Hàng trăm dự án bất động sản ở TP.HCM, Đà Nẵng... đang đợi cơ chế tháo gỡ để khởi động lại. Ảnh: Lê Toàn
Lúc này, doanh nghiệp càng sợ sự chậm trễ
Cầm bản Nghị quyết 84/2020/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn nóng hổi, ông Phạm Việt Anh, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại dịch vụ Trường Thịnh chia sẻ đầy hào hứng: “Chúng tôi đã có thể hy vọng không phải chờ đợi trong bất an nữa”.
Ông Việt Anh đã chờ thời điểm này ngay khi Dự thảo Nghị quyết được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra lấy ý kiến doanh nghiệp vào giữa tháng 4/2020. “Phiên bản cuối tháng 4/2020 đã có nội dung yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xem xét, giải quyết thủ tục đầu tư cho các dự án theo đề xuất của doanh nghiệp, tuyệt đối không để chậm trễ, tồn đọng hồ sơ chưa giải quyết… Chúng tôi đã chờ điều này rất lâu rồi”, vị này nói.
Hơn một năm trước, ông Việt Anh là người chắp bút, hỗ trợ đối tác là doanh nghiệp gặp khó khăn về thủ tục xây dựng nhà xưởng trong khu công nghiệp ở Hải Dương gửi kiến nghị tới Cổng dịch vụ công quốc gia. Doanh nghiệp này muốn được hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục pháp lý để sửa chữa và đưa diện tích nhà xưởng mà họ nhận chuyển nhượng vào sản xuất hàng xuất khẩu.
Nhưng sau nhiều công văn đi, lại, trả lời, thậm chí cả hướng dẫn “không tưởng” là tìm đến lãnh đạo đã nghỉ hưu để tìm hồ sơ, mãi đến gần đây, doanh nghiệp mới nhận được văn bản ký chấp thuận tổng mặt bằng, giờ đang hoàn thiện thủ tục xin giấy phép xây dựng. “Nếu việc này được xử lý ngay từ 1 năm trước, giờ doanh nghiệp đã có nhà xưởng để sản xuất rồi. Bình thường, sự chậm trễ đã làm doanh nghiệp lao đao. Lúc khó khăn, doanh nghiệp càng sợ điều này”, ông Việt Anh chia sẻ đầy tâm tư.
Điều đáng tiếc là những ách tắc thủ tục kiểu như trên chỉ là một ví dụ nhỏ và không phải hiếm.
Cần nhất là hỗ trợ cơ chế
Cùng thời điểm Nghị quyết 84/2020/NQ-CP được ban hành, ngày 29/5/2020, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ liệt kê danh sách 10 nhóm chính sách đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ. Trong đó, HoREA đã nhắc đến giải pháp “tháo gông” cho 126 dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp tại TP.HCM.
Đó là điều khoản quy định cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá, đấu thầu trong trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất do nhận chuyển quyền sử dụng đất (trừ trường hợp Nhà nước thu hồi để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai) trong Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi (đang được xem xét và dự kiến thông qua trong Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV).
Nhưng theo đúng quy trình, nếu Dự thảo được thông qua vào tháng 6/2020, thì sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. “Hiệp hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét thực hiện quy trình rút gọn đối với Luật Đầu tư (sửa đổi), để Luật sớm có hiệu lực”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA thay mặt ký đơn đề nghị.
Cũng phải nhắc lại, trong Hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp ngày 9/5/2020, đề xuất trên đã được nêu tại văn bản “xin hỗ trợ cơ chế chính sách” của HoREA, cùng với đề nghị sớm sửa Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thi hành Luật Đất đai; ban hành “Quy trình chuẩn 4 bước” về thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp...
Khi đó, ông Châu thay mặt HoREA nêu rõ quan điểm, doanh nghiệp không xin Nhà nước hỗ trợ bằng tiền, mà chỉ xin hỗ trợ về cơ chế chính sách. “Thị trường bất động sản như chiếc lò xo bị nén, càng bị nén thì chỉ cần Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc về quy trình thủ tục hành chính và khai thông nguồn vốn tín dụng, thì sẽ bùng lên mạnh mẽ, tạo nên cú hích cho nền kinh tế”, HoREA gửi kiến nghị tới Thủ tướng.
Thách thức từ các bộ, ngành, địa phương
TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế gọi 126 dự án trên của TP.HCM và hàng trăm dự án đang bị tắc bởi các quyết định xem xét lại quy trình, thủ tục đã thực hiện, bởi các quyết định thanh, kiểm tra là những “dự án đèn vàng”.
“Tôi vừa đọc kiến nghị của HoREA với Thủ tướng Chính phủ về việc chỉ đạo các cơ quan trung ương phối hợp với UBND TP.HCM sớm có kết luận xử lý các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra, để các chủ đầu tư tiếp tục triển khai thực hiện dự án, tái khởi động hàng trăm dự án bất động sản. Đà Nẵng cũng đang có tình trạng tương tự”, ông Thành nói.
