Thành viên của Hiệp hội Ngân hàng chiếm tỷ trọng 92% tổng tài sản toàn ngành

Thành viên của Hiệp hội Ngân hàng chiếm tỷ trọng 92% tổng tài sản toàn ngành

(ĐTCK) Thành viên của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đóng vai trò chủ chốt trên thị trường tiền tệ, tín dụng của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 92% tổng tài sản toàn ngành, với khoảng 10,2 triệu tỷ đồng.

Sau 25 năm thành lập và phát triển, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã thực hiện tốt các chức năng nhiệm vụ của mình khi đóng vai trò kết nối các hội viên, tập hợp ý kiến của các tổ chức hội viên, đóng góp tích cực trong quá trình xây dựng các văn bản qui phạm pháp luật.

Song song với đó là cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động ngân hàng qua đó thực hiện có hiệu quả việc phản biện, góp ý chính sách, hỗ trợ tích cực cho NHNN trong xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có 65 tổ chức hội viên. Hầu hết các ngân hàng thương mại Việt Nam, trong đó có những ngân hàng lớn, đều là thành viên của Hiệp hội, do đó hội viên của Hiệp hội đóng vai trò chủ chốt trên thị trường tiền tệ, tín dụng của Việt Nam (chiếm tỷ trọng 92% tổng tài sản toàn ngành, với khoảng 10,2 triệu tỷ đồng).

Bên cạnh đó, Hiệp hội Ngân hàng còn có 3 tổ chức trực thuộc đang hoạt động là Hội thẻ Ngân hàng, Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng và Câu lạc bộ Công nghệ tài chính ngân hàng (Câu lạc bộ FinTech).

Đồng thời, Hiệp hội Ngân hàng đã thúc đẩy sự hợp tác giữa ngân hàng và các công ty FinTech, tham gia xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động FinTech và hình thành hệ sinh thái FinTech ở Việt Nam.

Đặc biệt, năm 2018 vừa qua, Hiệp hội Ngân hàng đã ban hành Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng, được Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước ủng hộ, phát động toàn ngành triển khai thực hiện.    

“Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã khẳng định được vai trò, vị thế của một tổ chức hội nghề nghiệp, đại diện tiếng nói cho cộng đồng ngân hàng, tổ chức tín dụng Việt Nam, là cầu nối đáng tin cậy giữa các tổ chức hội viên với cơ quan quản lý Nhà nước, hỗ trợ các hội viên để cùng hợp tác, phát triển an toàn và hiệu quả.

NHNN ghi nhận và đánh giá cao vai trò của Hiệp hội Ngân hàng trong thời gian qua, đóng góp tích cực cho sự phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam”, ông Đoàn Thái Sơn, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam nhấn mạnh tại lễ Kỷ niệm 25 năm thành lập Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (1994-2019) được tổ chức ngày 14/5 tại Hà Nội.

Ông Đoàn Thái Sơn, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam 

Với những thành tích, đóng góp của Hiệp hội Ngân hàng vào sự phát triển của ngành ngân hàng nói riêng cũng như của nền kinh tế nói chung, Đảng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã khen tặng nhiều phần thưởng cao quý cho Hiệp hội Ngân hàng: Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba, nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ...

Trong chương trình kỷ niệm 25 năm ngày thành lập (14/5/2019), Hiệp hội Ngân hàng vinh dự đón nhận Cờ Thi đua của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bằng khen của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Phó Thống đốc cũng nhận định, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục có những thuận lợi nhưng cũng còn không ít khó khăn, thách thức, những vấn đề mà ngành Ngân hàng nói chung và Tổ chức hội viên Hiệp hội Ngân hàng nói riêng phải đối mặt và xử lý vẫn còn rất lớn, đặc biệt là công tác tái cơ cấu, xử lý và ngăn ngừa nợ xấu, bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động.

Đồng thời, ngành ngân hàng sẽ tập trung triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được ban hành theo Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

“Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát huy những kết quả đã đạt được trong 25 năm qua, tiếp tục vận động các tổ chức hội viên hợp tác với nhau trên nền tảng cạnh tranh lành mạnh để tạo ra động lực phát triển tốt cho ngành ngân hàng”, ông Sơn nói.

Để đồng hành và hỗ trợ cho các tổ chức hội viên, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, hoạt động của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, phát huy thành tích đã đạt được, khắc phục các mặt còn hạn chế, tạo chuyển biến rõ rệt, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, với những trọng tâm sau:

Thứ nhất là, làm tốt hơn nữa công tác tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các tổ chức hội viên; tham gia tích cực và hiệu quả hơn nữa trong việc cải cách các thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho các tổ chức hội viên. Đồng thời, hỗ trợ việc triển khai và thực thi có hiệu quả các chủ trương, chính sách, định hướng, điều hành của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Hai là, thực hiện tốt chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tổ chức hội viên; nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác truyền thông của Hiệp hội Ngân hàng, làm cho xã hội hiểu hơn và chia sẻ về đặc thù hoạt động, vai trò, vị trí của hệ thống ngân hàng trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng sát đúng, kịp thời nhu cầu của các tổ chức hội viên.

Ba là, phát huy tốt hơn nữa vai trò liên kết, vận động tổ chức hội viên của Hiệp hội Ngân hàng, kịp thời nắm bắt và đáp ứng những nhu cầu và đòi hỏi của hội viên, đồng thời tạo sự đồng thuận và tiếng nói chung, hỗ trợ lẫn nhau, hợp tác cùng phát triển, cạnh tranh lành mạnh, vì lợi ích chung của cộng đồng. Triển khai có hiệu quả việc thực hiện "Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng" do Hiệp hội Ngân hàng ban hành. Có kế hoạch tiến tới đào tạo chứng chỉ hành nghề cho cán bộ ngân hàng.

Bốn là, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo, tập huấn của Hiệp hội Ngân hàng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các tổ chức hội viên

Năm là, tiếp tục tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, đem lại lợi ích thiết thực cho tổ chức hội viên, thực hiện tốt trách nhiệm và cam kết với các đối tác nước ngoài, góp phần nâng cao vị thế của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

Cuối cùng là, tiếp tục đổi mới và nâng cao vai trò của Cơ quan Thường trực Hiệp hội; đảm bảo các nguồn lực cần thiết để Cơ quan Thường trực Hiệp hội hoạt động thực sự chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của các tổ chức hội viên.

Tin bài liên quan