Hành lang pháp lý là giải pháp trọng tâm
Áp dụng, phát triển và phổ biến thanh toán không dùng tiền mặt trong xác lập, thực hiện giao dịch về tài sản, hàng hóa, dịch vụ, phân phối thu nhập, hình thành nguồn vốn và phúc lợi xã hội là một nhu cầu tất yếu, không chỉ đáp ứng kịp thời yêu cầu khách quan của phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập, mà còn để bảo đảm sự lành mạnh, hiệu quả của nền kinh tế và hiệu quả trong quản lý nhà nước.
Thời gian qua, ngoài các văn bản luật, pháp lệnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) rất quan tâm xây dựng, hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt. Thực tiễn lưu thông tiền tệ trong nền kinh tế cho thấy những bước phát triển đáng kể của thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trở thành hình thức lưu thông tiền tệ phổ biến trong nền kinh tế thì cả về trước mắt và lâu dài, Nhà nước cần tiếp tục có những giải pháp đồng bộ hơn nữa, trong đó, việc hoàn thiện hành lang pháp lý cần được xác định là một trong các giải pháp trọng tâm.
Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp
Giải pháp hoàn thiện hành lang pháp lý về thanh toán không dùng tiền mặt được đặt ra trước hết là để giải quyết những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn; định hình và ổn định các chuẩn mực ứng xử pháp lý có liên quan; đồng thời, bảo đảm triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng bộ, thống nhất hóa với pháp luật về tín dụng, ngân hàng, các công cụ chuyển nhượng, ngoại hối, giao dịch điện tử, cho vay ngang hàng, công nghệ tài chính (FinTech), thương mại điện tử, an toàn thông tin mạng, bí mật thông tin khách hàng, phòng chống rửa tiền, trách nhiệm dân sự, tố tụng…
Hướng giải quyết những bất cập, vướng mắc
NHNN đã thực hiện việc đánh giá tổng kết về tình hình triển khai thực hiện Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt (sửa đổi, bổ sung năm 2016) và các văn bản hướng dẫn, trên cơ sở đó xây dựng các chính sách cơ bản nhằm tiếp tục sửa đổi nghị định này.
Một là, đồng bộ, thống nhất khuôn khổ pháp lý về nội hàm, khái niệm về phương tiện thanh toán trong thanh toán không dùng tiền mặt là tiền điện tử, ví điện tử, qua đó tách bạch, tránh nhầm lẫn với tiền ảo như Bitcoin, Ethereum, LiteCoin... (chưa được pháp luật thừa nhận) và các loại hình thanh toán khác không thuộc lĩnh vực hoạt động ngân hàng (ví dụ, thanh toán bằng giá trị tiền trong thẻ điện thoại).
Trên cơ sở đó, xác định thẩm quyền cung ứng, phát hành tiền điện tử dưới dạng thẻ trả trước là ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước, tổ chức không phải là ngân hàng được cung ứng và phát hành tiền điện tử dưới dạng ví điện tử.
Hai là, bổ sung các nguyên tắc trong quản lý các hoạt động thanh toán, chuyển tiền quốc tế.
Ba là, bổ sung điều kiện cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; điều kiện kinh doanh cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán đối với doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích; cụ thể hóa quy định về nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Bốn là, bổ sung quy định về hoạt động đại lý thanh toán, quản lý cung ứng phương tiện thanh toán, dịch vụ thanh toán.
Cần có giải pháp chính trị - pháp lý toàn diện hơn
Về cơ bản, các chính sách nêu trên đã bao quát, giải quyết được những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, xét về tổng thể, để hướng tới mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt là hình thức lưu thông tiền tệ phổ biến trong nền kinh tế thì việc chỉ tập trung giải quyết những bất cập nội tại của pháp luật hiện hành là chưa đủ, mà cần phải có giải pháp chính trị - pháp lý toàn diện hơn nữa. Về vấn đề này, người viết đề cập thêm một số hướng tiếp cận sau.
Thứ nhất, việc hoàn thiện thể chế về thanh toán không dùng tiền mặt phải được đặt trong tổng thể, không thể tách rời với phát triển các loại thị trường của nền kinh tế, không chỉ gắn với thể chế về thị trường tài chính - tiền tệ, mà còn phải gắn với thể chế về thị trường hàng hóa - dịch vụ, lao động, bất động sản và khoa học công nghệ trên cả phương diện hàng hóa của thị trường, quy mô, cơ cấu phát triển thị trường, vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước, mức độ hội nhập thị trường Việt Nam với thị trường khu vực và thế giới.
