Vào thời điểm 2010, ít ai có thể ngờ rằng, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ bước vào xu hướng tăng (bull market) trong quãng thời gian dài nhất lịch sử, đánh dấu thập kỷ leo dốc ấn tượng nhất kể từ năm 1950 tới nay.
Các cổ phiếu thuộc chỉ số S&P 500 mang về lợi suất 249% trong 10 năm qua, cao gấp 1,2 lần con số trung bình kể từ khi các số liệu được ghi nhận.
Bên cạnh đó, những năm 2010 là thập kỷ đầu tiên không có xu hướng giá xuống (bear market), được định nghĩa là mức giảm 20% kể từ mức đỉnh. Trong giai đoạn này, có 10 lần thị trường điều chỉnh giảm khoảng 10%, song không đà giảm nào đủ sức cắt đứt xu hướng tăng.
Một phương pháp đo lường thông dụng là tỷ số Sharpe cũng chứng minh sức mạnh của chứng khoán Mỹ trong thập kỷ qua.
Tỷ số này theo dõi màn biểu diễn của cổ phiếu trong mối tương quan với trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm.
Việc tỷ số ở quanh mức 1 cho thấy, lợi suất mang lại từ thị trường chứng khoán ở mức tích cực so với chi phí bỏ ra, dù đã bao gồm các yếu tố bất ổn.
Tất nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc chặng hành trình 10 năm qua hoàn toàn êm đềm.
Đã có những thời khắc nhà đầu tư “đau tim” bởi cú lao dốc tháng 5/2010, khủng hoảng nợ trái phiếu châu Âu giai đoạn 2011-2012 và việc Trung Quốc hạ giá nhân dân tệ vào năm 2015.
Hiện tại, thương chiến Mỹ - Trung đang phủ bóng đen lên tâm trí nhà đầu tư, nhưng đà tăng của thị trường vẫn được đánh giá là bền vững.
Một câu chuyện bất ngờ khác là yếu tố tâm lý, dựa trên mối tương quan của 2 thước đo sự bất ổn.
Thước đo sự xuất hiện thường xuyên của các chính sách kinh tế khó đoán định trên thế giới tăng lên mức cao nhất trong thập kỷ qua, nhưng tác động của nó tới tâm lý nhà đầu tư lại thấp tới mức đáng ngạc nhiên.
Cboe Volatility (VIX) - chỉ số được mệnh danh là “đo lòng tham và nỗi sợ của nhà đầu tư” trên thị trường dựa trên các hợp đồng quyền chọn của S&P 500 lần lượt rơi xuống các mức thấp.
Theo giới chuyên gia, đà tăng của thị trường có công đầu thuộc về các ngân hàng trung ương.
Gần như mỗi lần thị trường có biến động “đáng sợ”, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đều vào cuộc, mà tích cực nhất là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) với việc hạ lãi suất lần đầu tiên trong thập kỷ.
Bên cạnh đó, chính tâm lý thận trọng với mọi vấn đề của giới đầu tư xuất phát từ những năm đầu của thập kỷ đã khiến hoạt động đầu tư diễn ra một cách “bình tĩnh”.
Mặc dù đang nắm giữ lượng tiền mặt ở mức gần cao nhất trong lịch sử, nhưng CEO các doanh nghiệp không hề vội vàng.
Chỉ số đo lường mức độ chi tiêu của các công ty thuộc S&P 500 do Bank of America Corp thực hiện đang ở mức thấp nhất 10 tháng qua.
“Không có bất kỳ dấu hiệu nào của bong bóng đầu tư hay rủi ro tài sản được đánh giá quá cao. Tình trạng này duy trì ở mức vững vàng bậc nhất trong quãng thời gian của ít nhất 2 cuộc khủng hoảng gần đây”, Jeremy Zirin, người đứng đầu bộ phận chứng khoán Mỹ của UBS Global Wealth Management nhận định.
Đáng chú ý, khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư ở mức cao, nhưng các yếu tố nền tảng duy trì tình trạng bền vững đã hỗ trợ kết quả đầu tư.
Điển hình là tăng trưởng GDP Mỹ ở mức 1,6-2,9% trong 9 năm qua và kỳ vọng duy trì tích cực trong năm nay. Đây là biên độ dao động hẹp nhất trong quãng thời gian 10 năm kể từ khi các số liệu được ghi nhận từ năm 1930.
Tất nhiên, thập kỷ vừa qua không phải là “thiên đường” đối với mọi nhà đầu tư.
Trong đó, quỹ ETF dựa theo chỉ số đã có quãng thời gian khá thất vọng, với lợi suất trung bình chỉ 4,3%/năm, kém hơn khoảng 9% so với đà tăng của chỉ số S&P 500, theo số liệu tổng hợp của Hedge Fund Research và Bloomberg.
Các quỹ tương hỗ cũng không khấm khá hơn, khi các quỹ đầu tư vào cổ phiếu vốn hóa lớn chỉ duy trì lợi suất ở mức 8%/năm, theo số liệu của Morningstar Inc.