2.000-2.800 đồng/lít xăng và hơn 1.000 đồng/lít dầu”, ông Thắng Hải nói.
Ông Hải cũng cho hay, nguyên tắc của Quỹ là lúc dư thì nộp vào, lúc khó thì lấy ra dùng. Sau mười mấy năm điều hành giá xăng dầu, Bộ Công thương thấy đây là biện pháp kinh tế hữu hiệu, giúp không phải dùng ngân sách để can thiệp giá xăng dầu.
Áp lực nguồn cung
Trên thực tế, việc trích Quỹ BOG mạnh như vừa qua để giữ giá xăng trong nước không tăng sốc trong điều kiện giá xăng dầu thế giới tăng mạnh đã gây ảnh hưởng nhất định tới việc đảm bảo nguồn cung tại các điểm bán hàng. Chuyện một vài cây xăng thuộc hệ thống của Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (một trong 5 đầu mối lớn xuất nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu) thông báo “cửa hàng chưa có xăng RON 95” diễn ra từ ngày 22/3 và kéo dài khoảng 1 tuần là những biểu hiện rất cụ thể.
Một số doanh nghiệp đầu mối và kinh doanh xăng dầu cho hay, việc liên tục trích quỹ với mức cao như vừa qua khiến các doanh nghiệp bán hàng thấy càng bán càng phải ứng tiền ra để bù vào và lo ngại ảnh hưởng đến lợi nhuận. Hiện tại, đã có những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải vay ngân hàng và chịu lãi suất từ 8-10% để xử lý vấn đề này. Thực tế này dẫn tới việc doanh nghiệp tìm cách… né để không phải “tự cắt thịt mình” khi duy trì bán hàng.
Theo một số doanh nghiệp xăng dầu, thị trường khan hàng dẫn tới chiết khấu thấp, nhưng chiết khấu thấp thì cây xăng lỗ, không mặn mà bán hàng, kéo theo khâu lo nguồn hàng của các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu cũng bị tác động.
Dù câu chuyện Liên hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn bị sự cố khiến phải dừng sản xuất từ ngày 22/2 và đã được khôi phục trở lại cũng được nhắc tới trong việc đảm bảo nguồn cung, nhưng trên thực tế, sản lượng của cả Nghi Sơn và Nhà máy Lọc dầu Dung Quất mới chỉ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xăng dầu cả nước.
Đó là chưa kể theo quy định hiện hành, các thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu và doanh nghiệp sản xuất xăng dầu đều phải bảo đảm ổn định mức dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu bằng 30 ngày cung ứng, nên câu chuyện bán hàng nhiều hay ít sẽ đến từ phía yếu tố kinh tế nhiều hơn.