Tại Hội thảo “Đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng” do NHNN tổ chức sáng nay 24/8 tại Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, trước khi chưa thanh toán tiền điện qua ngân hàng, Tập đoàn rất vất vả trong việc thu tiền điện trong khi năng suất lao động bị hạn chế.
“Thường sẽ phải thu tiền điện ngoài giờ hành chính, từ chiều đến tối vì lúc đó mới có chủ nhà ở nhà nhưng điều này cũng tiềm ần rất nhiều rủi ro như nhân viên thu tiền điện bị cướp tiền”, ông Dũng nói.
Từ năm 2015, Tập đoàn đã triển khai đẩy mạnh việc thu tiền điện qua ngân hàng và các tổ chức trung gian nhằm nâng cao năng suất lao động. Đến năm 2017, không còn thu ngân viên của Điện lực đến nhà khách hàng thu tiền (trừ trường hợp khách hàng neo đơn, khu vực do dịch vụ bán lẻ điện năng thu tiền điện) do Tập đoàn đã hợp tác với 27 ngân hàng và 10 tổ chức trung gian.
Theo đó, tỷ lệ hóa đơn và doanh thu tiền điện qua ngân hàng/tổ chức trung gian tăng mạnh qua các năm. Cụ thể, năm 2015 có 14,88% khách hàng, đến năm 2016 đã tăng lên đạt 31,35% và đến năm 2017 đạt 44,95%. Tỷ lệ thu tiền điện luôn đạt trên 99,7%.
Giai đoạn 2015-2017, tỷ lệ doanh thu tiền điện qua ngân hàng/tổ chức trung gian tăng mạnh từ 64,35% năm 2015 lên 83,57% năm 2017. Và song song với đó, tỷ lệ thu tại quầy điện lực và thu qua các tổ dịch vụ bán lẻ điện năng giảm mạnh.
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực VN trình bày tại Hội thảo
Mặc dù có những hạn chế do đặc thù lĩnh vực nhưng ông Phạm Thanh Du, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính kế toán Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng chia sẻ những con số có ý nghĩa.
Đến hết tháng 7/2018, cơ quan Bưu điện đã thực hiện chi trả bằng tiền mặt cho khoảng 2,6 triệu người, chiếm 87% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng với số tiền 9,5 tỷ đồng; cơ quan Bưu điện đã thực hiện chi trả qua tài khoản cá nhân cho khảng 468 nghìn người (chiếm khoảng 13% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng) với số tiền khoảng 2.373 tỷ đồng.
Để có được những con số trên, rõ ràng đóng góp của các ngân hàng không nhỏ.
Bà Trần Thị Hồng Anh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sản phẩm và Marketing VietinBank cho biết, những năm qua, VietinBank là ngân hàng tiên phong trong việc triển khai dịch vụ thanh toán với các công ty cung cấp dịch vụ công như điện, nước, viễn thông, truyền hình… các đơn vị hành chính công, hành chính sự phiệp, khách hàng doanh nghiệp đặc thù…
Từ năm 2015 đến năm 2017, hoạt động thanh toán dành cho khách hàng doanh nghiệp của VietinBank đã đạt mức tăng trưởng đáng kể với doanh số thanh toán tăng trên 70%, doanh số giao dịch qua eBank tăng trên 40%.
Cũng theo bà Anh, đối với dịch vụ thanh toán hóa đơn, VietinBank đã kết nối với 5 tổng công ty điện lực, triển khai với gần 500 công ty điện lực địa phương, kết nối thanh toán với nhiều nhà mạng lớn, triển khai thu hộ tiền nước với 30 công ty nước tại các địa phương. Người dân, tổ chức có thể thanh toán hóa đơn qua đa dạng các kênh thanh toán như: điểm giao dịch của VieinBank, đăng ký trích nợ tự động, internet banking…
“Theo đó, thói quen thanh toán hóa đơn của người dân qua ngân hàng được cải thiện đáng kể, thể hiện qua số lượng và doanh số giao dịch thanh toán hóa đơn qua ngân hàng tăng trưởng mạnh hàng năm, năm sau tăng hơn 50% so với năm trước”, bà Anh nói.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh nhận định, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ số đang ngày càng được chú trọng. Bên cạnh việc hoàn thiện những sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện có, hầu hết các ngân hàng thương mại đều đã và đang nghiên cứu để triển khai thêm các dịch vụ thanh toán mới, hiện đại dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông.
"Đồng thời, bảo đảm an toàn, tiện lợi, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán của khách hàng, hướng tới việc cung cấp dịch vụ tài chính với chi phí rẻ và thân thiện, tạo điều kiện cho người thu nhập thấp và khách hàng ở khu vực vùng sâu, vùng xa cũng có thể tiếp cận sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng nói chung và dịch vụ thanh toán nói riêng", Phó Thống đốc nói.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nói: "Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công - dấu mốc quan trọng để xóa bỏ thói quen dùng tiền mặt hàng ngày trong lưu thông của xã hội".