Thanh toán online tăng chóng mặt, ngân hàng số cạnh tranh khốc liệt

0:00 / 0:00
0:00
Giá trị thanh toán online tại nhiều ngân hàng trong nửa đầu năm nay tăng ở mức 3 chữ số. Covid-19 khiến thói quen tiêu dùng thay đổi, buộc các ngân hàng phải tăng tốc số hóa để cạnh tranh.
Số lượng khách hàng của VPBank tăng mạnh trong thời gian gần đây, nhờ đa dạng hóa kênh giao dịch. Ảnh Đ.T

Số lượng khách hàng của VPBank tăng mạnh trong thời gian gần đây, nhờ đa dạng hóa kênh giao dịch. Ảnh Đ.T

Thanh toán online qua ngân hàng tăng chóng mặt

Ngân hàng VPBank cho hay, đến ngày 30/6/2021, tệp khách hàng của ngân hàng này đã đạt con số 19 triệu, trong đó, riêng ngân hàng mẹ là 5,2 triệu khách hàng. Đặc biệt, tỷ lệ khách hàng mở mới thông qua kênh digital đạt 73%, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng giao dịch online tăng 200% so với cùng kỳ năm 2020.

Ông Phùng Duy Khương, Phó tổng giám đốc, kiêm Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân của VPBank cho hay, năm 2021, mỗi ngày, người sử dụng Internet dành tới 7 tiếng đồng hồ để online, tăng gần 50% so với năm 2020 do ảnh hưởng của Covid-19. Đây cũng là lý do VPBank vừa cho ra mắt nền tảng ngân hàng số mới - VPBank NEO.

Theo ông Khương, nền tảng số VPBank NEO không chỉ thỏa mãn tất cả nhu cầu tài chính của khách hàng (mở tài khoản, thanh toán, mở thẻ tín dụng, chuyển tiền nhanh…), mà còn kết nối rộng khắp với các hệ sinh thái lớn, như tiêu dùng, giải trí, đầu tư…

Tương tự, Ngân hàng OCB cũng ghi nhận lượng khách hàng mới qua kênh điện tử tăng vọt. Trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ giao dịch thanh toán online tại OCB tăng hơn 30%. Lãnh đạo OCB cho hay, từ khi áp dụng định danh khách hàng trực tuyến (eKYC), lượng khách hàng đăng ký mở tài khoản trực tuyến ngày càng đông và thường xuyên thực hiện các giao dịch ngân hàng qua kênh online.

Hàng loạt ngân hàng khác như Techcombank, Agribank, Vietcombank… cũng cho biết, tăng trưởng thanh toán online tăng mạnh. Đơn cử, tại Techcombank, trong 6 tháng đầu năm nay, khối lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân tăng lần lượt 94,5% và 122,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ nửa đầu năm, ngân hàng này đã thu hút thêm gần nửa triệu khách hàng mới.

Ngân hàng MB cũng dự kiến có thêm 5 triệu khách hàng sử dụng ứng dụng ngân hàng mới trong năm nay, cao gấp 3 lần số lượng khách hàng mới của năm 2020. Tính đến cuối tháng 4/2021, có khoảng 1,8 triệu khách hàng của MB đã mở tài khoản ngân hàng thành công bằng eKYC, chiếm 70% tổng số khách hàng mới kể từ thời điểm MB chính thức ứng dụng eKYC.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, thanh toán không dùng tiền mặt trong nửa đầu năm nay tăng rất mạnh. Đặc biệt, giá trị thanh toán qua điện thoại di động và qua kênh QR Code có tốc độ tăng trưởng 100 - 200%.

Mở rộng hành lang pháp lý, ngân hàng số sẽ còn tăng tốc

Covid-19 đang thay đổi mạnh mẽ thói quen mua sắm, tiêu dùng của người dân. Thay vì đi chợ trực tiếp, ngày càng nhiều người mua sắm online; thay vì thanh toán khi nhận hàng, ngày càng nhiều người chọn thanh toán trực tuyến khi mua sắm.

Đầu tư số hóa không chỉ giúp ngân hàng bắt kịp sự thay đổi của người tiêu dùng, mà còn giúp tăng hiệu quả, giảm chi phí. Báo cáo tài chính quý II/2021 mà nhiều ngân hàng vừa công bố cho thấy, chi phí huy động vốn và chi phí hoạt động giảm mạnh. Đây chính là “quả ngọt” của nhiều ngân hàng sau thời gian dài đầu tư số hóa.

Cuộc đua số hóa đang khiến các ngân hàng ngày càng phân hóa. Các ngân hàng lớn, nhờ lợi thế dồi dào nguồn lực, đã mạnh tay đầu tư công nghệ, mở rộng hệ sinh thái kết nối để tối đa tiện ích cho người dùng. Thậm chí, nhiều ngân hàng đang có xu hướng hoạt động như công ty công nghệ.

Thanh toán không dùng tiền mặt trong nửa đầu năm nay tăng rất mạnh. Đặc biệt, giá trị thanh toán qua điện thoại di động và qua kênh QR Code có tốc độ tăng trưởng 100 - 200%.

Trong khi đó, nhiều ngân hàng nhỏ, chậm đổi mới đang tỏ ra ngày càng đuối sức, không chỉ so với các ngân hàng đối thủ, mà ngay cả với các fintech, công ty tài chính...

Một vướng mắc lớn của các ngân hàng trong chuyển đổi số, theo ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (thuộc Ngân hàng Nhà nước) là hành lang pháp lý chưa đồng bộ, còn thiếu hoặc chống chéo. Theo một khảo sát của Viện Chiến lược ngân hàng, có tới 84% ý kiến từ các tổ chức tín dụng cho rằng, khó khăn, thách thức lớn cho quá trình số hóa ngân hàng là hành lang pháp lý thiếu và không đồng bộ.

Tuy vậy, điều đáng mừng là, Kế hoạch Chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, được Ngân hàng Nhà nước ban hành tháng 5/2021, đã đưa ra các bước rà soát, sửa đổi, ban hành một loạt văn bản tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi số ngân hàng.

Cụ thể, năm 2021 - 2022, Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành một loạt văn bản mới, như nghị định về xây dựng cơ chế thử nghiệm kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (Regulatory Fintech Sandbox); sửa đổi, bổ sung cơ chế xác thực giao dịch theo hướng cân đối giữa xác thực khách hàng mạnh và trải nghiệm khách hàng xuyên suốt; nghị định thay thế nghị định 101/2012/NĐ-CP và các thông tư thay thế, sửa đổi, bổ sung về thanh toán không dùng tiền mặt, quản lý, giám sát hoạt động thanh toán, thanh toán xuyên biên giới; nghiên cứu đề xuất quy định về hoạt động cho vay để cho phép thực hiện bằng phương thức điện tử và tự động hóa toàn bộ quy trình cho vay của tổ chức tín dụng với khách hàng.

Theo Kế hoạch, năm 2022, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn về giao tiếp lập trình ứng dụng mở (Open API)...

Mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là sẽ phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện, phát triển bền vững trên cơ sở thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong quản trị, điều hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ.

Tin bài liên quan