Mỹ sử dụng 3 tiêu chuẩn để xác định một quốc gia thao túng tiền tệ: thặng dư tài khoản vãng lai trên 3% GDP; thặng dư thương mại với Mỹ trên 20 tỷ USD; can thiệp một chiều trên thị trường ngoại hối vượt 2% GDP trong 12 tháng.
Theo một số nguồn tin, Bộ Tài chính Mỹ có thể giới hạn tiêu chí thứ nhất từ 3% xuống 2% trong bản báo cáo sắp đến. Điều này có nghĩa, các đối tác thương mại nằm trong danh sách thao túng tiền tệ sẽ được mở rộng từ 12 nước như trước đây lên 20 nước.
Lạc quan hay bi quan không phải là cách ứng xử thích hợp
Đến giờ, các quốc gia có lẽ vẫn chưa thể biết chính xác bản chất câu chuyện thao túng tiền tệ với hàng loạt vấn đề đằng sau cánh cửa đóng của nó. Việc này đòi hỏi chúng ta phải có cách nhìn thận trọng, nhất là với chính quyền của Donald Trump. Có quan điểm nhận định là 25 năm nay vẫn chưa có nước nào bị dán nhãn thao túng tiền tệ, nên lạc quan rằng, vẫn có thể đàm phán được. Ở góc độ bi quan hơn, nếu bị dán nhãn, thì đó sẽ không khác gì một cú đại sốc với nhiều hậu quả không thể lường trước.
Với những điều mà chúng ta không thể biết trước về thế giới ngày hôm nay, hãy mạnh mẽ đặt giả thuyết ngày mai hoặc một lúc nào đó có khả năng Mỹ sẽ đưa chúng ta vào danh sách này hoặc nhẹ hơn là trong danh sách theo dõi. Cái gọi là “dán nhãn thao túng tiền tệ” cũng chỉ là cách mà nước Mỹ ngày nay dùng nó như là một cách thức để mặc cả cho cuộc chơi. Cuộc chơi để làm cho nước Mỹ vĩ đại hơn hay có ưu thế trong bàn cờ địa chính trị khu vực hiện nay hay là gì đi nữa thì phản ứng thích hợp của chúng ta phải là tìm cách thích ứng với nó, thay vì thái độ lạc quan hay bi quan.
Vì sao kẻ thao túng tiền tệ đến giờ vẫn chưa bị dán nhãn thao túng tiền tệ?
Hoàn toàn có cơ sở để đặt vấn đề như thế. Cách nay một thập kỷ, Trung Quốc có thặng dư tài khoản vãng lai luôn cao hơn 10% GDP và hầu như thỏa mãn hoàn toàn cả 3 tiêu chuẩn của Mỹ. Vấn đề là, đến nay, nước này vẫn chưa bao giờ bị gắn mác thao túng tiền tệ.
Bản báo cáo gần nhất vào tháng 10/2018 của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy, Nhật Bản, Hàn Quốc thỏa mãn 2 tiêu chí đầu, thậm chí nhiều dấu hiệu cho thấy 2 nước này có những can thiệp đủ để cho đồng tiền của mình yếu đi. Mặc dù vậy, Mỹ vẫn không dựa vào đó để quy cho 2 quốc gia này thao túng tiền tệ. Thái Lan thì hầu như đáp ứng đủ 3 tiêu chí. Việt Nam, Malaysia, Đài Loan đều có thặng dư thương mại và tài khoản vãng lai lớn với Mỹ cùng với những bất cập về tỷ giá theo cách nhìn của Mỹ. Thế nhưng, các quốc gia và vùng lãnh thổ này không bị nhắc đến một chút nào trong báo cáo tháng 10/2018 và trước đó. Vì sao như thế?
Còn nhiều tranh luận về câu hỏi này, nhưng giới quan sát quốc tế dễ đồng thuận rằng, thao túng tiền tệ không phải là vấn đề thuần tuý kinh tế, mà nằm ở ngoại giao kinh tế (economic diplomacy). Ngoại giao kinh tế chắc chắn sẽ là một trong những mấu chốt để một nước nào đó nằm trong hoặc ngoài vùng cận biên bản danh sách thao túng tiền tệ mở rộng.
Bối cảnh địa chính trị khu vực hiện nay với vai trò đang lên của Việt Nam khiến khả năng vận dụng ngoại giao kinh tế càng thêm thuận lợi. Giữa lúc xôn xao về khả năng Mỹ có thể đưa Việt Nam vào danh sách quốc gia thao túng tiền tệ, thì việc Phó thủ tướng Vương Đình Huệ mới đây điện đàm với Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ để trao đổi các thông tin “tài chính tiền tệ” có thể là ngoại giao kinh tế?
