Dự án Khu dân cư 6A Bình Chánh nhìn từ trên cao.

Dự án Khu dân cư 6A Bình Chánh nhìn từ trên cao.

Thấp thỏm người mua dự án bị kê biên

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không chỉ các trái chủ, người mua bất động sản tại các dự án có liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát lo lắng quyền lợi của mình có được đảm bảo khi dự án bị phong tỏa, kê biên.

Nhà đầu tư bất an

Chị Nguyễn Thị Hạnh, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM xuống tiền mua 2 lô đất tại dự án Long Hậu Riverside (ấp 2/5, xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) từ năm 2019 với giá 1,5 tỷ đồng/lô và chủ đầu tư cam kết ra sổ sau 3 tháng, thế nhưng tới nay vẫn chưa nhận được. Chị càng lo lắng hơn khi biết thông tin dự án có liên quan đến bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, dự án Long Hậu Riverside có tên đầy đủ là dự án Khu dân cư - tái định cư Thành Hiếu, có tổng diện tích hơn 20 ha, do Công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng Thành Hiếu - thuộc Công ty cổ phần Xe khách Phương Trang - làm chủ đầu tư.

Sở dĩ dự án này có liên quan tới vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là bởi Công ty Phương Trang đã chuyển nhượng cho bà Trương Mỹ Lan (thông qua 3 cá nhân) toàn bộ số cổ phần tại Công ty Thành Hiếu với giá 3.450 tỷ đồng.

Tuy nhiên, phía bà Lan mới thanh toán được khoảng 1.200 tỷ đồng. Khi vụ án xảy ra, cơ quan chức năng tiến hành phong tỏa tài sản này để đảm bảo nghĩa vụ khắc phục hậu quả cho vụ án. Theo đó, dự án bị ngưng trệ, không thực hiện được, quyền lợi của những người mua đất tại dự án cũng bị “treo” theo.

Trong phiên tòa xét xử bà Lan và các bị cáo khác (giai đoạn 1), đại diện Công ty Phương Trang đề nghị được trả lại số tiền 1.200 tỷ đồng cho bà Lan để hủy bỏ biện pháp phong tỏa. Sau đó, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP.HCM đã chấp thuận đề nghị này.

Công ty Phương Trang phải hoàn trả lại 1.200 tỷ đồng vào tài khoản của Cục Thi hành án dân sự TP.HCM để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn cho bị cáo Lan trong toàn bộ vụ án. Khi Công ty Phương Trang nộp đủ số tiền trên thì dự án được giải tỏa kê biên, chủ đầu tư được tiếp tục thực hiện dự án.

Dẫu vậy, những người đã mua đất tại dự án này vẫn chưa hết lo, bởi không biết khi nào chủ đầu tư mới chuyển trả lại số tiền trên cho bà Lan, bao giờ dự án được tiếp tục thực hiện và thời gian họ nhận được sổ đỏ là bao lâu.

Tương tự, những người mua nền đất tại dự án Khu dân cư 6A tại huyện Bình Chánh, TP.HCM cũng đang trong tình cảnh mòn mỏi chờ giao đất.

Cụ thể, năm 2004, Công ty cổ phần Kinh doanh nhà (Intresco) được UBND TP.HCM giao hơn 47 ha đất để làm dự án. Đến năm 2007, thấy quy mô dự án quá lớn, Intresco không có khả năng làm, UBND Thành phố đã tách hơn 25 ha trong tổng diện tích dự án giao cho một công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tổ chức giải tỏa, đền bù.

Đường vào dự án Khu dân cư 6A Bình Chánh.

Đường vào dự án Khu dân cư 6A Bình Chánh.

Trong khi đó, theo phản ánh từ khách hàng, năm 2003, biết thông tin dự án 6A đang mở bán qua hình thức góp vốn, nhiều người đã tìm đến mua. Tuy nhiên, các khách hàng này được cho biết, phần lớn nền đất đã bán cho cán bộ, công nhân viên Intresco, nếu muốn mua phải sang nhượng lại.

Thấy giá rẻ, hàng trăm khách hàng đã không ngần ngại mua lại, dự kiến thời gian bàn giao nền đất là 36 tháng. Tuy nhiên, sau khi đóng tiền một thời gian, thấy dự án vẫn giẫm chân tại chỗ, đi tìm hiểu nguyên nhân thì Intresco chỉ hứa hẹn và đưa ra nhiều lý do viện cớ cho việc dự án dở dang.

