Tỷ giá tăng: Người mừng, kẻ lo
Quý I/2022, tỷ giá USD/VND chịu áp lực tăng mạnh, nhưng về tổng thể giữ được nhịp ổn định khi kết thúc quý chỉ tăng khoảng 0,2% so với cuối năm 2021, bởi có một đợt giảm trong tháng đầu năm.
Áp lực gia tăng rõ nét lên tỷ giá xuất hiện sau Tết Nguyên đán 2022 khi môi trường quốc tế biến động như xung đột Nga - Ukraine leo thang. Bên cạnh đó, kỳ vọng Fed tăng mạnh lãi suất trong năm nay khiến tâm lý thị trường trở nên thận trọng, các doanh nghiệp gia tăng mua ngoại tệ kỳ hạn nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro.
Đồng thời, thặng dư cán cân thương mại trong quý đầu năm 2022 có dấu hiệu thu hẹp, chỉ đạt hơn 800 triệu USD so với mức thặng dư trung bình 2 tỷ USD/quý trong 3 năm gần đây, do nhập siêu mặt hàng xăng dầu tăng lên theo đà tăng của giá hàng hóa thế giới, song song với nhu cầu nhập khẩu máy tính trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Tỷ giá tăng, những doanh nghiệp xuất khẩu ròng, đồng thời không có nợ vay bằng USD sẽ hưởng lợi từ đà tăng của tỷ giá USD/VND. Lãnh đạo một số công ty cổ phần may xuất khẩu tại Bắc Ninh, Bắc Giang cho biết, dệt may là một trong những ngành hưởng lợi từ đà tăng của tỷ giá, dù đây là ngành đặc thù khi doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài về để gia công cũng khá lớn.
“Tỷ giá USD/VND tăng sẽ làm tăng giá sản xuất của doanh nghiệp dệt may do nhập khẩu nguyên liệu và đây là điểm bất lợi, tác động đến kết quả kinh doanh. Nhưng đối với doanh nghiệp dệt may xuất khẩu lớn, có nguồn thu ổn định, sự biến động của tỷ giá không làm thay đổi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này”, một lãnh đạo cao cấp Công ty May xuất khẩu Hà Phong nói.
Nhóm doanh nghiệp hưởng lợi từ tỷ giá tăng có thể kể đến thuỷ sản, gia công phần mềm, cao su tự nhiên xuất khẩu ròng.
Ở chiều ngược lại, những doanh nghiệp nhập khẩu ròng sẽ phải đối mặt với đà tăng giá nguyên liệu đầu vào, kéo theo sự suy giảm của tỷ suất lợi nhuận khi tỷ giá USD/VND tăng.
Theo tài liệu họp đại hội cổ đông dự kiến tổ chức ngày 26/4/2022 của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), năm 2022, Vinamilk đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất đạt 64.070 tỷ đồng, tăng 5%, nhưng lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 9.770 tỷ đồng, giảm 8% so với năm 2021, bởi áp lực từ giá nguyên liệu đầu vào, thức ăn chăn nuôi và cước vận tải.
Báo cáo thường niên của Vinamilk cho thấy, về tổng thể, giá thức ăn chăn nuôi trong năm 2021 tăng 30 - 40% và chưa có dấu hiệu giảm trong năm 2022. Giá nhập khẩu tăng kéo theo giá trong nước tăng, trong đó, nguồn thức ăn thô xanh phải cạnh tranh quyết liệt về giá và nguồn cung. Ngoài ra, cước phí vận chuyển trong nước tăng khoảng 20%, quốc tế tăng khoảng 500%, góp phần đẩy chi phí sản xuất sữa tươi nguyên liệu tăng cao.
Cùng chung cảnh ngộ với doanh nghiệp ngành sữa là doanh nghiệp nhựa, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, giá dầu tăng khiến giá nhựa nguyên liệu đầu vào (hạt phụ gia PP, PE…) cao hơn khoảng 15% so với đầu năm, dẫn đến chi phí sản xuất tăng.
“Khách hàng của Công ty hiện đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là khi vừa trải qua “sóng thần” đại dịch Covid-19 trong hai năm 2020 - 2021. Khách hàng đang gắng gượng phục hồi nên chúng tôi không thể tăng giá mạnh các sản phẩm. Nhiều đơn hàng được sản xuất để cùng cầm cự với khách hàng, còn lại những mặt hàng mà giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao quá đành phải dừng sản xuất”, ông Phan Thanh Tịnh, Giám đốc Công ty Nhựa Bao bì Phan Công chia sẻ.