Theo ông Thành, nếu không có chỉ đạo rõ ràng trong thực thi, nhất là ứng xử của các công chức với phần trách nhiệm hành chính được giao, cũng như nguyên tắc không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, sai ở đâu, xử ở đó, thì sẽ không dễ dứt điểm các “dự án đèn vàng”. Ông Thành lo ngại đến những bất an trong môi trường kinh doanh khi không ai dám làm, dám quyết và những nguồn lực của doanh nghiệp đang bị bào mòn...
Trong trường hợp ở Đà Nẵng, nhiều dự án đang bị ách lại do vướng mắc về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất liên quan đến Kết luận 2852/2012//KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ. Trong số này, có những dự án đã chuyển quyền sử dụng đất cho người mua thứ cấp, có những dự án đã hoàn thành nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về đất đai, nhưng bị yêu cầu dừng lại để xác định lại giá đất để tính tiền sử dụng đất... Cũng phải nhắc lại, tháng 2/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có hướng dẫn xử lý, nhưng tình hình vẫn chưa xoay chuyển.
Khi đề cập các tác động thực tiễn của Nghị quyết 84/2020/NQ-CP, TS. Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm của các cấp chính quyền, các bộ, ngành, vì dư địa để tháo gỡ khó khăn, cải cách cơ chế, chính sách nằm ở khu vực này.
Nhìn vào các nhóm giải pháp mà Nghị quyết 84/2020/NQ-CP liệt kê, có thể thấy rõ tính quyết định của sự chủ động, tinh thần trách nhiệm, dám làm mà ông Cung nhắc đến. Ví dụ, Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan để tiếp tục rà soát, đề xuất việc miễn, giảm các loại phí, lệ phí; xem xét điều chỉnh thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, tiền thuê đất... UBND các tỉnh chủ động xây dựng các phương án, kịch bản bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp...
Đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương được rà soát, cắt giảm triệt để thủ tục hành chính còn chồng chéo, vướng mắc, không cần thiết trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh thuộc thẩm quyền; đẩy nhanh phê duyệt hồ sơ dự án đầu tư còn tồn đọng... “Đang có những quy trình, thủ tục theo quy định không còn phù hợp, thậm chí là nguyên nhân dẫn tới những nút thắt của các dòng đầu tư, thì trách nhiệm, sự công tâm, sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của từng công chức sẽ là chìa khóa tạo nên những tác động tích cực. Nhưng thực tế, tôi chưa thấy rõ... chiếc chìa khóa này”, ông Cung nói.
Cũng phải nhắc lại những than phiền trước đó của doanh nghiệp về việc khó tiếp cận các giải pháp hỗ trợ của Chỉ thị 11/2020/CT-Ttg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với Covid-19, có nhiều nguyên nhân từ sự thiếu chủ động, không dám làm của các cấp thực thi. Những chậm trễ trong giải ngân đầu tư công cũng có lý do tương tự.
“Trong bối cảnh đặc biệt này, cách giải quyết nên là, các bộ có thể ngồi với nhau, đưa dự án lên bàn để xem vướng ở điều gì, khoản nào, văn bản nào và gỡ ra sao. Dự án đầu tư công hay dự án đầu tư của tư nhân đều có thể xử lý theo cách này. Nếu không có lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương dám quyết, nếu mỗi nơi chỉ làm để báo cáo rồi đẩy hết công việc lên Thủ tướng Chính phủ, thì không thể chữa được virut trì trệ”, ông Cung thẳng thắn đề xuất.
Cần môi trường đầu tư kinh doanh thúc đẩy, chứ không chỉ là tháo gỡ
Tại Hội thảo “Nhận diện các điểm nghẽn phát triển của Việt Nam trong bối cảnh hậu Covid-19: Một số yêu cầu cải cách thể chế” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) đề xuất, môi trường đầu tư kinh doanh cần dịch chuyển sang hướng thúc đẩy, thay vì chỉ hỗ trợ, tạo điều kiện.
“Chúng ta đã đi những bước dài trong cải cách thủ tục đăng ký kinh doanh, gia nhập thị trường. Nhưng hiện giờ phải bước vào giai đoạn cải cách khó khăn hơn, đó là xử lý các thủ tục bảo đảm quyền tài sản, thực thi hợp đồng, giải quyết tranh chấp. Lúc này, cải cách phải theo hướng tạo thuận lợi, chủ động lựa chọn và thúc đẩy đầu tư, chứ không đơn giản là tháo gỡ khó khăn”, ông Tuấn chia sẻ.
Cùng quan điểm, nhưng TS. Võ Trí Thành cho rằng, các bước cải cách cần đạt được tốc độ và cách thức thực hiện phù hợp. “Lúc này, đòi hỏi cơ chế đặc thù, giải quyết bài toán bộ máy, cơ chế phản ứng và sự quyết liệt. Có thể có tổ công tác giải quyết các dự án ách tắc, như TP.HCM, Bắc Giang, Quảng Ninh… đã thực hiện, để tiếp nhận thông tin từ các doanh nghiệp, từ đó đôn đốc các bộ, ngành, địa phương vào cuộc. Có thể chính cách xử lý này sẽ trở thành cơ chế, chính sách mới sau khi đúc rút, nghiên cứu”, ông Thành đề xuất.