Tại buổi Họp báo, Thanh tra Chính phủ đã thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong việc quản lý sử dụng vốn, tài sản tại EVN theo văn bản ngày 9/12/2013 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp về xử lý sau thanh tra tại EVN.
Hàng loạt câu hỏi về việc cho vay và vay lại giữa EVN và Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (một trong những doanh nghiệp đầu tiên cổ phần hóa của EVN) với lãi suất chênh lệch, việc EVN bù lỗ cho các công ty con và chuyện tiền lương của lãnh đạo EVN… đã được đặt ra. Những vấn đề này được lãnh đạo EVN cho là “bình thường”.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán của EVN và Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại thể hiện năm 2012, Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại còn nợ EVN hơn 6.900 tỷ đồng và phải trả khoản lãi vay là hơn 206 tỷ đồng. Trong khi đó, Nhiệt điện Phả Lại có khoản thu nhập lãi gần 330 tỷ đồng từ việc cho EVN vay 2.350 tỷ đồng. Năm 2011, Nhiệt điện Phả Lại cũng có khoản thu nhập trên 210 tỷ đồng từ khoản cho vay này.
Giải thích về hiện tượng bất bình thường trên, ông Đinh Quang Tri khẳng định: “Hiện tượng này là đúng, thực tế đang xảy ra”. Theo ông Tri, trước đây, Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại hạch toán phụ thuộc EVN. Khi Chính phủ quyết định cổ phần hóa công ty này, EVN phải tiến hành đánh giá lại tài sản, chuyển thành công ty cổ phần và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
Giải thích việc EVN bù lỗ cho các công ty con, ông Đinh Quang Tri cũng cho là “bình thường” với đặc thù sản xuất, kinh doanh điện. Theo ông Tri, khâu xuất và tiêu thụ điện xảy ra đồng thời, khi các hộ tiêu dùng điện tăng, các nhà máy EVN phải tăng phát, cũng như tăng mua ngoài. Vào ban đêm, nhu cầu xuống, EVN bắt buộc giảm công suất phát của các nhà máy. Đây là một hệ thống thống nhất, phức tạp.
Về tiền lương, Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương xử lý số tiền hơn 8,33 tỷ đồng. Trong đó, hơn 3,1 tỷ đồng do thẩm định tiền lương của Hội đồng Thành viên, Tổng giám đốc năm 2010 chưa đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hơn 5,22 tỷ đồng do mua xe ô tô vượt định mức.
Tuy nhiên, tại buổi Họp báo, ông Tri vẫn khẳng định, EVN đã “làm đúng theo quy định”. Theo đó, lương lãnh đạo EVN, bao gồm HĐQT và Tổng giám đốc là do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội duyệt, “không có gì sai được, chỉ là cộng trừ nhân chia”.
Theo Thông báo Kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ xác định, EVN tồn tại nhiều vi phạm, khuyết điểm trong quản lý sử dụng vốn, tài sản.
Thanh tra Chính phủ nhận định, Công ty mẹ EVN đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp số tiền hơn 121.790 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ có hơn 76.742 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ hơn 45.000 tỷ đồng là chưa thực hiện đúng quy định; đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán số tiền gần 2.000 tỷ đồng vượt tỷ lệ quy định; việc đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp chưa mang lại hiệu quả kinh tế.
Kết luận thanh tra cũng chỉ ra những tồn tại, khuyết điểm tại các đơn vị thành viên của EVN. Trong đó, có EVN TP.HCM đầu tư 141 tỷ đồng ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính, chậm tiến độ 66/113 dự án làm phát sinh các chi phí liên quan...