Người dân chọn thanh toán phi tiền mặt
Tại Hội thảo “Tiến tới quốc gia không tiền mặt” do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Báo Tuổi trẻ tổ chức sáng ngày 19/11, Tổng giám đốc Saigon Co.op - ông Nguyễn Anh Đức cho biết, từ tỷ trọng 4% khách hàng thanh toán không tiền mặt khi mua hàng ở hệ thống Saigon Co.op, thì trong dịch COVID-19 con số này tăng vọt lên 40% thậm chí nhiều thời điểm lên đến 50%.
Tuy nhiên, ông Đức cũng thừa nhận, con số tăng trưởng 40% thực tế không hề bền vững, vì thói quen dùng tiền mặt trong thanh toán của người dân vẫn còn cao và khi giai đoạn dịch bệnh căng thẳng đi qua thì tỷ lệ thanh toán phi tiền mặt từ 40% đã rớt xuống 10%.
Cũng theo ông Đức, khảo sát mới nhất của Saigon Co.op, có đến 28% người dùng đánh giá thanh toán không tiền mặt chưa thực sự tiện lợi trong khi các điểm chấp nhận thanh toán chưa nhiều, chưa đa dạng; 27% người dùng vẫn còn nhiều băn khoăn về các thông tin liên quan đến thanh toán không tiền mặt.
"Trước dịch, bản thân nhà bán lẻ này cũng chưa có sự chuẩn bị thật tốt nhất cho những phương tiện thanh toán, đó cũng là lý do con số tăng trưởng chỉ dừng 40%. Khi dịch bệnh dần được kiểm soát, dù khách hàng quay về thói quen thanh toán tiền mặt, nhưng tỷ lệ thanh toán phi tiền mặt vẫn duy trì ổn định khoảng 10-11%", ông Đức nói thêm.
Để duy trì được tỷ lệ trên ông Đức cho rằng, cần nhiều giải pháp và trọng nhất vẫn cần có sự chủ động giữa các đơn vị chấp nhận thanh toán và nhà cung ứng dịch vụ. Sự phát triển blokchain, tiền điện tử… sẽ là câu chuyện tạo nên sự phát một quốc gia không tiền mặt bền vững hơn.
Hội thảo tưởng niệm nạn nhân Covid-19 |
Giám đốc phát triển kinh doanh, mảng chấp nhận thanh toán, Visa Việt Nam ông Lưu Tuấn Nghĩa cũng cho hay, kết quả nghiên cứu về thái độ thanh toán của người tiêu dùng của Visa do CLEAR triển khai vào tháng 8 - 9/2021 cũng cho kết quả, các phương thức thanh toán phi tiền mặt, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh được người dân đón nhận.
Theo đó, có ít nhất 3 trong số 5 người tiêu dùng Việt mang ít dùng tiền mặt hơn nhờ sự phổ biến của hình thức thanh toán thẻ hoặc không tiếp xúc.
Tần suất thanh toán bằng tiền mặt giảm đáng kể từ đại dịch COVID-19 và được dự đoán sẽ tiếp tục giảm mạnh hơn nữa trong tương lai; 65% người tiêu dùng cho biết lượng tiền mặt trong ví của họ đã giảm, thay vào đó họ sử dụng nhiều thẻ và các phương thức thanh toán không tiếp xúc hơn.
84% người tiêu dùng cho biết, họ đã lên kế hoạch hạn chế dùng tiền mặt và sử dụng các phương thức thanh toán không tiền mặt thường xuyên hơn; hơn 75% người được khảo sát cho biết, họ thực hiện giao dịch nhiều hơn một lần mỗi tuần.
Ngoài ra, năm 2021, hơn một nửa người Việt chuyển sang ưu tiên lựa chọn sử dụng một ứng dụng chung cho tất cả các loại giao dịch tăng 53% so với năm 2020 chỉ 32%.
Đồng thời, dưới tác động của COVID-19, dịch vụ giao hàng tận nhà có cơ hội phát triển mạnh mẽ khi nhiều người tiêu dùng đã bắt đầu sử dụng dịch vụ này.
Hơn 80% đã sử dụng dịch vụ giao tận nhà lần đầu tiên vì COVID-19. Nhiều thói quen mới đã được hình thành sau đại dịch, trong đó nổi bật là mua sắm trực tuyến và hạn chế thanh toán bằng tiền mặt.
Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó tổng giám đốc NAPAS cho hay, nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, từ tháng 6/2021, Công ty cùng với các ngân hàng thành viên thống nhất sử dụng tiêu chuẩn thanh toán sử dụng mã QR.
Đến nay, có 27 ngân hàng tham gia triển khai VIETQR áp dụng đối với các giao dịch chuyển tiền, thanh toán nhỏ lẻ, thanh toán xuyên biên giới được tích hợp trên nền tảng Mobile banking app sẵn có của các ngân hàng.
Người sử dụng ứng dụng Mobile banking của các ngân hàng dễ dàng quét mã VietQR để chuyển khoản giữa các cá nhân, thanh toán các khoản nhỏ/lẻ tại các điểm bán.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, hạn chế rủi ro bảo mật
Chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy chuyển đối số của ngân hàng Vietcombank, ông Đặng Hoài Đức, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho biết, an toàn, bảo mật là hai yếu tố quan trọng.
Cũng theo ông Đức, các ngân hàng đang đẩy nhanh tiến độ số hoá và những sản phẩm mới ra đời của Vietcombank thời gian đều nhanh chóng được thị trường đón nhận.
Ngân hàng cũng áp dụng xác thực định danh khách hàng điện tử bên cạnh đó có những giải pháp phát hiện những giao dịch đáng ngờ, tìm hiểu thông tin về giao dịch giả mạo, tạo sự an tâm cho khách hàng...
Phó Thống đốc NHNN ông Phạm Tiến Dũng cho biết, hoạt động chuyển đổi số ngành ngân hàng thời gian qua đạt được những kết quả tích cực.
Cụ thể, 95% TCTD đã có, đang xây dựng hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Hiện có khoảng 80 ngân hàng triển khai dịch vụ Internetbanking, 44 ngân hàng cung cấp dịch vụ Mobile Banking, 45 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, hơn 90 nghìn điểm thanh toán QR, gần 298 nghìn POS.
9 tháng đầu 2021 so với cùng kỳ 2020, thanh toán Mobile tăng 76,2% về số lượng và 88,3% về giá trị; thanh toán qua Internet tăng 51,2% về số lượng và 29,1% về giá trị.
Vấn đề an ninh, an toàn trong thanh toán luôn được quan tâm; khách hàng được đặt là vị trí trung tâm ưu tiên trong việc quá trình cung ứng các sản phẩm, dịch vụ; đồng thời, quyền lợi hợp pháp luôn được đảm bảo.
Những nỗ lực đó đã được phản ánh qua số liệu tăng trưởng, cụ thể, thanh toán trên thiết bị di động tại Việt Nam tăng trưởng mạnh hàng năm (90% về số lượng và 150% về giá trị); nhiều ngân hàng đạt trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số.
Cũng theo Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng, mục tiêu cụ thể được đặt ra đến năm 2025 là 50% nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số; 50% người trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử; 50% quyết định giải ngân cho vay của ngân hàng thương mại, công ty tài chính đối với khoản vay nhỏ lẻ của cá nhân được số hóa…