Việc áp dụng chính sách này góp phần tạo “cơ sở hạ tầng” vững chắc, động lực phát triển cho việc lưu thông tiền tệ bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Ngược lại, sự phát triển của thanh toán không dùng tiền mặt góp phần làm tăng hiệu quả liên thông giữa các loại thị trường, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh, có tính cạnh tranh của nền kinh tế.
Thứ hai, xây dựng, áp dụng các biện pháp pháp lý linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng, lĩnh vực, khu vực nhất định để khuyến khích, thúc đẩy việc sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt trong đời sống kinh tế, xã hội, nhất là khi tâm lý, thói quen của người dân còn nặng về tích lũy, sử dụng tiền mặt trong thanh toán, tiêu dùng.
Ví dụ, ở Thụy Điển, để phù hợp với vấn đề của người già, người hưu trí là chậm thích ứng với những thay đổi nhanh về công nghệ, Chính phủ Thụy Điển vẫn duy trì hệ thống cửa hàng tiện ích có kết hợp việc thanh toán giữa dùng và không dùng tiền mặt. Song song với giải pháp này, Chính phủ và các ngân hàng dành sự ưu đãi và hỗ trợ tối đa với những người già, hưu trí để họ dần tiếp cận, làm chủ được việc thanh toán không dùng tiền mặt, từ đó sớm giải quyết được một số áp lực về việc phải duy trì tiền mặt trong thanh toán và lưu thông.
Ở Hàn Quốc, để khuyến khích sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt, chính phủ nước này đã áp dụng chính sách khấu trừ 1% tổng số VAT thu được trên doanh số bán cho các đơn vị chấp nhận thẻ, khấu trừ 10% thuế thu nhập đối với các khoản chi bằng thẻ vượt quá 10% thu nhập hàng năm, đồng thời thực hiện chính sách mở cửa thị trường du lịch để làm tăng nhu cầu sử dụng thẻ tín dụng của du khách trong và ngoài nước.
Thứ ba, nghiên cứu, từng bước áp dụng theo lộ trình thích hợp những lĩnh vực, khu vực hoặc chủ thể bắt buộc phải sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực, khu vực hoặc chủ thể có đủ điều kiện để thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, lĩnh vực phúc lợi xã hội, dịch vụ công, dịch chuyển tài sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc quyền liên quan khác…
Việc áp dụng chính sách này không chỉ là biện pháp thúc đẩy hình thành thói quen thanh toán không dùng tiền mặt, mà còn góp phần làm minh bạch, lành mạnh hóa các dịch chuyển về tài sản, hàng hóa, nguồn vốn, thu nhập trong xã hội và nền kinh tế. Trên cơ sở đó, Nhà nước hoạch định, triển khai các biện pháp chính trị, pháp lý và kinh tế trong bảo đảm công bằng xã hội, hiệu quả nguồn thu từ thuế, phòng ngừa các quan hệ kinh tế ngầm, phòng chống rửa tiền và tham nhũng.
Thực tiễn pháp lý và quản lý nhà nước ở nhiều nước cho thấy, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, họ cũng đã áp dụng biện pháp hành chính trong một số lĩnh vực, khu vực nhất định. Ví dụ, Chính phủ Thụy Điển cấm sử dụng tiền mặt tại một số dịch vụ công như trong sử dụng phương tiện giao dịch công cộng (xe bus, tàu...); Pháp và Bỉ đưa ra quy định giao dịch có giá trị lớn hơn 3.000 EUR phải áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt, trường hợp vi phạm thì theo pháp luật Bỉ, người vi phạm có thể chịu mức phạt 75 lần giá trị giao dịch được phép (225.000 )...
Thứ tư, thế giới cũng như Việt Nam đang có sự phát triển nhanh chóng về công nghệ thông tin, dịch vụ viễn thông, thương mại điện tử, dịch vụ chuyển phát ngoài công ích, dịch vụ thanh toán xuyên biên giới, giao thương quốc tế, nhu cầu thanh toán đa dạng trong đời sống…
Do đó, các chính sách, quy định phải mang tính dự báo cao về xu thế, lĩnh vực phát triển để điều chỉnh pháp lý kịp thời, linh hoạt đối với cung ứng dịch vụ thanh toán thông qua tài khoản tín dụng của khách hàng và không thông qua tài khoản tín dụng của khách hàng do các chủ thể không phải là ngân hàng thực hiện; cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; các loại hình thanh toán không dùng tiền mặt khác ngoài ngân hàng; blockchain, các dạng thức tiền ảo như Bitcoin, Ethereum, LiteCoin...
Thứ năm, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm thúc đẩy cải tiến công nghệ ứng dụng cao, blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI) trong thanh toán không dùng tiền mặt và việc sử dụng có trách nhiệm theo hướng thúc đẩy, khuyến khích, định hướng và có tính hiệu lực cao (không chỉ đối với chủ thể cung ứng, phát hành dịch vụ mà cả đối với chủ thể sử dụng dịch vụ, nhất là đối với doanh nghiệp, các tổ chức thuộc lĩnh vực công).
