Tháo gỡ những nút thắt …
Theo thống kê của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc hiện có hơn 70 dự án bất động sản được quy hoạch đầu tư.
Trong đó, các dự án phần lớn trải dài hai bên con sông Cổ Cò, đoạn từ giáp ranh với TP. Đà Nẵng đến hết phường Điện Dương (thị xã Điện Bàn - Quảng Nam).
Với số lượng dự án đồ sộ, tổng diện tích quy hoạch lên đến hơn 2.700 ha, nơi đây được kỳ vọng sẽ trở thành một “Thiên đường Cổ Cò”, nơi vừa phát triển du lịch, vừa phát triển hệ thống đô thị hiện đại, tạo thành khu động lực tăng trưởng mới của tỉnh Quảng Nam ở phía Bắc.
Được kỳ vọng rất lớn, tuy nhiên suốt nhiều năm dài, hình hài của một “thiên đường Cổ Cò” vẫn chưa thể hiện ra khi hàng loạt dự án gặp vấn đề… Và cả khu đô thị mới như một “bãi chiến trường”.
Đỉnh điểm là việc hai nhà phát triển bất động sản lớn tại khu vực là Công ty Bách Đạt An và Công ty Hoàng Nhất Nam lôi nhau ra tòa cả năm nay để xử lý vụ tranh chấp về hợp đồng hợp tác đầu tư đối với các dự án do Bách Đạt An làm chủ đầu tư.
Nguyên nhân là do các dự án bị chậm tiến độ, chậm giao sổ đỏ cho khách hàng. Tòa án sau đó đã ra phán quyết buộc chủ đầu tư Bách Đạt An phải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chính quyền tỉnh Quảng Nam nhằm bổ sung các thủ tục pháp lý còn thiếu để thực hiện việc ra sổ đỏ cho gần 1.000 người mua.
Không riêng các dự án của Bách Đạt An, một số dự án như Khu đô thị số 11, Khu đô thị số 4… cũng gặp vấn đề tương tự khi chưa đầy đủ các thủ tục pháp lý do vướng mắc về chính sách, dẫn đến chậm tiến độ và phát sinh khiếu kiện với khách hàng (chủ yếu đòi giao sổ đỏ).
Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam, những tồn tại, vướng mắc của các dự án chủ yếu ở quá trình thực hiện thủ tục đầu tư, nhất là thủ tục lựa chọn chủ đầu tư, thủ tục đầu tư xây dựng.
Trong đó, việc thực hiện Nghị định 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư có những bất cập, khó triển khai thực hiện trong thực tế, như chưa quy định cụ thể về điều kiện định giá đất, giao đất, sử dụng các khu đất quỹ đất có giá trị thương mại cao; xác định đơn giá tiền sử dụng đất tại thời điểm đấu thầu…
Trước những vấn đề nói trên, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã từng bước đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư các dự án tại Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc. Trong đó, đáng chú ý là việc HĐND tỉnh Quảng Nam đã hai lần thông qua chủ trương đầu tư của hơn 20 dự án tại Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc.
Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam nhận định, việc ban hành chủ trương đầu tư các dự án này đã mở đường cho các chủ đầu tư triển khai các thủ tục liên quan, đẩy nhanh tiến độ dự án, sớm bàn giao sổ đỏ cho khách hàng, hạn chế khiếu kiện, tranh chấp tại các dự án.
Cùng với việc tỉnh Quảng Nam “giải cứu” cho các dự án thì một sự kiện quan trọng cũng góp phần “tháo nút thắt” cho những tồn tại lâu nay tại các dự án thuộc Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc.
Đó là việc Chính phủ ban hành Nghị định 25/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định 302015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.
Ông Đỗ Tấn Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Dịch vụ An Dương - đơn vị chủ đầu tư của một số dự án tại Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc đánh giá: “Nghị định 25 ban hành hết sức kịp thời, mở ra cơ hội cho các dự án có thể tháo được nút thắt lâu nay, các sở ngành liên quan cũng đủ cơ sở để có thể tham mưu giao đất mà không còn phải lấn cấn những quy định chồng chéo như trước đó”.