Những doanh nghiệp có nợ vay lớn bằng USD trong khi không có nguồn thu ổn định bằng ngoại tệ này sẽ gặp rủi ro khi tỷ giá USD/VND đi lên, làm tăng chi phí tài chính, chủ yếu trong ngành điện, thép, dầu khí, thực phẩm, phân bón, vận tải biển...
Chú trọng phòng vệ rủi ro
Một lãnh đạo cao cấp BIDV cho rằng, tỷ giá USD/VND thời gian qua về cơ bản giữ được sự ổn định nhờ một số yếu tố hỗ trợ như chính sách điều hành chủ động, linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước. Ngay trong tháng 1/2022, cơ quan này đã hạ tỷ giá mua ngoại tệ với các ngân hàng thương mại thêm 100 điểm, xuống mức 22.550, đồng thời ban hành chính sách bán ngoại tệ kỳ hạn 3 tháng có hủy ngang tại mức 23.050.
“Động thái này của cơ quan điều hành một mặt giúp ổn định tâm lý, mặt khác duy trì niềm tin của thị trường vào sức mạnh của đồng nội tệ”, vị lãnh đạo cao cấp BIDV nhận xét.
Bên cạnh đó, một số dòng tiền vẫn khá ổn định trong quý I/2022 như giải ngân FDI đạt 4,42 tỷ USD (tăng khoảng 7,8% so với cùng kỳ), kiều hối ước đạt 3 tỷ USD.
Mặc dù vậy, vị lãnh đạo cao cấp BIDV dự báo, tỷ giá USD/VND có thể sẽ duy trì ở mức cao trong quý II/2022, với ngưỡng chặn trên là tỷ giá bán kỳ hạn quy đổi của Ngân hàng Nhà nước. Có một số yếu tố dự kiến sẽ tác động không nhỏ tới tỷ giá trong thời gian tới.
Thứ nhất, xu hướng tăng giá của USD trên thị trường quốc tế nhiều khả năng tiếp diễn khi Fed được nhận định sẽ tăng tổng cộng 1%/năm lãi suất trong trong hai phiên họp tháng 5 và 6, đồng thời khởi động quá trình thu hẹp bảng cân đối tài sản trị giá gần 9.000 tỷ USD. Ngoài ra, xung đột Nga - Ukraine khiến tâm lý thị trường thận trọng và củng cố cho dòng tiền tìm đến các kênh trú ẩn như USD.
Thứ hai, nguồn cung ngoại tệ không quá dư dả, còn nhu cầu ngoại tệ dự kiến sẽ tiếp tục tăng do hoạt động nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu tăng cao theo chu kỳ để phục vụ hoạt động sản xuất, xuất khẩu trong giai đoạn nửa cuối năm, trong khi nhu cầu mua kỳ hạn, bảo hiểm rủi ro có khả năng được duy trì bởi môi trường quốc tế kém thuận lợi.
Tuy nhiên, một số cấu phần nguồn cung như giải ngân FDI, kiều hối, xuất nhập khẩu dịch vụ, mua bán - sáp nhập... có triển vọng được cải thiện trong bối cảnh kinh tế Việt Nam mở cửa hoạt động thích ứng sau đại dịch, các hoạt động đón khách du lịch quốc tế quay trở lại.
Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách theo hướng ổn định giá trị đồng nội tệ, chống đô la hóa nền kinh tế với điểm tựa từ nguồn lực dự trữ ngoại hối liên tục được bồi đắp trong thời gian qua (ước tính đạt 105 tỷ USD). Nhiều khả năng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện nghiệp vụ bán ngoại tệ kỳ hạn cho các ngân hàng thương mại để bình ổn tâm lý thị trường trong bối cảnh cung cầu ngoại tệ không dồi dào và áp lực từ môi trường quốc tế tăng cao.
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối kinh doanh tiền tệ, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, Ngân hàng HSBC Việt Nam khuyến nghị: “Các doanh nghiệp cần chủ động trong vấn đề xây dựng các kịch bản đa dạng với từng tình huống. Đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cần đặc biệt chú trọng vấn đề phòng vệ rủi ro, trong đó có rủi ro về dòng tiền, rủi ro về lãi suất và tỷ giá thông qua các sản phẩm phòng vệ rủi ro, nhằm nắm thế chủ động trong việc dự phòng và ổn định tính thanh khoản, đảm bảo cho hoạt động của doanh nghiệp được thông suốt”.