Cần lưu ý là, trước khi bản báo cáo tháng 10/2018 chính thức công bố và bản báo cáo sắp tới, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã 2 lần xuất hiện và khẳng định nước họ không bao giờ chủ trương định giá thấp đồng tiền để tăng xuất khẩu. Rõ ràng, minh bạch và nhanh nhạy là điều rất cần thiết mà chúng ta cần phải học tập từ Thái Lan.
Phải chứng minh bằng được rằng Việt Nam chưa bao giờ chủ trương phá giá tiền tệ
Cần chú ý đến luận điểm của Bộ Tài chính Mỹ rằng, họ đặc biệt quan tâm đến việc ngân hàng trung ương có cố tình hạ giá đồng tiền để chiếm lợi thế trong xuất khẩu hay không. Một trong những yếu tố nhận biết dấu hiệu này là tính cân xứng trong các can thiệp làm dịu biến động tỷ giá theo chiều xuống có tương đương với với chiều lên của tỷ giá hay không.
Vào thời điểm này năm 2018, dự trữ ngoại hối của nước ta đạt 63,5 tỷ USD. Sau các đợt bán ngoại tệ can thiệp trên thị trường, dự trữ đến cuối năm 2018 chỉ còn 59 tỷ USD. Từ đầu năm 2019 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua ròng thêm khoản 5 tỷ USD. Như vậy, sau 1 năm, dự trữ vẫn không thay đổi, đạt xấp xỉ 63 tỷ USD. Dữ liệu này tạo cảm giác cho thấy, các can thiệp trên thị trường của NHNN là khá cân xứng. Các can thiệp vào chiều tăng cũng như chiều giảm của tỷ giá khá giống nhau. Tích luỹ dự trữ ngoại hối có lúc tăng cũng có lúc giảm, cho thấy các can thiệp của NHNN trên thị trường chỉ với mục đích làm dịu các bất ổn tỷ giá, hơn là tạo lợi thế cho xuất khẩu.
Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ hầu như sử dụng đánh giá của IMF về tỷ giá thực hiệu lực (REER) để nhận định đồng tiền của các đối tác định giá cao hay thấp và do đó có phá giá tiền tệ hay không.
Trong báo cáo tháng 7/2018, đánh giá của IMF cho thấy, REER giai đoạn 2011-2017 có những diễn biến trái chiều: 2011-2015, VND định giá cao; 2015 – 2017, VND định giá thấp. Đáng chú ý là, nửa tháng cuối năm 2017, VND lại có xu hướng định giá cao trở lại. Mặc dù IMF chưa đưa ra đánh giá mới nhất, nhưng với việc tỷ giá VND/USD khá ổn định ở mức tăng khoảng 3 - 4% năm 2018, lạm phát bình quân khoảng 4%, trong bối cảnh các ngoại tệ mạnh khác đồng loạt có xu hướng giảm giá so với USD và Trung Quốc phá giá tiền tệ, chúng ta kỳ vọng REER năm 2018 vẫn trong xu hướng giảm. Điều này có nghĩa là, so với một rổ các đồng tiền mạnh và USD, VND vẫn đang được định giá cao, chứ không phải phá giá hỗ trợ xuất khẩu.
Các thông tin hỗ trợ này có thể thuyết phục Mỹ rằng, Việt Nam điều hành tỷ giá khá linh hoạt. Ngoài các yếu tố ngắn hạn mang tính cung - cầu trên thị trường, Bộ Tài chính Mỹ còn xem xét REER có hướng về mức cân bằng phản ảnh các yếu tố cơ bản dài hạn của nền kinh tế hay không. Về tiêu chí này, nhiều nghiên cứu cho thấy, REER đang đi theo các xu hướng thể hiện đúng các yếu tố cơ bản của nền kinh tế. Đây là những điểm mà chúng ta cần chuẩn bị thật kỹ để đàm phán.
Sáng tạo các công cụ và kỹ thuật mới, đa dạng và độc đáo phù hợp với đặc điểm Việt Nam
Trở lại vấn đề phải làm gì nếu bị liệt vào danh sách thao túng tiền tệ. Có lẽ, điều quan ngại nhất là những thách thức trong chính sách tiền tệ mà trọng tâm là tỷ giá VND/USD. Nhưng trước hết, hãy thử nhìn vào cách mà chính phủ các nước nằm trong danh sách theo dõi của Mỹ đã làm với tỷ giá.
Ngân hàng trung ương Nhật Bản làm yếu đồng tiền bằng cách mới đây bơm thêm 6.000 tỷ yên để mua vào quỹ đầu tư danh mục chỉ số ETF.
