Thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh
Phát biểu trong khuôn khổ chương trình “Ngày không tiền mặt 2022” diễn ra chiều ngày 17/6/2022, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử là xu hướng phát triển chủ đạo tại hầu hết các quốc gia trên thế giới. Trong đó, bao gồm các nước phát triển, lẫn đang phát triển, đặc biệt trong bối cảnh số hóa sâu rộng các ngành, lĩnh vực và sự nổi lên của các hoạt động gắn liền với nền kinh tế số.
Đối với ngành ngân hàng, lĩnh vực/hoạt động thanh toán thường được NHNN, các TCTD ưu tiên đầu tư nguồn lực để tập trung chuyển đổi số trước do giao dịch thanh toán, vốn chiếm phần lớn trong các giao dịch ngân hàng. Thanh toán liên quan mật thiết tới cuộc sống thường nhật, thiết yếu của người dân và đóng vai trò cửa ngõ để kết nối thuận tiện với các dịch vụ, nghiệp vụ ngân hàng-tài chính…
Cũng theo bà Hồng, chuyển đổi số, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của ngành ngân hàng thời gian qua đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ. Từ những định hướng, chỉ đạo này, NHNN đã chủ động nghiên cứu, ban hành nhiều kế hoạch, chỉ thị liên quan tới chuyển đổi số.
Cụ thể, kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng; chỉ thị về đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng;trình Chính phủ ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money); hướng dẫn các ngân hàng mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng cho khách hàng bằng phương thức điện tử (eKYC), qua đó cho phép người dân mở tài khoản, thẻ mà không cần đến trực tiếp ngân hàng; ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật thanh toán như mã QR code, thẻ chíp nội địa tạo thuận lợi cho kết nối thanh toán liên thông, giảm chi phí chấp nhận thanh toán.
“Các hạ tầng dùng chung như Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, Hệ thống thông tin tín dụng quốc gia liên tục được đầu tư, nâng cấp theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế…”, bà Hồng nhấn mạnh.
Đặc biệt, công tác truyền thông, giáo dục tài chính được đẩy mạnh với nhiều chương trình có sức lan tỏa trong xã hội như “Tiền khéo tiền khôn”, “Tay hòm chìa khóa”… nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng và nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng đối với công chúng, qua đó góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, tài chính toàn diện.
Với sự kết hợp nhiều giải pháp, thanh toán không dùng tiền mặt 4 tháng đầu năm 2022 tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị so với cùng kỳ 2021; giao dịch qua Internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%; qua QR code tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021; tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.
Ngoài ra, tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt gần 66% với tốc độ tăng trưởng bình quân 11,44% từ năm 2015-2021; đã có khoảng 3,4 triệu tài khoản và 1,3 triệu thẻ ngân hàng được mở mới trực tuyến, từ xa qua phương thức điện tử (eKYC).
Trong số 1,1 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money, có gần 660.000 là khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo (chiếm hơn 60% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ).
5 giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
Mặc dù kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, nhưng theo NHNN, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp.
Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, rà soát hoàn thiện khung khổ pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng.
Thứ hai, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành cơ quan liên quan triển khai có hiệu quả Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025, Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Quyết định thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ.
Thứ ba, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng thanh toán, tăng cường tích hợp, kết nối với các ngành, lĩnh vực khác để cung ứng dịch vụ thanh toán tiện ích nền tảng số, giúp tăng tính tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng. Trong đó, triển khai tích cực và hiệu quả Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ xác minh thông tin nhận biết khách hàng.
Thứ tư, tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử; triển khai hiệu quả các hệ thống thanh toán quan trọng và hoạt động các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đảm bảo hoạt động đúng quy định, thông suốt, an toàn.
Thứ năm, tích cực phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về thanh toán không dùng tiền mặt, giáo dục tài chính; tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Về định hướng truyền thông thời gian tới, NHNN cho biết, sẽ triển khai công tác truyền thông theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, nâng cao sự minh bạch hóa thông tin, đáp ứng yêu cầu hoạt động thông tin của NHNN và thực hiện các cam kết quốc tế. Đối tượng mà truyền thông giáo dục tài chính hướng tới là đông đảo công chúng, trong đó có người dân khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, người yếu thế, người chưa có tài khoản ngân hàng.
"Nguyên tắc truyền thông là những nội dung người dân và doanh nghiệp quan tâm bằng hình thức đơn giản, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ lan tỏa. Triển khai truyền thông giáo dục tài chính hiệu quả, chuyên nghiệp, sáng tạo, qua đó góp phần hình thành cộng đồng tài chính tốt, giúp giảm chi phí xã hội, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và hiện thực hóa các mục tiêu về tài chính toàn diện", lãnh đạo NHNN cho biết.