Thanh tra Chính phủ vừa có báo cáo gửi lên Chính phủ về xử lý sau thanh tra, khắc phục những tồn tại, hạn chế và xử lý vi phạm tại dự án Nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình và Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình.
Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho biết, dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình nằm trong 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, yếu kém, thua lỗ ngành công thương, Bộ Công Thương đã thanh tra, có Kết luận thanh tra ngày 30/12/2016 về việc thanh tra công tác quản lý xây dựng đầu tư dự án và hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình.
Thanh tra Chính phủ có văn bản ngày 23/1/2018 gửi Văn phòng Chính phủ, báo cáo kết quả rà soát việc triển khai công tác thanh tra, kiểm toán và điều tra đối với 12 dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ thuộc ngành công thương.
Tiếp đó, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng ý với nội dung văn bản của Thanh tra Chính phủ, đồng thời giao Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng kết luận thanh tra, kiến nghị xử lý đối với tổ chức, cá nhân có khuyết điểm, sai phạm qua thanh tra.
Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng - Bộ Công an hiện đang tiến hành xác minh, thu thập tài liệu liên quan và có văn bản ngày 8/11/2017 gửi Tập đoàn Hoá chất Việt Nam yêu cầu cung cấp toàn bộ tài liệu, chứng từ liên quan đến Dự án Nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình.
Kiểm toán Nhà nước mới đây ngày 22/2/2018 đã có văn bản gửi Tập đoàn Hoá chất Việt Nam về việc cử Tổ khảo sát đến Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình thu thập thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến công tác kiểm toán để lập Kế hoạch Kiểm toán.
“Từ những cơ sở nêu trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công Thương tiếp tục kiểm điểm, xác định trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan và đưa ra các biện pháp khắc phục tồn tại sai phạm của dự án”, báo cáo của Thanh tra Chính phủ nêu.
Đồng thời, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị giao Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán toàn diện Dự án và giao Bộ Công an tiến hành điều tra, xử lý các sai phạm theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
“Sau khi có kết quả xử lý của Bộ Công Thương, Kiểm toán Nhà nước và Bộ Công an, nếu còn những nội dung cần thiết phải xử lý, Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành thanh tra theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ”, Thanh tra Chính phủ cho biết.