Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nêu những vướng mắc mà hai ngành đang đối mặt như: việc các cơ sở y tế thực hiện chỉ định các dịch vụ kỹ thuật, thuốc..., vượt quá khả năng chi trả của quỹ KCB BHYT; việc giám định, xuất toán những chi phí KCB BHYT không hợp lý…
Bên cạnh đó, Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cũng đã nêu ra thực trạng thanh toán KCB BHYT, với tình trạng bội chi đang diễn ra tại hầu hết các địa phương và tính đến thời điểm này, đã có 35 tỉnh, thành chi vượt quỹ KCB BHYT, có địa phương đã chi vượt gần 200%.
Qua đó, dẫn số liệu minh chứng các bất hợp lý trong hoạt động KCB BHYT. Nổi cộm là vấn đề chênh lệch giá thuốc, giá vật tư y tế trong đấu thầu, tần suất KCB nội trú tăng cao (trung bình 20 bệnh nhân/100 thẻ BHYT/năm, nhưng đa số đều tăng cao, có địa phương đến 30 bệnh nhân/100 thẻ BHYT). Ngoài ra, còn liên quan đến vấn đề trục lợi BHYT từ người dân…
Tại hội nghị, các đại biểu cũng tiếp cận một nghiên cứu được thực hiện bởi Viện Chiến lược & Chính sách Y tế (phối hợp cùng Tổng hội Y học Việt Nam) liên quan đến thực trạng tăng chi phí KCB BHYT.
Theo nghiên cứu, được thực hiện tại 4 địa phương, vấn đề tăng chi phí KCB BHYT đến từ 4 nguyên nhân: Không cân đối mức thu - chi bình quân tính theo thẻ BHYT (thu BHYT thấp hơn chi KCB BHYT); gia tăng chi phí dịch vụ KCB BHYT theo Thông tư 37; tăng tỉ trọng thanh toán đa tuyến ngoại tỉnh do tăng tỉ lệ chuyển tuyến; chỉ định dịch vụ kỹ thuật/thuốc bất hợp lý. Riêng nguyên nhân thứ 4, nếu chỉ định dịch vụ kỹ thuật, thuốc hợp lý sẽ giúp quỹ BHYT tiết kiệm 4,9% - 7,1% chi phí KCB.
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã nhấn mạnh những khó khăn, vướng mắc tại đơn vị mình cùng các ý kiến đóng góp, đề xuất hóa giải, xoay quanh vấn đề thanh toán chi phí KCB BHYT như chi vượt quỹ, xuất toán chi phí KCB BHYT… Những vướng mắc của các đại biểu đã được Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cùng đại diện BHXH các tỉnh, thành giải thích thỏa đáng.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh khẳng định, mọi vấn đề khúc mắc giữa hai bên thời gian qua cần được đánh giá thấu đáo. Liên quan đến câu chuyện cơ sở y tế “kêu” về chất lượng giám định viên vừa thiếu vừa “yếu chuyên môn y tế”, thậm chí có ý kiến từ Bộ Y tế còn đề nghị “cấp chứng chỉ hành nghề” đối với giám định viên, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh khẳng định, đây là suy nghĩ chưa thấu tình đạt lý.
Theo bà Minh, “Giám định BHYT là công tác hậu kiểm dựa trên các quy định hiện hành bởi Luật BHXH và chính Bộ Y tế. Bởi vậy, không hề đánh giá đúng hay sai về chuyên môn y tế, mà chỉ đánh giá có phù hợp với các quy định hiện hành hay không để đề xuất thanh toán hay xuất toán.
Vì vậy, cho rằng giám định viên cần chuyên môn y tế mới hoàn thành tốt nhiệm vụ là chưa thỏa đáng. Bên cạnh đó, bản thân ngành Y tế còn thiếu hụt trầm trọng nhân lực y tế, thì cả ngành Y tế lẫn BHXH phải chia sẻ vấn đề này…”.
Đồng thời, bà Minh cũng nhấn mạnh “Quản lý quỹ BHYT là trọng trách chung, nên chỉ một mình ngành BHXH nỗ lực sẽ không thể giải quyết rốt ráo. Hơn ai hết, nếu cán bộ, nhân viên y tế không xắn tay giúp sức, thì nỗ lực chung sẽ chỉ được vẻ bề ngoài mà thiếu thực chất và mục tiêu mang từng đồng tiền quỹ BHYT đến người bệnh theo cách tốt nhất sẽ khó lòng đạt được…”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng kêu gọi cán bộ nhân viên y tế cùng góp sức vào mục tiêu chung, đồng thời nhấn mạnh “Về phía ngành Y tế, chúng ta phải chỉn chu, tuân thủ pháp luật và y đức. Có như vậy mới thuyết phục được người khác”.