Thanh tra dựa trên rủi ro, cần nhấn mạnh trách nhiệm từng cá nhân

Thanh tra dựa trên rủi ro, cần nhấn mạnh trách nhiệm từng cá nhân

(ĐTCK) Hiện nay, Việt Nam mới chỉ đang triển khai thanh tra, giám sát dựa trên tuân thủ và đang từng bước tiến tới hoạt động thanh tra, giám sát dựa trên rủi ro. Quá trình này cần nhiều nỗ lực, không chỉ từ phía cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước, mà còn phải xuất phát từ bản thân các tổ chức tín dụng. Báo Đầu tư Chứng khoán đã ghi nhận ý kiến một số lãnh đạo nhà băng, chuyên gia ngân hàng về thực tiễn triển khai hoạt động thanh tra, giám sát dựa trên rủi ro.

"Tập trung quản trị rủi ro tín dụng"

Ông Tiết Văn Thành, Tổng giám đốc Agribank 

Agribank tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống quản trị rủi ro tập trung, độc lập và toàn diện theo tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao chất lượng tín dụng, hiệu quả hoạt động, tạo tiền đề cho phát triển bền vững. Agribank triển khai dự án WB về quản trị rủi ro toàn diện, bao gồm cả rủi ro tín dụng với mục tiêu hoàn thiện tổ chức bộ máy quản trị rủi ro, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý rủi ro đáp ứng các yêu cầu của nguyên tắc Basel, xây dựng hệ thống quản lý rủi ro tín dụng, phát triển các công cụ quản trị rủi ro tín dụng hiện đại có tính hệ thống và theo chuẩn mực quốc tế.

Ngân hàng đang từng bước triển khai các biện pháp cụ thể là: tổ chức tập huấn lại quy trình, quy chế cho vay đối với tất cả cán bộ trực tiếp làm công tác tín dụng, kể cả lãnh đạo, điều hành; tập trung chấn chỉnh công tác thẩm định khoản vay, định giá tài sản thế chấp, quản lý dòng tiền, món vay, định kỳ hạn nợ…; thẩm định kỹ việc cho vay không có tài sản đảm bảo, cho vay thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai; thường xuyên tổ chức giao ban tín dụng nhằm đánh giá chất lượng tín dụng và có biện pháp xử lý kịp thời; giám đốc chi nhánh phải trực tiếp chỉ đạo triển khai tổng kiểm tra, rà soát, đánh giá tình hình cho vay, sử dụng vốn vay, tài sản thế chấp của tất cả các khoản cho vay khách hàng, xây dựng phương án xử lý cụ thể đối với từng trường hợp nợ có vấn đề.

"Mỗi cá nhân đều có trách nhiệm với việc tuân thủ"

Ông P. Ananthakrishnan (Ananth), Giám đốc Đào tạo về tuân thủ, khu vực ASEAN và Nam Á, Ngân hàng Standard Chartered

Để quản trị rủi ro hoạt động và rủi ro tuân thủ hiệu quả, bên cạnh việc xây dựng một bộ quy tắc ứng xử và tuân thủ mạnh mẽ, các ngân hàng cần nhấn mạnh với tất cả các nhân viên rằng, mỗi cá nhân đều có trách nhiệm đối với việc tuân thủ và việc này phải được các bộ phận kinh doanh và nghiệp vụ thực hiện. Đồng thời, ngân hàng cần áp dụng các nguyên tắc ứng xử kinh doanh và tuân thủ vào mọi hoạt động kinh doanh hàng ngày, đưa ra các chính sách để khuyến khích việc báo cáo các trường hợp vi phạm, có chế độ khen thưởng nhân viên nghiêm túc tuân thủ, cũng như kỷ luật nghiêm các trường hợp vi phạm.

Giống như việc một giám đốc kinh doanh cần phải nắm rõ thông tin về sản phẩm, quy trình và hệ thống ngân hàng, việc tìm hiểu và am hiểu luật pháp, quy định của Việt Nam và các chính sách của ngân hàng đóng vai trò quan trọng để đảm bảo giao dịch hàng ngày với khách hàng được thực hiện một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, một vấn đề quan trọng là việc theo dõi và thực hiện tốt các quy định nhà nước và xây dựng các mối quan hệ với cơ quan chức năng.

"Điều cần làm là cải thiện khả năng giám sát tại chỗ"

Ông Alwaleed Alatabani, Chuyên gia kinh tế, Trưởng nhóm tài chính Ngân hàng Thế giới (WB)

Hiện nay, Việt Nam mới đang triển khai thanh tra giám sát dựa trên tuân thủ và WB cũng đã có trao đổi với Ngân hàng Nhà nước để đưa các tiêu chuẩn của Basel về thực hiện thanh tra giám sát trên cơ sở rủi ro để triển khai đồng bộ tới các ngân hàng trong hệ thống đến năm 2020. Đây là một trong những hành động cho thấy xu hướng tương lai và WB đã hỗ trợ cho Ngân hàng Nhà nước để có thể tiến hành thanh tra giám sát trên cơ sở rủi ro tại các ngân hàng.

WB nhận thấy có một số khó khăn trong việc triển khai thanh tra giám sát, bởi chúng ta chưa kịp nhận biết thì rủi ro đã xảy đến. Do đó, việc tiến hành thanh tra giám sát trên cơ sở rủi ro sẽ mang lại những hiệu quả tốt hơn cho hệ thống. Vấn đề mà Ngân hàng Nhà nước phải đối mặt, tôi cho rằng, về cơ bản là khả năng giám sát tại chỗ. Ngân hàng Nhà nước đã tăng cường năng lực giám sát từ xa, nhưng trên cơ bản, điều cần phải làm là tập trung thêm vào việc giám sát tại chỗ - cải thiện khả năng giám sát tại chỗ. Bên cạnh đó, người giám sát nên có năng lực cao hơn so với các ngân hàng để phát hiện nơi có vấn đề cần phải can thiệp. Tôi nghĩ rằng, tăng cường năng lực của người giám sát là rất quan trọng.

Tin bài liên quan