Thành tựu của nền đối ngoại đa phương

Dưới bàn tay chèo lái của Trung ương Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đã vượt qua những thời khắc cam go bằng sự kiên định với nền đối ngoại đa phương, độc lập, tự chủ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 25 và các hội nghị liên quan tại Myanmar

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 25 và các hội nghị liên quan tại Myanmar

Vững tay chèo trong sóng cả

Cùng với những thách thức về kinh tế, Giáp Ngọ là năm tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, bất ổn, bất an, đặc biệt là tình hình Biển Đông. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã kiên trì chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đồng thời kết hợp chặt chẽ giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân cũng như giữa đối ngoại - quốc phòng - an ninh.

Trong nhiều thành tựu của ngành ngoại giao năm Giáp Ngọ, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, công tác đối ngoại của Việt Nam đã góp phần quan trọng vào việc duy trì môi trường hòa bình ổn định, đóng góp quan trọng và thiết thực vào nhiệm vụ chung của đất nước là giữ vững độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tranh thủ những nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước và vẫn giữ được đà quan hệ giữa Việt Nam với các nước, đưa quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu, hiệu quả.

Trong đó, nổi bật trên lĩnh vực ngoại giao năm qua là Việt Nam đã chủ động thúc đẩy quan hệ với các đối tác chiến lược một cách có trọng tâm, trọng điểm thông qua ngoại giao cấp cao, ngoại giao nguyên thủ. Cụ thể, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Nga, Hàn Quốc; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Nhật Bản; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm EU, Ấn Độ; Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thăm Mỹ; và việc Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam là thành quả đối ngoại rất quan trọng trong quan hệ song phương với một nước lớn.

Bên cạnh đó, các cuộc gặp cấp cao bên lề các hội nghị cấp cao cũng là cơ hội giúp các lãnh đạo cấp cao Việt Nam nâng cao vị thế đất nước trong mắt bạn bè quốc tế và các đối tác lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Việt Nam cũng tổ chức tiếp đón thành công chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam của các nguyên thủ lớn như Tổng thống Ấn Độ, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Thủ tướng Vương quốc Hà Lan, Thủ tướng Cộng hòa Italy… 

Thích ứng với thế giới không ngừng thay đổi

Một trong những điểm nhấn thu hút sự chú ý của dư luận trong nước cũng như cộng đồng quốc tế là mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ, với việc hai bên tổ chức nhiều chuyến thăm chính thức cấp cao. Tại cuộc họp báo chung giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Thủ đô New Delhi (Ấn Độ) ngày 28/10/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định, Việt Nam ủng hộ Chính sách hướng Đông của Ấn Độ đối với khu vực Đông Nam Á, cũng như ủng hộ vai trò ngày càng quan trọng của Ấn Độ  trong khu vực và trên thế giới.

Hai bên nhất trí làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược và tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực.

Hai bên cũng nhất trí mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương đạt 15 tỷ USD vào năm 2020; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư trên những lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh, như dầu khí, năng lượng, xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, hóa chất, phân bón, dược phẩm, chế biến nông sản…

Năm Giáp Ngọ cũng đánh dấu nhiều thành tựu về quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, sau khi hai nước vừa kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao (năm 2013). Trong chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Nhật Bản, Chủ tịch nước đã có bài phát biểu “Đổi mới và sáng tạo để thích ứng trong một thế giới đang thay đổi” tại Quốc hội Nhật Bản.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, trong một thế giới không ngừng vận động, cả Việt Nam và Nhật Bản đã và đang không ngừng đổi mới về đối nội và đối ngoại để thích ứng với môi trường chiến lược mới.

“Tôi cho rằng, sự tin cậy về chính trị, sự tương đồng và gắn kết về văn hóa giữa hai dân tộc cũng như những thành quả đầy ấn tượng của hợp tác bền bỉ trong suốt 40 năm qua là nền tảng vững chắc và động lực mạnh mẽ để đưa quan hệ song phương tiếp tục phát triển lên một tầm cao mới, hướng tới tương lai tốt đẹp của mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng”, Chủ tịch nước khẳng định.

Theo đó, hai bên nhất trí phối hợp thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác trên nhiều lĩnh vực như chính trị, an ninh - quốc phòng, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, giáo dục… Trong đó, nổi bật là hai bên nhất trí phấn đấu hoàn thành sớm mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch thương mại giữa hai nước và dòng đầu tư vào năm 2020.

Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định tiếp tục coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong chính sách viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản. Thủ tướng Shinzo Abe cũng đề cập tầm quan trọng của việc xây dựng mối quan hệ cùng có lợi, thông qua hợp tác, dựa trên công nghệ và tri thức của Nhật Bản trong quá trình triển khai ODA của Nhật Bản, nhằm đóng góp vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Một quan hệ đối tác chiến lược quan trọng khác cũng đã ghi nhận thành công lớn của Việt Nam trong năm vừa qua là với đối tác Hàn Quốc, khi hai nước đã kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong năm 2014, các cuộc gặp cấp cao giữa các nhà lãnh đạo Việt Nam và Tổng thống Hàn Quốc liên tục diễn ra. Trong đó, chuyến thăm chính thức tới Hàn Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tạo chất xúc tác đẩy nhanh quá trình đàm phán FTA Việt Nam - Hàn Quốc.

Trong chuyến thăm, hai bên đã nhất trí Tuyên bố chung 7 điểm, đề ra các định hướng, mục tiêu, giải pháp lớn nhằm thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác, nhất là chính trị, đối ngoại, thương mại, đầu tư và quốc phòng, an ninh.

Đặc biệt, hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác kinh tế, xác định đây là trọng tâm hiện nay của quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược giữa hai nước, nhất trí thúc đẩy kết nối lâu dài hai nền kinh tế, vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng chung, trong đó quyết tâm sớm kết thúc đàm phán FTA trong năm 2014 (trên thực tế, việc đàm phán đã kết thúc đúng như cam kết - PV), phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 70 tỷ USD vào năm 2020.

Hàn Quốc cam kết tiếp tục coi Việt Nam là đối tác trọng điểm về hợp tác phát triển, ưu tiên cung cấp ODA cho Việt Nam; hỗ trợ nguồn vốn để phát triển hạ tầng giao thông, công nghiệp, nông nghiệp, khoa học công nghệ; khuyến khích doanh nghiệp Hàn Quốc  đầu tư vào các lĩnh vực mà Hàn Quốc có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu.

Việc thúc đẩy quan hệ với các đối tác chiến lược cũng đã tạo nền móng vững chắc cho hoạt động kinh tế đối ngoại. Ngành ngoại giao đã tập trung thúc đẩy các liên kết kinh tế, trong đó có các hiệp định thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) , kết thúc đàm phán FTA với Hàn Quốc, Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan, sẽ sớm kết thúc đàm phán với EU.

Trong đó, việc Việt Nam kết thúc đàm phán FTA với Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan và FTA với Hàn Quốc không chỉ góp phần củng cố quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp giữa các bên, mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Việt Nam cũng đã cùng với Nhật Bản thúc đẩy liên kết hiện đại hóa nông nghiệp và ngư nghiệp, qua đó Việt Nam sẽ cùng Nhật Bản tham gia vào phân công lao động mới trong TPP, góp phần gia tăng xuất khẩu.

Những thành tựu trong công tác ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại cũng góp phần nâng cao hình ảnh đất nước, phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. 

Lợi ích chiến lược từ đối tác chiến lược

TS. Nguyễn Ngọc Trường, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mexico, Thụy Điển, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển quan hệ quốc tế nhận xét, điểm nổi bật khác trong hoạt động ngoại giao năm qua là tăng cường được nhận thức trong toàn dân và toàn xã hội về đối tượng và đối tác. Việt Nam là bạn của tất cả các quốc gia, là đối tác tin cậy của các nước. Chúng ta đã xác định rõ hơn một bước nội hàm của đối tác chiến lược và việc cần tạo ra lợi ích chiến lược thông qua các quan hệ kinh tế và phát huy vị trí địa chiến lược của đất nước.

“Hoạt động đối ngoại của nước ta trong năm qua đã phát huy được những nét đặc trưng của ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh”, TS. Nguyễn Ngọc Trường nói.

Trong năm 2015, ngành Ngoại giao tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm về hội nhập quốc tế và nâng tầm công tác đối ngoại đa phương. Trước hết là tiếp tục tích cực triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về Hội nhập quốc tế và Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; chuẩn bị tốt cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Tiếp tục đẩy mạnh, đưa quan hệ với các đối tác, nhất là các nước láng giềng, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện đi vào chiều sâu, hiệu quả, tăng cường sự tin cậy; chủ động, tích cực trong các cơ chế đa phương, trọng tâm là ASEAN và Liên hợp quốc; tập trung tổ chức thành công Đại hội đồng liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU 132) tại Hà Nội.

Bên cạnh đó, ngành ngoại giao tập trung triển khai đồng bộ và toàn diện các hoạt động đối ngoại trong tất cả các lĩnh vực (chính trị, kinh tế, văn hóa, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân, tuyên truyền đối ngoại và công tác ngoại vụ địa phương); kết hợp chặt chẽ giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân phục vụ phát triển đất nước, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên  thế giới.