Tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt ở Việt Nam hiện tại vẫn còn khá cao - chiếm khoảng 14% (tỷ lệ này ở các nước có nền kinh tế phát triển đều dưới 1 con số), đặc biệt trong khu vực chi tiêu cá nhân, số người sử dụng dịch vụ ngân hàng để thanh toán chủ yếu vẫn là các DN, lao động ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, nhân viên công sở có thu nhập cao và ổn định.
Tuy Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều giải pháp và tích cực xây dựng hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng quá trình này diễn ra chậm và chưa đáp ứng được yêu cầu.
Vai trò của các NHTM
Một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân làm chậm tiến độ triển khai hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt là do thói quen của người dân, do khuôn khổ pháp lý hay cơ sở hạ tầng của hệ thống thanh toán của NHNN. Nhưng theo tôi, vấn đề cơ bản nằm ở định hướng phát triển và hợp tác giữa các NHTM, thể hiện qua những yếu tố sau:
Thứ nhất, chậm trễ trong việc kết nối hệ thống thanh toán thống nhất giữa các NHTM. Đối tượng cung cấp dịch vụ ngân hàng tới các cá nhân, tổ chức chính là các NHTM, nếu không tạo ra một hệ thống kết nối thanh toán thống nhất giữa các ngân hàng thì sẽ gây khó khăn và bất tiện cho người sử dụng khi phải mở nhiều tài khoản tại các ngân hàng khác nhau. Do đó, các ngân hàng nên bắt tay nhau để tạo ra thị trường lớn hơn, cùng khai thác, thay vì cạnh tranh trên thị phần còn nhỏ bé.
Nếu Việt Nam thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt thành công như ở các nước phát triển, thì sẽ không thiếu dịch vụ và không thiếu khách hàng cho các ngân hàng, với thị trường gần 90 triệu dân. Các trở ngại về công nghệ, năng lực sẽ không phải là vấn đề lớn nếu các ngân hàng chủ chốt thực sự muốn đẩy nhanh tiến độ kết nối hệ thống thanh toán.
Thứ hai, cần thay đổi cách nhìn về phát triển các dịch vụ thanh toán hiện tại. Được biết, hầu hết ngân hàng tại Việt Nam hiện nay thua lỗ trong mảng kinh doanh thẻ, nhiều khả năng tiếp tục lỗ trong tương lai.
Các NHTM đang chạy đua trong việc mở rộng mạng lưới và phát triển hệ thống máy ATM, nhưng việc phát triển này vừa lãng phí, lại không hiệu quả.
Ví dụ như ở thị trường Đà Nẵng có gần 900.000 dân mà có gần bằng ngần đó thẻ ATM được phát hành, song số thẻ ATM thực sự được sử dụng có lẽ chỉ khoảng vài chục ngàn.
Việc phát triển hệ thống thẻ ATM chưa giải quyết được vấn đề thanh toán không dùng tiền mặt, vì khi người dân rút tiền từ thẻ ATM, họ sẽ lại dùng tiền mặt để thanh toán.
Hiện tại, NHTM mới kết nối hệ thống máy ATM thống nhất, trong khi điều cần phát triển nhất là các máy POS (có chức năng thanh toán, truy vấn số dư…) thì chưa thực sự chú trọng. Chi phí một máy POS chỉ khoảng vài triệu đồng và có thể giảm xuống vài trăm ngàn đồng nếu trong nước sản xuất hoặc Chính phủ hỗ trợ.
Nếu các máy POS đó được đặt khắp mọi nơi, từ các chợ, siêu thị, cơ quan trường học..., với một hệ thống POS được kết nối thống nhất giữa các ngân hàng, thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc thanh toán không dùng tiền mặt.
Thứ ba, các sản phẩm được thiết kế còn bất tiện và hạn chế trong việc sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy hầu hết NHTM đã thay core-banking mua ở nước ngoài, nhưng các sản phẩm tiền gửi thiết kế vẫn theo hình thức cũ.
Ví dụ như các ngân hàng thiết kế sản phẩm tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn, mỗi lần gửi tiền thì ngân hàng cấp cho một quyển sổ tiết kiệm mới; việc rút bớt một phần hoặc nộp tiền vào sổ người dân lại phải tới ngân hàng, với nhiều thủ tục giấy tờ; việc chuyển tiền từ tiền gửi tiết kiệm sang tiền gửi thanh toán không thuận tiện và vẫn phải tới ngân hàng.
Trong khi đó, tại Canada, người dân có thể dùng nhiều sản phẩm tiền gửi thanh toán và tiền gửi tiết kiệm khác nhau, nhưng chỉ cần duy nhất một thẻ ATM và số tài khoản là có thể kiểm tra toàn bộ các sản phẩm mình có thông qua thẻ ATM và E-banking, chuyển, rút tiền đơn giản thông qua máy ATM hoặc E-banking và khi giao dịch không phải mang theo bất cứ giấy tờ nào.
Thứ tư, các NHTM chưa mạnh dạn trong việc triển khai E-banking. Khi thực hiện giao dịch E-banking tại các NHTM, khách hàng thường phải nhập 3 vòng mật khẩu, kèm theo phải sử dụng các thiết bị bảo mật, trong khi đó tại Canada chỉ cần nhập 1 vòng mật khẩu. Bởi lẽ, tại Canada, nếu có hacker hoặc bị người khác lợi dụng thì khi người bị hại thông báo, ngân hàng sẽ phối hợp với ngân hàng bạn để trả lại số tiền cho người bị hại và cơ quan an ninh sẽ phối hợp điều tra để bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền.
Vai trò của các cơ quan chức năng
Chính phủ và NHNN đã ban hành các văn bản:
- Đề án Thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến 2020 theo Quyết định số 291/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
- Nghị định 161/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 Quy định thanh toán bằng tiền mặt; Chỉ thị 20/2007/CT-TTg về việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước; Quyết định về séc, về nhờ thu hối phiếu qua người thu hộ, về thẻ ngân hàng…
- NHNN triển khai hệ thống thanh toán bù trừ, thanh toán điện tử liên ngân hàng, yêu cầu các NHTM thực hiện việc kết nối hệ thống thanh toán thẻ ATM...
Tuy nhiên, NHNN nên có vai trò định hướng cho các NHTM trong việc phát triển hệ thống POS và kết nối hệ thống này, đẩy nhanh tiến độ kết nối hệ thống máy POS.
Chính phủ có thể hỗ trợ một phần kinh phí cho các đơn vị sử dụng máy POS để giảm chi phí máy POS. Nên có một chiến dịch để thực hiện triển khai đồng loạt việc trang bị và sử dụng hệ thống máy POS tại các cơ sở thanh toán (cơ quan, siêu thị, chợ, cửa hàng...), đồng thời có chiến dịch truyền thông và phối hợp với các NHTM tổ chức hệ thống đào tạo người dân sử dụng máy POS và các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt khác của ngân hàng.
Các NHTM cũng nên có trung tâm và phương án để xử lý các sự cố liên quan tới việc khách hàng sử dụng dịch vụ thẻ thanh toán của ngân hàng.