Có một thực tế là thẻ ATM ở Việt Nam trở nên phổ biến, nhưng việc sử dụng thẻ ATM chỉ để rút tiền mặt chiếm tỷ lệ cao trong dân chúng, một bộ phận lớn người dân không biết hoặc không sử dụng máy cà thẻ POS... Kinh nghiệm của Trung Quốc là ban hành bộ tiêu chuẩn thẻ CHIP, bộ tiêu chuẩn kỹ thuật thiết bị thanh toán thẻ, các quy định nhằm đảm bảo an toàn hoạt động ATM, POS, phòng chống tội phạm…, đồng thời chỉ đạo thực hiện kết nối liên thông giữa hệ thống thanh toán điện tử, thanh toán thẻ, thanh toán liên ngân hàng… và sớm cho phép các tổ chức phi tài chính cung ứng dịch vụ thanh toán điện tử với các giá trị nhỏ.
Thứ sáu, khuôn khổ pháp lý về phòng ngừa hoặc khắc phục rủi ro pháp lý trong thanh toán không dùng tiền mặt cần được hoàn thiện. Trong đó, rà soát, sửa đổi, bổ sung để quy chuẩn thống nhất, minh bạch, công khai hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trong xác lập, thực hiện các giao dịch có sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Việc công khai đầy đủ các rủi ro pháp lý mà người sử dụng có thể đối diện nếu thiếu sự hiểu biết, cẩn trọng phải là nghĩa vụ bắt buộc của tổ chức cung ứng, phát hành dịch vụ.
Đồng thời, rà soát, khắc phục tối đa những rủi ro pháp lý do thiếu quy định của pháp luật, pháp luật không dự kiến, quy định của pháp luật không còn phù hợp, giữa các quy định liên quan còn chưa đồng bộ, thống nhất, chồng chéo hoặc pháp luật trong nước không phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế, nhất là đối với các hoạt động thanh toán đa biên.
Trên cơ sở các nguyên tắc chung về nghĩa vụ, trách nhiệm dân sự quy định tại Bộ luật Dân sự, luật khác có liên quan, cần cụ thể hóa, phân định rõ quyền, trách nhiệm của các chủ thể (bên thanh toán, bên nhận thanh toán, tổ chức cung ứng, phát hành tiền điện tử, tổ chức trung gian thanh toán) như đối với các trường hợp: thời điểm giao dịch được xác lập, thực hiện, chấm dứt; người nhận thanh toán đã chuyển giao hoặc cung ứng hàng hóa, dịch vụ nhưng không nhận được tiền thanh toán; người thanh toán đã thực hiện thanh toán nhưng không nhận được hàng hóa, dịch vụ; một hoặc cả hai bên thanh toán, nhận thanh toán không thanh toán toàn bộ giá trị của một nghĩa vụ thanh toán khi đến hạn; tổ chức trung gian thanh toán chậm hoặc không thực hiện được nghĩa vụ trung gian thanh toán do sự yếu kém trong hệ thống thông tin hoặc quy trình nội bộ, do hạn chế trong quản lý của con người, hay do các sự kiện khách quan…
Thứ bảy, hoàn thiện cơ chế pháp lý cho kiểm soát rủi ro pháp lý trong thanh toán không dùng tiền mặt, phù hợp với các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế, tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng, khả năng tiếp cận thị trường và dịch vụ của các chủ thể tham gia, hình thành cơ chế bảo vệ khách hàng hữu hiệu và bảo đảm quy trình giải quyết tranh chấp khách quan…
Bên cạnh đó, hoàn thiện pháp luật hành chính, hình sự có liên quan nhằm xử lý, kịp thời, đầy đủ các hành vi sử dụng tiền điện tử giả, tiết lộ thông tin, ăn cắp thông tin để sử dụng vào mục đích trục lợi; hành vi gây thất thoát dữ liệu tiền điện tử…
Để thanh toán không dùng tiền mặt thực sự trở thành hình thức lưu thông tiền tệ phổ biến trong nền kinh tế và đời sống xã hội thì Nhà nước cần có tính toán toàn diện hơn về mặt thể chế, trước mắt là sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/2012/NĐ-CP. Về trung hạn và dài hạn, để có được cơ sở pháp lý hiệu lực cao, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kết nối được tất cả các giải pháp về chính trị, pháp lý, kinh tế và xã hội có liên quan thì cần xây dựng, ban hành luật riêng về thanh toán không dùng tiền mặt.