Gây chú ý nhất là vụ ông Hoàng Đức Dũng, từ ngày 9/6/2015 đến 24/7/2015, đã sử dụng 2 tài khoản đứng tên mình và 24 tài khoản đứng tên người khác để giao dịch cổ phiếu NTN của CTCP Tài Nguyên nhằm mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu TNT. Ông Dũng chịu mức phạt 550 triệu đồng và bị buộc nộp lại 490 triệu đồng thu lợi bất chính.
Trong khoảng thời gian trên, giá cổ phiếu TNT tăng từ 8.300 đồng/CP lên 14.300 đồng/CP, có những giai đoạn gây chú ý khi tăng trần 7 phiên liên tiếp.
Việc phát hiện ra vụ việc này bắt nguồn từ các dấu hiệu bất thường trong giao dịch cổ phiếu TNT, khi thanh khoản của cổ phiếu đột nhiên tăng vọt, gấp 3-4 lần so với phiên trước và giá cổ phiếu tăng trần, trong khi thông tin về hoạt động doanh nghiệp hầu như không có gì đột biến.
Từ “lưới” sàng lọc của Sở Giao dịch chứng khoán, vụ việc được đưa tới cơ quan giám sát giao dịch của UBCK và tiếp đó được chuyển sang cơ quan thanh tra UBCK. Sau khi xem xét và có ý kiến, cơ quan thanh tra UBCK chuyển vụ việc sang cơ quan công an. Kết quả xác minh của cơ quan công an là căn cứ để ra quyết định xử phạt. Cổ phiếu TNT được cấp margin và nhà đầu tư có sử dụng công cụ này trong các hoạt động thao túng giá cổ phiếu.
Gần nhất, ông Trần Thanh Điền (địa chỉ tại Phú Lợi, Phú Lâm, Phú Tân, An Giang) bị phạt tiền 550 triệu đồng vì đã sử dụng 1 tài khoản đứng tên mình và 7 tài khoản đứng tên người khác để giao dịch cổ phiếu của CTCP Đầu tư du lịch và phát triển Thủy sản (mã DAT) nhằm mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu DAT trong khoảng thời gian từ 5/11/2015 đến 8/1/2016. Tuy nhiên, cơ quan thanh tra UBCK không phát hiện được khoản lợi bất chính từ hành vi của ông Điền và nhóm nhà đầu tư liên quan.
Trong cả 2 vụ việc trên, việc phát hiện và xử phạt diễn ra trong thời gian không quá dài và công tác kiểm tra, điều tra không quá phức tạp, chủ yếu dựa vào đường đi của các tài khoản giao dịch. Song có nhiều vụ việc mức độ phức tạp rất cao, theo nguồn tin từ UBCK, đặc biệt khi thị trường tăng mạnh cả về điểm số và thanh khoản.
Trong các cuộc trao đổi với báo chí, cơ quan thanh tra UBCK cho biết, việc xác định vi phạm về thao túng giá chứng khoán gặp nhiều khó khăn do sự bất hợp tác, chống đối từ phía nhà đầu tư. Trong nhiều trường hợp, địa chỉ đăng ký của người mở tài khoản giao dịch không chính xác (được mượn tên), cơ quan thanh tra mời đối tượng có liên quan đến làm việc nhưng họ không đến và buộc phải nhờ đến sự hỗ trợ của cơ quan công an.
Có trường hợp, đối tượng thao túng rất thận trọng, luôn giao dịch bằng tiền mặt, do đó, cơ quan chức năng dù đã theo dõi, nhưng không phát hiện bất cứ mối liên hệ nào giữa các tài khoản trong diện nghi vấn. Sau này, do một lần bận việc, không có thời gian chuyển tiền mặt, cá nhân này nhờ người khác thực hiện giúp việc chuyển tiền, sau đó trả tiền bằng chuyển khoản và từ đó, cơ quan chức năng mới bắt được manh mối để tiếp tục xác minh, có căn cứ ra kết luận vi phạm. Nhiều vụ việc, thời gian từ khi bắt đầu phát hiện nghi vấn đến khi đủ căn cứ ra quyết định xử phạt kéo dài tới hơn nửa năm, thậm chí kéo dài hàng năm.
