Nhiều doanh nghiệp đang gửi vào các hội nhóm lịch truyền hình trực tiếp sự kiện này của Truyền hình Quốc hội.
Với các doanh nghiệp, thanh tra là bất an, gánh nặng và hệ lụy, cho dù kết quả các đợt thanh tra tại doanh nghiệp có như thế nào, cho dù đó là cuộc thanh tra thường xuyên, thanh tra theo kế hoạch hay thanh tra đột xuất theo quy định của pháp luật hiện hành.
Nhiều doanh nghiệp kể, họ đã phải nuốt nước mắt vào trong khi bị đối tác dời lại ngày ký hợp đồng vì biết doanh nghiệp vừa nhận thông báo về lịch thanh tra chuyên ngành; thậm chí mất cả đơn hàng xuất khẩu do đối tác lo ngại khả năng doanh nghiệp không tuân thủ quy định của pháp luật - một trong những điều cấm kỵ trong làm ăn với các thương hiệu toàn cầu.
Nhưng nỗi bất an đang lớn lên khi mấy ngày qua, trên nghị trường, các đại biểu quốc hội đã tranh luận gay gắt về những đề xuất nên chăng cần có sự tham gia của các cơ quan bảo vệ pháp luật như thanh tra, kiểm toán, thậm chí là công an vào quá trình xây dựng và triển khai các dự án đầu tư hạ tầng giao thông.
Lý do của đề xuất này là mong đảm bảo an toàn ngay từ đầu cho các quyết định của cơ quan quản lý nhà nước, của những người có trách nhiệm. Nhưng nhiều đại biểu lo ngại, tư duy này không đúng nguyên lý tổ chức vận hành của bộ máy nhà nước và thực tế cho thấy, có các cơ quan này tham gia thì cũng không khắc phục được tình trạng vi phạm pháp luật.
Doanh nghiệp thì lo hơn nhiều. Với tư duy này, sợ rằng đề xuất lâu nay của doanh nghiệp về việc luật hóa các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp với những nguyên tắc công khai, minh bạch, không làm khó, không gây phiền hà cho doanh nghiệp sẽ khó thành.
Theo pháp luật hiện hành, thanh tra, kiểm tra là hoạt động bình thường của cơ quan quản lý nhà nước để đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, cũng như bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và trật tự xã hội. Song vì mỗi cơ quan chịu trách nhiệm một ngành, lĩnh vực; doanh nghiệp thì hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, nên mới xảy ra tình trạng “một cổ nhiều tròng”. Có giai đoạn, nhiều doanh nghiệp phải lập bộ phận với nhân sự, ban bệ đầy đủ để chuyển tiếp các đoàn thanh tra trong năm.
Cùng với đó là hiện tượng nhũng nhiễu, làm khó doanh nghiệp của công chức thanh tra.
Kết quả khảo sát của Dự án PCI 2021 vẫn ghi nhận trên 67% doanh nghiệp cho biết phải trả chi phí không chính thức khi làm việc với các đoàn thanh tra xây dựng, môi trường, thuế, phòng cháy, chữa cháy... Những năm trước, tỷ lệ này cao hơn nhiều.
Cũng phải nói thêm, thời điểm khảo sát là năm 2020, khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/2017/CT-TTg, theo đó không thanh tra ngoài kế hoạch, trừ trường hợp đặc biệt được giao; yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo các cơ quan thuế, hải quan không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020...
Năm 2017, với Chỉ thị 20/2017/CT-TTg về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, lần đầu tiên, các nguyên tắc về hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp được nêu rõ như không quá 1 lần/năm, các cơ quan phải phối hợp xây dựng kế hoạch thanh tra, kế thừa kết quả của nhau, chỉ thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm...
Từ đó, công tác thanh, kiểm tra doanh nghiệp thực sự có nhiều thay đổi. Năm 2020, số doanh nghiệp cho biết, số lần tiếp đón đoàn thanh, kiểm tra trong một số lĩnh vực, như hải quan, công an kinh tế, môi trường giảm khoảng 50% so với năm 2016. Tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra trùng lặp giảm đáng kể, từ 25,9% (năm 2015), xuống còn 8,3% vào năm 2020. Tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra từ 5 cuộc/năm trở lên giảm từ 11,9% (năm 2016), xuống 3% vào năm 2020. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết cán bộ lợi dụng công tác thanh kiểm tra để nhũng nhiễu doanh nghiệp đã giảm từ con số 18,9% (năm 2017), xuống còn 14,3% vào năm 2020...
Vấn đề là, dù doanh nghiệp đang cảm thấy “bình an”, nhưng có lẽ chỉ là tạm thời, bởi những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong các nghị quyết, chỉ thị không phải là luật có thể thay đổi bất cứ lúc nào.