Ảnh: Shutterstock.

Ảnh: Shutterstock.

Thanh toán không dùng tiền mặt, đừng để tụt hậu

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Thanh toán điện tử đã thay đổi cục diện của kinh tế toàn cầu. Tại châu Á, 38% doanh nghiệp nhìn nhận rằng số hóa trong quy trình thanh toán sẽ trở nên thông dụng trong 1-2 năm tới. Vì thế, các doanh nghiệp Việt cần nhanh chóng thích nghi nếu không muốn bị bỏ lại phía sau…

Xu thế thanh toán điện tử trên toàn cầu

Thúc đẩy một xã hội không dùng tiền mặt là chiến lược của nhiều quốc gia trên toàn cầu những năm gần đây.

Nhưng với tốc độ phát triển kinh tế không đồng đều của các quốc gia, nhận thức và kiến thức của người dân đối với dịch vụ tài chính cá nhân cũng như mức độ phổ cập internet tại các quốc gia là khác nhau, thanh toán không tiền mặt vẫn là trở ngại ở nhiều nước.

Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 xuất hiện vào đầu năm nay đã kéo theo sự thay đổi nhanh chóng về thói quen sinh hoạt của người dân, đặc biệt là trong cách chi tiêu và sử dụng tiền.

Trong báo cáo mới nhất của HSBC vào tháng 9/2020 về sự bùng nổ của nền kinh tế số, chuyên gia kinh tế James Pomeroy đã chỉ ra rằng, 48% số lượt thanh toán tại cửa hàng ở Trung Quốc Đại lục trong năm 2019 được thực hiện thông qua ví di động (m-Wallet), trong khi con số này ở quy mô toàn cầu là 21,5%.

Chuyên gia này cũng dự đoán, tới năm 2030, sẽ có khoảng 40,2% người tiêu dùng trên toàn cầu là công dân kỹ thuật số và 50% các giao dịch mua sắm hàng hóa sẽ được thực hiện trực tuyến tại các quốc gia phát triển.

Trong xu thế đó, thanh toán không tiền mặt đã gia tăng nhanh chóng. Nhiều nhà bán lẻ trên toàn cầu đã chuyển sang khuyến khích không sử dụng tiền mặt khi mua sắm để hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa nhân viên bán hàng và khách hàng nhằm hạn chế bệnh dịch lây lan.

Đơn cử, tại Anh và Úc, chính phủ các nước này khuyến khích sử dụng thanh toán không tiền mặt bằng cách tăng hạn mức thanh toán không tiếp xúc (contactless payment). Hay tại Đức và Nhật, hai trong số các quốc gia chuộng tiền mặt nhất trên thế giới, đã chứng kiến sự sụt giảm rõ rệt trong sử dụng tiền mặt.

Vì thế, các công ty trung gian thanh toán tại những quốc gia này cũng chạy đua đầu tư công nghệ để vừa đáp ứng nhu cầu đang tăng nhanh, vừa giúp việc thanh toán không tiếp xúc ngày càng dễ dàng, thuận lợi và ít tốn kém hơn.

Những tác động rõ rệt tại Việt Nam

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) và HSBC, năm 2019, tỷ lệ người dân sử dụng internet của Việt Nam chiếm khoảng hơn 60% dân số, nhưng tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng hoặc tài khoản tiền di động (mobile money) chỉ ở mức 30%.

Điều này khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có nhiều tiềm năng nhất để phát triển thanh toán di động, bên cạnh Philippines và Mexico.

Trong những năm qua, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều quyết sách nhằm khuyến khích và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc khối Quản lý thanh khoản và tiền tệ toàn cầu, HSBC Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc khối Quản lý thanh khoản và tiền tệ toàn cầu, HSBC Việt Nam.

Tính đến tháng 10/2019, cả nước đã có trên 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán qua internet và 47 tổ chức thực hiện qua điện thoại di động, số lượng thẻ lưu hành đạt trên 96 triệu thẻ với 56 tổ chức phát hành, hơn 18.900 cây ATM và hơn 275.600 thiết bị chấp nhận thẻ (POS) được lắp đặt toàn quốc.

