Thanh toán không tiền mặt đang trong một cuộc cách mạng, sự xuất hiện của các loại ví điện tử, QR code cài đặt ngay trên smartphone đã bổ sung quan trọng cho hình thức chủ đạo trước đây là thẻ thanh toán (tín dụng hoặc ghi nợ).
Bản thân ngay chiếc thẻ nhựa cũng đang thay đổi theo xu hướng chung, trước thẻ ngân hàng chỉ có một băng từ để lưu dữ liệu khách hàng thì khoảng 5 - 7 năm trở lại đây được nâng cấp lên thẻ chip (có một chip kim loại lưu dữ liệu khách hàng), và gần đây nhất vẫn là thẻ chip nhưng có tích hợp công nghệ không chạm (vẫy thẻ qua máy POS là thanh toán)
Thẻ từ, thẻ chíp - cà thẻ, vẫy thẻ
Các thẻ tín dụng ghi nợ quốc tế có logo các hãng thẻ như Visa, Master, AMEX… đều đã là thẻ chip, bao gồm 1 băng từ ở mặt sau thẻ, và chip kim loại trước mặt thẻ. Nhưng với thẻ ghi nợ nội địa (vẫn hay gọi là thẻ ATM) thì hầu hết đều là thẻ từ, chỉ có một băng từ phía sau thẻ. Băng từ đó, những người trên 40 tuổi hầu hết đều rất rõ, giống như chiếc băng từ casste của đài 1 - 2 cửa cách đây khoảng 20 năm, dùng để xóa ghi dữ liệu âm thanh. Vì đặc tính như vậy, một chiếc thẻ ghi nợ chỉ có băng từ sẽ có tính bảo mật kém vì rất dễ sao chép. Còn thẻ chip thì được mã hóa với công nghệ hiện đại hơn, chống sao chép tốt hơn.
“Trước kia, thẻ ghi nợ nội địa là thẻ từ, dữ liệu trên thẻ từ được lưu trữ cố định trên dải từ. Khách hàng đưa thẻ vào khe đọc chip, nhập số tiền giao dịch, xác nhận giao dịch bằng mã PIN, đưa thẻ ra khỏi khe đọc chip, lấy hóa đơn sau khi giao dịch hoàn tất. Vì vậy dễ dẫn đến rủi ro đánh cắp thông tin thẻ và gian lận giao dịch”, ông Nguyễn Quang Minh, Phó tổng giám đốc Napas chia sẻ.
Ðể nâng chuẩn thẻ nội địa, tăng tính bảo mật cho hàng trăm triệu thẻ đã phát hành, NHNN đã ban hành Thông tư số 41/2018/TT-NHNN ngày 28/12/2018 quy định về lộ trình chuyển đổi thẻ thanh toán nội địa công nghệ từ sang thẻ tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa.
“Chuyển đổi thẻ thanh toán nội địa từ thẻ từ sang thẻ chip được đánh giá là một trong những giải pháp trọng tâm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của ngành ngân hàng”, ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN nói.
NHNN đã xây dựng lộ trình chuyển đổi thẻ chip từ nay đến hết năm 2021, theo đó, toàn bộ thẻ ghi nợ nội địa sẽ được chuyển đổi/phát hành mới bằng thẻ chip. Và thẻ ghi nợ nội địa vừa chính thức ra mắt dòng thẻ ứng dụng công nghệ được gắn chip, tuân thủ đầy đủ các yếu tố về an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế EMV, giúp giảm thiểu các giao dịch gian lận, giả mạo tại Việt Nam.
Ðặc biệt, thay vì phải cà trực tiếp vào máy POS, công nghệ mới cho phép thanh toán không tiếp xúc (contactless), chủ thẻ chỉ cần đưa thẻ gần máy POS là dữ liệu đã được nhận.
Ông Minh cho biết, thẻ chip là thẻ ghi nợ/tín dụng/trả trước có gắn chip và sử dụng ứng dụng trên chip để thanh toán tại các thiết bị chấp nhận thẻ. Công nghệ thẻ chip được ra đời nhằm nâng cao bảo mật giao dịch thẻ và phòng chống gian lận giao dịch. Với mỗi giao dịch được thực hiện bằng thẻ chip, một chuỗi bảo mật (cryptogram) được sinh ra nhằm xác thực giao dịch hợp lệ. Cryptogram được thay đổi theo mỗi giao dịch và giao dịch chỉ được cấp phép nếu cryptogram hợp lệ. Công nghệ thẻ chip được tuân thủ theo tiêu chuẩn EMV do ba tổ chức EuroPay, MasterCard và Visa phát triển là tiêu chuẩn toàn cầu dành cho các giao dịch thẻ thanh toán dựa trên công nghệ thẻ chip.