Thế nhưng “gậy ông, đập lưng ông”, không phải trường hợp làm giá chứng khoán nào cũng thành công, thậm chí có trường hợp thua lỗ được thống kê trên sao kê tài khoản cho riêng mã cổ phiếu bị thao túng lên tới hàng chục tỷ đồng, một nguồn tin từ cơ quan quản lý thị trường cho hay.
Bên cạnh những vụ việc đã được phát hiện và đưa ra xử phạt, không ít thành viên thị trường rất bức xúc về việc một số mã chứng khoán trở thành cổ phiếu hàng đầu về thanh khoản. Họ cho rằng, không khó để đưa những hành vi được sử dụng với những mỹ từ “biện pháp, can thiệp kỹ thuật” ra ánh sáng.
Báo Đầu tư Chứng khoán đã phản ánh những thắc mắc này tới cơ quan có chức năng và nhận được câu trả lời: “Có trường hợp thị trường đồn đoán cổ phiếu đang được làm giá, nhưng thực tế giám sát, theo dõi cho thấy, không có căn cứ để kết luận. Chẳng hạn, một cổ phiếu mỗi phiên đều có hàng vạn nhà đầu tư giao dịch, giá trị giao dịch có phiên bằng nửa giá trị vốn hóa của cổ phiếu đó. Nếu mỗi phiên giao dịch đến 20 triệu cổ phiếu thì một nhóm tài khoản muốn tạo cung cầu giả là rất khó, bởi chỉ chiếm vài phần trăm so với tổng giao dịch một phiên. Chưa kể các giao dịch không có mối liên quan với nhau”.
Trong nhiều trường hợp giao dịch gây bất ngờ gần đây, các thành viên thị trường cho rằng, margin đã trở thành “cây gậy” cho các “đội lái” tung hoành.
Có thể hình dung về một “siêu phẩm” diễn ra như sau: Cổ đông Nhà nước thoái vốn khỏi doanh nghiệp, một nhóm nhà đầu tư mua toàn bộ lượng cổ phiếu trên, nhưng không có tiền thực. Họ dùng lượng cổ phiếu này ký quỹ để vay tiền thanh toán tiền mua cổ phần và “đánh lên” cổ phiếu. Cùng với nhiều thông tin về hoạt động doanh nghiệp được đưa ra, giá cổ phiếu đã tăng hơn gấp đôi so với giá mua. Nhờ margin, quá trình tạo thanh khoản và nâng giá vô cùng thuận lợi. Nếu nhóm nhà đầu tư bỏ ra 100 tỷ đồng ban đầu, công ty chứng khoán cho vay tiếp 100 tỷ đồng để nhóm nhà đầu tư này mua cổ phiếu. Khi họ mua và đẩy giá cổ phiếu lên sẽ có lợi kép, vì tài sản đảm bảo của họ lên giá, công ty chứng khoán tiếp tục cấp thêm sức mua cho các nhà đầu tư mua cổ phiếu. Khi giá cổ phiếu tăng gấp đôi, nhà đầu tư từ chỗ ban đầu chỉ bỏ ra 100 tỷ đồng (đi vay) đã sở hữu tài sản lên đến 400 tỷ đồng. Khi giá cổ phiếu tăng, thanh khoản vọt lên, nhà đầu tư có thể dễ dàng bán ra cổ phiếu đang được thị trường săn đón, thu về 100 tỷ đồng trả nợ. Vậy là họ vẫn còn 300 tỷ đồng, giả định giá cổ phiếu tiếp tục được duy trì ở nức cao. Trong trường hợp giá cổ phiếu giảm 20%, thậm chí 30%, họ vẫn thu bộn tiền. Hiện nay, việc được cùng mua, cùng bán cổ phiếu trong phiên càng hỗ trợ cho đội lái “thể hiện” trình độ siêu việt và thao túng giá cổ phiếu dễ dàng.
Dẫu khó khăn đến mức nào trong việc phát hiện và xử phạt các hành vi thao túng giá cổ phiếu, nhiều nhà đầu tư cho rằng, việc làm này cần phải quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa. Bởi nhiều nhà đầu tư sẽ phải “đổ vỏ” trong các vụ trục lợi và nhiều câu chuyện thua lỗ trên thị trường sẽ là tấm gương xấu cho thị trường chứng khoán Việt Nam.