Hình hài mới
Những vướng mắc được tháo gỡ đã tạo điều kiện cho các dự án bất động sản tại Nam Đà Nẵng tăng tốc.
Tại khu vực dự án Khu đô thị Đại Dương Xanh (phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn), dự án đã được HĐND tỉnh Quảng Nam thông qua chủ trương đầu tư cuối năm 2019, theo khảo sát thực địa của phóng viên, hiện nay Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Dịch vụ An Dương - chủ đầu tư dự án - đang gấp rút thi công các hạng mục hạ tầng còn lại như thảm nhựa, vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng...
Ông Đỗ Tấn Vũ, Giám đốc Công ty cho biết: “Chúng tôi đã triển khai rất quyết liệt thi công hạ tầng trong gần hai năm qua. Ngay trong thời điểm giãn cách xã hội, trong khi khối hành chính tạm nghỉ thì anh em công nhân, cán bộ kỹ sư thì vẫn phải túc trực làm việc ở công trường liên tục để thi công hạ tầng dự án… cho kịp tiến độ bàn giao”.
Chạy dọc hai bên sông Cổ Cò, hiện nay các dự án như Khu đô thị 7B, Khu đô thị số 6, GAIA City, Đất Quảng Riverside, Sea View, Ngọc Dương Riverside… cũng đã hoàn thiện hạ tầng đường sá, cây xanh, công viên…
Bên cạnh đó, các dự án khác như Khu đô thị Bách Thành Vinh, Khu đô thị 2A, Khu đô thị An Phú, Khu đô thị Phú Thịnh… cũng đang được chủ đầu tư tích cực triển khai thi công hạ tầng. Tất cả đang làm cho Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc dần hiện ra hình hài.
Ông Nguyễn Đức Lập, Ủy viên thường vụ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo bất động sản (TRI) nhận định, vấn đề nổi cộm nhất tại các dự án đô thị Điện Nam - Điện Ngọc thời gian qua vẫn là pháp lý.
Việc tỉnh Quảng Nam tái thông qua các chủ trương đầu tư là bước đi đầu tiên và căn bản trong quá trình thực hiện thủ tục pháp lý cho các dự án bất động sản. Điều này sẽ tạo xung lực mạnh mẽ để các chủ đầu tư và nhà đầu tư quay lại thị trường.
“Những sai phạm và hệ lụy trong các thời kỳ trước đây dần được tháo gỡ cũng tạo niềm tin và tâm lý cho nhà đầu tư yên tâm hơn khi quay lại thị trường. Từ những hiệu ứng hồi phục về thanh khoản và cả việc tăng giá bán tại các dự án đất nền phía Nam Đà Nẵng sau khi dịch Covid-19 được ngăn chặn, cùng với đó là sự sôi động tại thị trường Nam Hội An, khu Casino tại Nam Hội An bắt đầu triển khai hoạt động... Tất cả đã góp phần tạo nên những bức tranh sáng hơn cho thị trường bất động sản khu vực Điện Nam - Điện Ngọc và vùng Nam Hội An”, ông Lập chia sẻ.
Cũng theo ông Lập, trong thời gian tới, các chủ đầu tư dự án cần hành động quyết liệt hơn nữa trong khâu triển khai xây dựng, san lấp mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ để bàn giao tài sản cho khách hàng.
Song song đó, các cấp chính quyền Quảng Nam cần có cơ chế hỗ trợ mạnh mẽ để các chủ đầu tư yên tâm thực hiện và hoàn thành các bước tiếp theo trong quy trình thực hiện dự án, góp phần lấy lại niềm tin từ các nhà đầu tư tại đây.
Và một động lực mạnh mẽ để kích thích thị trường bất động sản tại đây là cần tái khởi động lại một cách mạnh mẽ hơn nữa dự án khơi thông và nạo vét sông Cổ Cò.