Thao túng chứng khoán và chốt chặn giám sát từ tuyến đầu

0:00 / 0:00
0:00
Đã có nhiều vụ án liên quan đến hoạt động thao túng thị trường chứng khoán còn khá non trẻ của Việt Nam. Vai trò của các nhân sự trong công ty chứng khoán ở nhiều vụ việc cho thấy, đây cần là một chốt chặn giám sát tình trạng này.
Nhà đầu tư sẽ là người đầu tiên phải gánh chịu hậu quả từ các hành vi thao túng chứng khoán.

Nhà đầu tư sẽ là người đầu tiên phải gánh chịu hậu quả từ các hành vi thao túng chứng khoán.

Thêm một án thao túng thị trường chứng khoán

Ngày 12/5, sau một tuần xét xử, Hội đồng Xét xử sơ thẩm đã tuyên án cựu Chủ tịch HĐQT Louis Holdings Đỗ Thành Nhân và 7 đồng phạm trong vụ án "Thao túng thị trường chứng khoán" thu lợi bất chính 154,7 tỷ đồng. Bản án sơ thẩm xác định bị cáo Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch Louis Holdings 5 năm 6 tháng tù và bị cáo Đỗ Đức Nam, Tổng giám đốc Chứng khoán Trí Việt nhận án 4 năm tù về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”.

Các bị cáo liên quan đến vụ án này đều đã phải nhận hình phạt thích đáng với hành vi phạm pháp luật của mình.

Không phải lần đầu ngành chứng khoán Việt Nam xét xử các vụ án thao túng thị trường. Ngay từ năm 2010 - năm đầu tiên Bộ luật Hình sự năm 2009 bổ sung thêm tội danh thao túng giá chứng khoán có hiệu lực thi hành, ông Lê Văn Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Dược Viễn Đông đã bị bắt giam và khởi tố về hành vi tạo cung, cầu giả tạo đối với cổ phiếu. Cụ thể là, tạo ra cung cầu giả đối với mã cổ phiếu DVD (Dược Viễn Đông) và DHT (Dược Hà Tây - công ty mà Dược Viễn Đông “âm thầm” thâu tóm, mà không thực hiện chào mua công khai).

Hay như trường hợp của cổ phiếu KSA của Công ty cổ phần Ðầu tư khoáng sản Bình Thuận, cơ quan điều tra xác định, bà Phạm Thị Hinh, Chủ tịch HĐQT thời điểm đó đã chỉ đạo nhân viên lập 69 tài khoản để giao dịch chéo cổ phiếu KSA, nhằm tăng giá cổ phiếu và tăng tính thanh khoản sau khi công ty này hoàn tất phát hành tăng vốn.

Liên quan đến cổ phiếu của Công ty CP Mỏ và Khoáng sản Miền Trung (MTM) - một trong những vụ án lớn của ngành chứng khoán, cơ quan điều tra cũng đã tìm ra 59 tài khoản giao dịch chứng khoán tạo cung cầu giả, thao túng giá cổ phiếu MTM. Dù chỉ là một cổ phiếu khoáng sản không mấy tên tuổi, khối lượng giao dịch cổ phiếu này mỗi phiên có thời điểm vọt lên cả triệu đơn vị. Hai cá nhân liên quan trực tiếp đến hành vi thao túng phải chịu 30 tháng tù, nhưng được hưởng án treo. Còn với nguyên Chủ tịch HĐQT Trần Hữu Tiệp được xác định đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi làm giả một loạt hồ sơ tài liệu và nhận mức án chung thân.

Người đứng đầu của Dược Viễn Đông và Ðầu tư khoáng sản Bình Thuận lần lượt nhận mức án 4 năm và 1,5 năm tù giam vì hành vi thao túng. Nhưng không riêng vậy, tiếp tục có thêm hàng loạt vi phạm của cựu Chủ tịch Dược Viễn Đông được xác định sau đó như làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức. Hay việc điều tra hoạt động phát hành tăng vốn cổ phiếu KSA và MTM cũng phơi bày thủ đoạn tăng vốn ảo ở các doanh nghiệp này.

Điều trên cũng xảy ra tại chính vụ án liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC. Từ hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" trong phiên giao dịch 10/1/2022, cơ quan điều tra sau đó lần ra sai phạm trong việc làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng tại Công ty cổ phần Xây dựng Faros và tiếp tục khởi tố với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Vai trò giám sát tuyến một của công ty chứng khoán

Cùng hành vi mở lượng lớn tài khoản để tạo giao dịch mua bán chéo, vướng vòng lao lý vì thao túng chứng khoán không phải chuyện riêng của các chủ doanh nghiệp. Bà Nguyễn Vân Giang, cựu Giám đốc Chứng khoán Ngân hàng Đông Á được xác định có hành vi thao túng giá đối với cổ phiếu CDO trong giai đoạn từ 2/2015 đến 12/2016 qua 70 tài khoản chứng khoán.

Vai trò của các cá nhân tại công ty chứng khoán trong không ít các vụ án thao túng giá đã và đang xét xử cho thấy, chốt chặn này vẫn còn nhiều kẽ hở.

Vụ án thao túng giá cổ phiếu KSA, ngoài bà Phạm Thị Hinh được xác định đóng vai trò chủ mưu, hai trong 4 bị cáo là nhân viên công ty chứng khoán.

Vụ án xảy ra tại Công ty CP Mỏ và Khoáng sản Miền Trung, một trong những nguồn tiền chảy vào dòng giao dịch cổ phiếu MTM đến từ sản phẩm bảo lãnh sức mua - vốn không được Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho phép.

Ở trường hợp thao túng giá cổ phiếu thuộc nhóm công ty liên quan đến Louis Holdings, bị cáo Đỗ Đức Nam - người đứng đầu ban điều hành Chứng khoán Trí Việt được xác định là đồng phạm với bị cáo giữ vai trò cao nhất là Đỗ Thành Nhân, cấu kết nhằm thu lợi bất chính. Quyết định cho nhóm của Nhân vay tiền, khi tài khoản chứng khoán hết hạn mức vay theo quy định là bằng chứng khó chối cãi đã tố cáo nhóm nhân sự tại công ty chứng khoán “biết” về hành vi vi phạm pháp luật trên.

Trong chỉ đạo mới đây, UBCKNN đã yêu cầu công ty chứng khoán về việc tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật chứng khoán. Trong đó, nhấn mạnh không được thực hiện hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ về chứng khoán, tài chính khi chưa được Ủy ban cấp phép, chấp thuận hoặc chưa báo cáo theo quy định; không được thực hiện hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ khi chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện hoặc thực hiện hoạt động kinh doanh ngoài quy định của Luật Chứng khoán.

Vai trò của các cá nhân tại công ty chứng khoán trong không ít các vụ án thao túng giá đã và đang xét xử cho thấy, chốt chặn này vẫn còn nhiều kẽ hở. Hoàn thiện hệ thống tiêu chí giám sát tuyến một tại các công ty chứng khoán thành viên và triển khai thực hiện công tác giám sát tuyến một hiệu quả cũng là yêu cầu mà cơ quan quản lý đặc biệt lưu tâm.

Tin bài liên quan