Thụy Sĩ có thặng dư tài khoản vãng lai luôn ở mức trên 10% GDP. Đã vậy, ngân hàng trung ương thậm chí còn bơm tiền mua thêm cổ phiếu của Apple để làm yếu đồng franc, với mức mua ròng dự trữ ngoại hối lên đến 2,7% GDP (vượt tiêu chuẩn 3).
Hàn Quốc thông qua Quỹ hưu trí nhà nước (NPS), thay vì ngân hàng trung ương, liên tục tích trữ USD đã làm đồng won yếu đi đáng kể. NPS tuy xuất hiện trong báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, nhưng hoàn toàn không được đề cập trong báo cáo của Bộ Tài chính.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc sử dụng các công cụ phái sinh ngoại hối và nhân tố X mà họ gọi là “yếu tố phản chu kỳ” để can thiệp nhằm ổn định đồng nhân dân tệ. Điều lạ là, những yếu tố này không được đề cập trong báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ.
Những thực tế trên càng củng cố thêm giả thuyết về ngoại giao kinh tế luôn ẩn hiện đằng sau câu chuyện thao túng tiền tệ.
Như vậy, cùng với các công cụ chính sách tiền tệ truyền thống, ngân hàng trung ương và chính phủ các nước đã sáng chế ra nhiều kỹ thuật và công cụ độc đáo phù hợp với đặc điểm thể chế, để làm dịu bớt các biến động tỷ giá, đồng thời tăng tính hiệu quả của các công cụ chính sách trong bối cảnh thế giới ngày càng nhiều bất định.
Đặc điểm chung nhất là các kỹ thuật và công cụ được sử dụng khá tinh tế, đúng thời điểm, thông tin thường được công bố công khai, dự trữ ngoại hối có lúc tăng, cũng có lúc giảm khiến các nước này vẫn chưa bị liệt vào danh sách thao túng tiền tệ. Tạo thêm nhiều công cụ như thế phù hợp với đặc điểm Việt Nam là lựa chọn khả dĩ để chúng ta có thể ứng phó với mọi kịch bản có thể.
Thông tin Tập đoàn Điện lực có 42.000 tỷ đồng, hay Tập đoàn Dầu khí có hàng trăm ngàn tỷ đồng nhàn rỗi (1/4 tổng tài sản) gửi ngân hàng gợi ra nhiều hàm ý chính sách. Thử đặt giả thuyết nếu có một quỹ đầu tư nào đó của Nhà nước giống như NPS của Hàn Quốc được lập ra từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước để điều phối dòng tiền tạm thời nhàn rỗi từ các tập đoàn và sử dụng hàng trăm ngàn tỷ đồng này can thiệp (mua vào) trên thị trường ngoại hối, thì NHNN càng giảm nguy cơ bị quy cho liên tục can thiệp một chiều.
Thử hình dung kịch bản Việt Nam là một điểm đến của dòng vốn quốc tế khi chiến tranh thương mại ngày càng leo thang. Bản thân NHNN khó có khả năng trong cùng một thời điểm trung hòa lượng ngoại tệ chảy vào mạnh, nếu không thêm một đường dẫn khác đến từ một định chế tài chính nhà nước như NPS. Đến một thời điểm nào đó, khi tình hình dịu đi, chỉ bằng các giao dịch phái sinh hoán đổi ngược lại, dự trữ ngoại hối từ định chế nhà nước lại dễ dàng quay trở lại NHNN.
Khi người không thao túng tiền tệ lại bị dán nhãn thao túng tiền tệ thì đó là một thất bại chính sách đáng kể. Ngoại giao kinh tế có thể hóa giải trớ trêu này. Nhưng đâu chỉ có thế. Giải pháp căn cơ nhất mà chúng ta mong đợi vẫn phải là tái cấu trúc toàn diện nền kinh tế và cùng với đó là hiện đại hóa các khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ.
Chiều ngày 13/5, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ điện đàm với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin
Tại cuộc điện đàm, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước và bày tỏ vui mừng trước quan hệ song phương phát triển rất tích cực. Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam đang tiếp tục chủ trương cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Mỹ đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam và sẽ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xử lý các vấn đề mà Mỹ quan tâm như nhập khẩu ô tô, an ninh mạng, thanh toán điện tử, tài chính - tiền tệ…
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đánh giá cao những tiến triển trong quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư thời gian qua, đồng thời đánh giá cao việc Việt Nam đã cung cấp thông tin cho phía Mỹ về chủ trương của Việt Nam trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ, đề nghị Việt Nam tiếp tục trao đổi với phía Mỹ về vấn đề này.