Việc nhận diện vướng mắc trong đầu tư, kinh doanh trong một số luật, giữa các luật đang được CIEM thực hiện. Tuy nhiên, đang có ý kiến cho rằng, vướng mắc này không phải do quy định của luật, mà do thực thi. Ông nghĩ thế nào?
Chính phủ đang có động thái rất khác biệt và rất rõ ràng so với trước, đó là tinh thần tháo bỏ mọi rào cản, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp doanh nghiệp đã nói như vậy. Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ đều vì mục tiêu này. Lần sửa đổi các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh cũng nhằm mục tiêu tháo bỏ vướng mắc.
Tuy nhiên, trong các cuộc làm việc trước về nội dung cần sửa đổi, cách đặt vấn đề chưa thực rõ ràng, do chưa xác định được từng vấn đề cụ thể cần phải giải quyết. Ngay cả những phát hiện các điều khoản chưa thống nhất, chồng chéo… giữa các văn bản luật cũng mới là hình thức, chưa thực sự rõ tác động thực tế của chúng.
Có thể đây là lý do còn có ý kiến cho rằng, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh chưa thực sự cần.
Nhưng, khảo sát và nghiên cứu từng điều khoản của các luật liên quan đến hoạt động này của chúng tôi đang cho thấy, cửa ải mà doanh nghiệp, nhà đầu tư phải vượt qua khi thực hiện các quy định của pháp luật vô cùng lớn, thậm chí còn là rào cản với các kế hoạch kinh doanh.
Chúng tôi cũng đã tính toán tác động của các vướng mắc này nếu không gỡ bỏ. Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp, nhà đầu tư và cả các cơ quan quản lý sẽ rơi vào tình thế thực hiện tùy nghi. Đây là nỗi lo lớn nhất trong thực thi pháp luật của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp.
Nhiều người lo ngại về trình độ của công chức thực thi, chứ không phải là điều khoản của luật. Đây cũng là lý do nhiều văn bản dưới luật không thực sự tuân thủ tinh thần cởi mở của luật. Nếu chỉ sửa luật mà không nâng cao trình độ công chức thì cũng ít có tác dụng?
Quan điểm của tôi là khi người dân, doanh nghiệp than phiền về các vướng mắc mà họ gặp phải, họ không kêu một vài công chức làm chưa đúng, làm không đúng, mà họ coi đó là cơ quan quản lý nhà nước. Chúng ta phải thẳng thắn mổ xẻ các vấn đề ở góc độ này, chứ không vin vào một vài công chức chưa tuân thủ đúng.
Điều này đặt các cơ quan quản lý nhà nước vào yêu cầu mới, đó là phải xem xét lại những quy định, quy trình mà lâu nay chúng ta nghĩ là đúng, để cân nhắc. Cách làm này đòi hỏi tư duy mới về quản lý nhà nước, thay vì thói quen “quyền anh, quyền tôi” mà Thủ tướng Chính phủ đã phải lên tiếng chấn chỉnh.
Ví dụ, tại sao lại cần quy định về thủ tục giới thiệu địa điểm cho nhà đầu tư, có thể để thị trường làm việc này không, Nhà nước sẽ quản lý theo hình thức công bố quy hoạch sử dụng đất… Sẽ không còn tình trạng thu hồi đất của người này để giao cho người khác, tiền đề để tạo ra sân trước, sân sau và quyền lợi nhóm…
Rồi vai trò của thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư là gì, có phải là để xác định nhà đầu tư được quyền thực hiện dự án hay là khi đã có chủ trương thì buộc phải thực hiện các thủ tục để triển khai, chứ không được quyền từ chối… Hiện tại, các thông số đưa vào bước chấp thuận đầu tư này rất sơ sài, nhưng nhiều khi lại là căn cứ để thực thi.
Chúng tôi đang rà soát các quy định liên quan đến đầu tư, kinh doanh theo hướng như vậy. Có nghĩa là việc rà soát sẽ không chỉ ở các văn bản luật, mà cả các nghị định, thông tư hướng dẫn.
Các doanh nghiệp đang kỳ vọng vào lần sửa đổi này. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đề xuất danh sách 50 luật với khoảng 150 điều khoản cần sửa đổi, ông nghĩ sao về điều này?
Trong một thời gian ngắn, không thể kỳ vọng giải quyết tất cả các vướng mắc, cũng không thể chờ đợi để giải quyết một lần các vướng mắc này. Chúng tôi đang thực hiện rà soát và sẽ đề xuất sửa đổi theo hướng các vấn đề phức tạp sẽ giải quyết trước.
Đã có một số thống nhất như loại bỏ những ngành nghề kinh doanh có điều kiện đang được quy định trong Luật Đầu tư nhưng không còn phù hợp. Sửa đổi Luật Doanh nghiệp để đảm bảo việc thực thi trôi chảy, thuận lợi theo đúng nguyên tắc vì doanh nghiệp, người dân phục vụ.
Đặc biệt là làm rõ quy trình, các bước thủ tục hành chính mà nhà đầu tư sẽ phải tuân thủ khi thực hiện các loại dự án. Mục tiêu là đưa ra quy trình hợp lý, ít tốn kém và minh bạch hơn cho nhà đầu tư, cho doanh nghiệp.
Trong quá trình này, chúng tôi cần sự tham gia của các doanh nghiệp, các luật sư, các nhà nghiên cứu và tất nhiên, cả trách nhiệm và tư duy mới của các công chức trong các cơ quan quản lý nhà nước.