Đến nay, khi vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được đưa ra xét xử, bà Lan muốn bán nhiều tài sản của mình để lấy tiền nộp khắc phục hậu quả, trong đó có dự án Khu dân cư 6A. Theo bà Lan, dự án này đã đền bù giải phóng mặt bằng 20 năm nay, hiện chỉ còn khoảng 1 ha.

Trước khi bị bắt, có nhiều nhà đầu tư trả mức giá 30.000-50.000 tỷ đồng đề nghị mua dự án nhưng chưa được chấp thuận, nay sẵn sàng bán rẻ 10.000-20.000 tỷ đồng, chỉ cần có tiền để đền bù cho người mua trái phiếu (liên quan đến vụ án).

Dù vậy, quyền lợi của những người đã mua nền đất tại dự án này được giải quyết như thế nào thì không đề cập.

Người dân cũng không yên ổn

Không chỉ nhà đầu tư, người mua nhà đất tại các dự án có liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị ảnh hưởng đến quyền lợi, mà cả những người dân sống trong khu vực giải tỏa, đền bù của dự án cũng không được yên ổn, như câu chuyện tại dự án Khu đô thị Sing Việt (quy mô 331 ha, nằm tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM) là một ví dụ.

Ông Huỳnh Văn Tiền - một cư dân bị thu hồi đất tại dự án Khu đô thị Sing Việt cho hay, đã 27 năm nay, người dân ở đây không làm gì được trên mảnh đất của mình, rất khốn khổ. Vì vậy, cần có cơ quan chức năng đứng ra giải quyết dứt điểm cho người dân, nếu sai quy định pháp luật thì thu hồi dự án, trả lại công bằng cho dân.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, Công ty TNHH Đô thị Sing Việt - chủ đầu tư dự án, hiện thuộc quyền sở hữu hoàn toàn của Công ty Amaland Pte.Ltd, có trụ sở tại Singapore.

Tháng 4/2020, Amaland ký hợp đồng chuyển nhượng vốn tại Công ty Sing Việt cho Công ty cổ phần Đầu tư Singapore Việt Nam (SVIC). SVIC đã đặt cọc 16,5 triệu USD, sau đó chuyển thêm 100 triệu USD vào tài khoản phong tỏa và đề nghị Amaland chuyển giao cổ phần theo hợp đồng.

Tuy nhiên, Amaland không thực hiện, còn khởi kiện SVIC ra tòa trọng tài quốc tế, trong khi SVIC cũng kiện Amaland ra Tòa án Nhân dân TP.HCM.

Tại tòa, đại diện Công ty Sing Việt cho rằng, vì họ là “công ty con” nên không rõ vấn đề tranh chấp giữa các bên. Tuy nhiên, trong tháng 9/2024, Trung tâm Trọng tài tại Singapore đã ra phán quyết ủng hộ việc hủy hợp đồng của Amaland. Đồng thời, ngày 24/9/2024, Tòa án nhân dân TP.HCM cũng đã quyết định đình chỉ, hủy bỏ việc giải quyết vụ án dân sự giữa SVIC và Amaland.

Ngoài ra, Công ty Sing Việt đã nhận được thông tin về việc một số cổ đông nước ngoài sở hữu Amaland ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty TTD Việt Nam Capital để phát triển dự án Khu đô thị Sing Việt.

Trong phiên tòa mới đây, đại diện Công ty TTD xác nhận rằng, hai bên đã ký kết thỏa thuận khung hợp tác đầu tư với nhau. Theo trình bày của vị đại diện này, Công ty TTD được nhóm công ty ở Singapore của Công ty Vivaland (thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) ủy quyền cho tham gia điều hành dự án và sẽ nộp 147 triệu USD để khắc phục hậu quả của vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Bà Lan cũng đề nghị tòa chấp thuận, tạo điều kiện để Công ty TTD nộp 147 triệu USD khắc phục hậu quả, đồng thời tạo điều kiện cho Công ty TTD, Công ty Sing Việt được triển khai dự án thuận lợi.

Thông tin thêm về dự án này, ông Nguyễn Văn Tài - Phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho hay, dự án Khu đô thị Sing Việt đang điều chỉnh quy hoạch và chủ đầu tư phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính thì mới có cơ sở xử lý tiếp. Song song đó, UBND huyện Bình Chánh cũng có báo cáo với Tổ công tác của UBND Thành phố về các nội dung liên quan.

Tin bài liên quan