Tại các siêu thị, quán cà phê, nhà hàng… ở các thành phố lớn, ngoài phương thức thanh toán truyền thống là tiền mặt, luôn có thêm các lựa chọn thanh toán đa dạng qua thẻ, ví điện tử, mã QR hay thanh toán không tiếp xúc chỉ với một chạm.

Thực tế, thanh toán không tiền mặt là chiến lược được Chính phủ quan tâm phát triển trong nhiều năm qua và dịch Covid-19 được xem là chất xúc tác thúc đẩy sự chuyển đổi này nhanh và rộng hơn.

Theo ghi nhận của HSBC, kể từ khi dịch bệnh này xuất hiện từ cuối tháng 1/2020 đến nay, việc mua sắm trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt càng trở nên phổ biến.

Tính riêng trong tháng 7/2020, số lượt truy cập vào ứng dụng HSBC Vietnam trên thiết bị di động tăng 51% so với tháng 12/2019, đồng thời các giao dịch tài chính thông qua ứng dụng ngân hàng cũng tăng gấp 3 lần.

Đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp, hiện nay, hơn 94% khách hàng của HSBC Việt Nam, kể cả những doanh nghiệp lớn trong nước vốn trung thành với các phương thức truyền thống trước đây, đã chuyển sang sử dụng ứng dụng di động dành cho khách hàng doanh nghiệp HSBCnet.

Đừng để tụt hậu

Thanh toán không tiền mặt đã thay đổi cục diện của nền kinh tế toàn cầu. Trong báo cáo mới nhất, HSBC đã đề cập tới dự báo của McKinsey - công ty tư vấn quản lý toàn cầu có trụ sở chính tại Mỹ: Tài chính số sẽ giúp 1,6 tỷ người tại các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam, tiếp cận với các sản phẩm và dịch vụ tài chính.

Nếu tài chính số phổ biến rộng rãi, GDP của các quốc gia này có thể tăng thêm 6% vào năm 2025 và gần 2/3 trong đó đến từ việc nâng cao năng suất của doanh nghiệp và các chính phủ nhờ vào ứng dụng thanh toán số.

Để đón đầu cơ hội, Chính phủ đã có những quyết định kịp thời. Đầu năm 2020, Thủ tướng đã phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định 149/QĐ-TTg.

Một trong những mục tiêu chính của chiến lược này là tăng số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt hàng năm lên 20-25%, bên cạnh các mục tiêu quan trọng khác như đến cuối năm 2025 có ít nhất 80% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác, tối thiểu 25-30% người trưởng thành gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng, tối thiểu 250.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa có dư nợ tại các tổ chức tín dụng…

Đối với các doanh nghiệp cũng như tổ chức tài chính tại Việt Nam, tiến đến số hóa là điều tất yếu.

Thống kê của HSBC cho biết, 38% doanh nghiệp tại châu Á nhìn nhận rằng số hóa trong quy trình thanh toán sẽ trở nên thông dụng trong 1-2 năm tới, tỷ lệ này cao hơn các khu vực khác trên thế giới ở mức 25%.

Vì thế, các doanh nghiệp Việt cần cởi mở hơn, nhanh chóng thay đổi để thích nghi nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.

Về phía các cơ quan quản lý, cần thiết phải có những chính sách phù hợp để thúc đẩy và hỗ trợ sự phát triển của tài chính số, bởi đây chính là công cụ đắc lực giúp nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của người dân.

Các cơ quan quản lý cần hướng người dân đến việc sử dụng các sản phẩm và dịch vụ tài chính hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao nhận thức và tăng cường các giao dịch thanh toán không sử dụng tiền mặt, cũng như xây dựng khung pháp lý để bảo vệ các cá nhân và doanh nghiệp khi tham gia tài chính số.

Với sự hỗ trợ của tài chính số, tài chính toàn diện tại Việt Nam sẽ có khả năng hoàn thành mục tiêu của Chính phủ, từ đó nâng cao nhận thức và kiến thức tài chính cho người dân và doanh nghiệp, để tất cả đều có thể tiếp cận, sử dụng các sản phẩm và dịch vụ tài chính chính thống, phù hợp với nhu cầu một cách an toàn, tiện lợi, với chi phí hợp lý.

Tin bài liên quan