Thậm chí, ngay trong ngày nghỉ cuối tuần, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có cuộc làm việc với các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học góp ý, hiến kế về định hướng chiến lược, tầm nhìn cho giai đoạn sắp tới của đất nước. Sau đó, trong ngày làm việc đầu tiên của tuần này, người đứng đầu Chính phủ đã chủ trì phiên họp Tiểu ban Kinh tế - Xã hội chuẩn bị cho Đại hội Đảng XIII, mà một trong những nội dung trọng tâm cũng vẫn là Chiến lược 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.
Đây chính là những kim chỉ nam cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn sau và do đó, xây dựng được một chiến lược 10 năm, hay kế hoạch 5 năm một cách chính xác, khả thi, đồng thời đưa ra các giải pháp chiến lược để thực hiện một cách phù hợp và hiệu quả là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam trong tương lai.
Trên thực tế, ngay từ cuối năm ngoái, công việc này đã được chuẩn bị, trước tiên là “mổ xẻ” việc thực hiện Chiến lược 10 năm 2011 - 2020.
Chỉ khi phân tích được một cách chính xác, toàn diện những được và mất, đặc biệt là những hạn chế, điểm nghẽn của nền kinh tế, thì Việt Nam mới có thể xây dựng Chiến lược 10 năm tới một cách tốt nhất, theo đó trước hết phải làm sao để có thể giải quyết tất cả những tồn tại của nền kinh tế.
Thêm nữa, Chiến lược 10 năm tới lại được xây dựng trong bối cảnh mới, khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang biến đổi toàn cầu, khi đang có quá nhiều thách thức đặt ra đối với nền kinh tế, từ xu hướng tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu, đến xu hướng bảo hộ mậu dịch đang lan rộng, rồi những căng thẳng địa chính trị vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt… Biến số khó lường của kinh tế toàn cầu trong 10 năm tới sẽ khiến Việt Nam khó khăn hơn khi đưa ra những đáp án cho các bài toán chiến lược phát triển của mình.
Làm sao để tránh bẫy thu nhập trung bình, thoát nguy cơ tụt hậu đã là vấn đề khó, song không vì thế mà chịu thúc thủ. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã chia sẻ tầm nhìn về một Việt Nam thịnh vượng vào năm 2030 và năm 2045. Trong phiên họp với các chuyên gia, Thủ tướng Chính phủ cũng đã một lần nữa nhấn mạnh điều này và khẳng định, phải làm sao để đến năm 2045, đúng dịp kỷ niệm 100 năm độc lập, đất nước có sự chuyển biến căn bản, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh, để đất nước có thể tăng tốc phát triển, thì tăng trưởng kinh tế phải đạt trên 7% một năm, chứ không thể như hiện nay…
Trách nhiệm đó trước hết đặt lên vai các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách, những người được giao nhiệm vụ xây dựng chiến lược phát triển mới cho đất nước trước hàng loạt câu hỏi. Đó là cần làm gì để tập trung phát triển kinh tế tư nhân thành động lực tăng trưởng của đất nước? Là làm sao đổi mới mô hình tăng trưởng, để nền kinh tế Việt Nam phát triển dựa trên khoa học - công nghệ, nâng cao năng suất lao động, chứ không phải chỉ dựa vào vốn và tài nguyên thiên nhiên? Đó là làm gì để không rơi vào bẫy thu nhập trung bình, bẫy công nghệ thấp? Trong chiến lược phát triển mới, các đột phá chiến lược sẽ là gì? Liệu có phải vẫn là thể chế, chất lượng nguồn nhân lực và hạ tầng như trước? Khi những đột phá chiến lược này chưa thể thực hiện trọn vẹn trong Chiến lược 10 năm 2011 - 2020, thì sẽ tiếp tục thực hiện thế nào trong 10 năm tới, qua tó tạo sự bứt phá chiến lược?...
Rất nhiều câu hỏi được đặt ra và cần có câu trả lời thỏa đáng. Chỉ như vậy, Việt Nam mới có được sự chuẩn bị tốt cho tương lai xán lạn của quốc gia, của dân tộc.