“Thẻ không tiếp xúc cho phép chủ thẻ thực hiện: chạm để thanh toán nhanh; đối với các giao dịch có giá trị nhỏ hơn hạn mức xác thực chủ thẻ theo quy định của ngân hàng phát hành, khách hàng không cần nhập mã PIN và ký lên biên lai thanh toán. Nếu khách hàng vẫn cần biên lai, yêu cầu trực tiếp nhân viên thanh toán để in trên thiết bị. Thẻ ghi nợ nội địa chip do các ngân hàng Việt Nam phát hành có logo NAPAS tại mặt trước của thẻ. Trên mặt thẻ có vi mạch chip chứa các thông tin và dữ liệu của chủ thẻ. Ðối với các thẻ có tính năng không tiếp xúc, biểu tượng sóng sẽ xuất hiện bên cạnh vi mạch chip”, ông Minh chia sẻ.
Sử dụng thẻ chip để phòng chống gian lận, rủi ro thẻ
Trao đổi với Ðầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, về cơ bản, chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip đều mang lại những lợi ích cho khách hàng. Ngoài việc khách hàng cũ cần phải tự mình ra điểm giao dịch của ngân hàng để làm thủ tục chuyển đổi, khách hàng hầu như không gặp bất kì trở ngại nào. Khách hàng có thể sử dụng thẻ cũ trong thời gian chờ chuyển đổi. Giá trị tiền có trong thẻ cũ cũng sẽ được chuyển đổi sang thẻ mới. Không những vậy, khi sử dụng thẻ chip, khách hàng có thể phòng chống được các vấn đề liên quan đến gian lận, rủi ro thẻ tốt hơn.
“Như khi đăng ký mở thẻ thông thường, phí mở thẻ hiện đang áp dụng tại TPBank là 55.000 VND/thẻ. Tuy nhiên, TPBank hiện đang xây dựng những chương trình để hỗ trợ cho các khách hàng đăng ký mở thẻ mới và chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip trong giai đoạn đầu triển khai. Chúng tôi sẽ cung cấp một mức phí tốt nhất để khách hàng tới chuyển đổi một cách nhẹ nhàng cũng như được trải nghiệm dịch vụ tốt hơn, an toàn hơn cho sản phẩm thẻ của TPBank”, ông Hưng cam kết.
Theo bà Nguyễn Tú Anh, Chủ tịch HÐQT Napas, trên nền tảng hạ tầng công nghệ thẻ chip nội địa tiếp xúc và không tiếp xúc, Napas cam kết tiếp tục cùng với các ngân hàng nghiên cứu phát triển việc tích hợp, ứng dụng cho các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, bảo hiểm... Ðồng thời với đó là các dịch vụ công, công ích; ứng dụng cùng với hạ tầng số hóa để cung cấp các sản phẩm thanh toán trên nền tảng di động - thanh toán một chạm, cũng như phát triển các tính năng thanh toán mới cho các sản phẩm thẻ nội địa.
“Với khả năng đa ứng dụng trên một thẻ và thông qua việc hợp tác giữa Napas với các tổ chức thẻ quốc tế, việc phát hành ra thị trường thẻ đồng thương hiệu (co-badge) giữa thẻ nội địa và quốc tế cho phép khách hàng sử dụng một tấm thẻ chip đa năng thuận tiện cả trong nước và nước ngoài sẽ trở thành hiện thực”, bà Tú Anh cho biết thêm.
Trước vấn đề nếu khách hàng không đổi thẻ từ sang thẻ chip, Ngân hàng sẽ có giải pháp gì? Ông Hưng cho biết: “Thực hiện theo lộ trình chuyển đổi của NHNN, các ngân hàng cần hoàn tất theo lộ trình. Ðây là quy định bắt buộc của NHNN nên TPBank sẽ có những chương trình truyền thông để khách hàng thấy lợi ích của việc đổi thẻ sang thẻ chip cũng như khách hàng sẽ không có bất kỳ bất tiện nào. Do đó chúng tôi tin rằng, khách hàng của TPBank sẽ không từ chối việc đổi thẻ từ sang thẻ chip”.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh khẳng định: “Có thể nói, cơ hội mở ra cho thị trường thanh toán không dùng tiền mặt Việt Nam khi triển khai thành công chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip là rất lớn.
Cơ hội để thẻ nội địa tham gia hội nhập quốc tế khi đã đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn, bảo mật khắt khe của các tổ chức quốc tế cũng rất lớn. Với hạ tầng thanh toán không tiếp xúc của thẻ chip nội địa, cộng với việc ứng dụng công nghệ để số hoá thông tin thẻ lên thiết bị di động, tương lai thị trường sẽ đón nhận trào lưu thanh toán “chạm” ngày càng phổ biến. Tôi hy vọng sớm được chứng kiến những bước chuyển mình mạnh mẽ của thị trường thẻ Việt Nam trong thời gian tới”.