Hoàn thiện cơ chế, chính sách thanh toán số
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ, Đảng và Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách, chủ trương nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, thành tựu của cách mạng 4.0 trong quá trình chuyển đổi số, hướng tới nền kinh tế số.
Thực hiện chỉ đạo và định hướng của Chính phủ, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động, tích cực ban hành các chính sách để tạo điều kiện, hỗ trợ các ngân hàng trong quá trình chuyển đổi số, phát triển thanh toán số, ngân hàng số. Trong năm 2020, hành lang pháp lý, cơ chế chính sách về lĩnh vực thanh toán và ngân hàng số tiếp tục được hoàn thiện:
(i) Ban hành các kế hoạch, chương trình hành động của ngành ngân hàng nhằm triển khai các chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ về chủ động nắm bắt cơ hội cách mạng 4.0 mang lại, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành ngân hàng.
95% tổ chức tin dụng cho biết đã, đang hoặc sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số/tích hợp công tác chuyển đổi số vào chiến lược phát triển kinh doanh của mình.
(ii) Tổng kết các Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt và tiếp tục nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt; trong đó, nội dung chính sách hướng đến việc bổ sung, làm rõ về tiền điện tử, các loại hình phương tiện, dịch vụ thanh toán mới, về quản lý, cấp phép hoạt động thanh toán quốc tế, về hoạt động đại lý thanh toán, về điều kiện cấp phép, quản lý hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán... Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang hoàn thiện dự thảo Nghị định trình Chính phủ.
(iii) Nghiên cứu, xây dựng, ban hành văn bản pháp lý và các chính sách phát triển thanh toán số và tạo điều kiện hỗ trợ hoạt đông ngân hàng số: chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money); ban hành Thông tư số 16/2020/TT-NHNN ngày 4/12/2020 cho phép mở tài khoản thanh toán thông qua định danh khách hàng bằng phương thức điện tử (e-KYC); hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định về cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát cho hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng (Regulatory Sandbox) trình Chính phủ.
Hạ tầng thanh toán được nâng cao
Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là thanh toán điện tử, tiếp tục được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán ngày càng tăng của xã hội và thích ứng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Tiếp tục nâng cấp hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng theo hướng tập trung, hiện đại, đóng vai trò là hệ thống thanh toán xương sống quốc gia, kết nối với các hệ thống khác trong nền kinh tế.
Năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chuyển đổi mô hình hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng thành một trung tâm xử lý quốc gia duy nhất, xóa bỏ các trung tâm xử lý khu vực; chính thức áp dụng chuẩn tin điện IBPS phiên bản 2.5 hỗ trợ việc gửi kèm thông tin thu ngân sách nhà nước trên hệ thống.
Hệ thống được tích hợp thêm nhiều cấu phần dịch vụ mới như thanh toán ngoại tệ, quyết toán theo lô. Trong năm 2020, hệ thống đã xử lý khoảng 146,6 triệu giao dịch, với giá trị khoảng 104,6 triệu tỷ đồng.
Chỉ đạo việc xây dựng và chính thức vận hành Hệ thống thanh toán bù trừ tự động các giao dịch bán lẻ (ACH) (từ tháng 7/2020) với khả năng thanh toán thời gian thực, hoạt động liên tục 24/7, xử lý giao dịch đa kênh.
Tiêu chuẩn kỹ thuật được triển khai xuyên suốt trong toàn bộ hạ tầng ACH dựa trên tiêu chuẩn ISO 20022 với khả năng mở rộng nhanh và dễ dàng tích hợp giữa các hệ thống. Trong năm 2020, Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử đã xử lý khoảng 1.256 triệu giao dịch, giá trị khoảng 10,7 triệu tỷ đồng (tăng 82,6% về số lượng và 124,2% về giá trị so với năm 2019).
Hệ thống ATM, POS tiếp tục hoạt động ổn định, được các ngân hàng quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ. Tính đến cuối năm 2020, trên toàn quốc có 19.636 máy ATM và 276.273 máy POS, cùng các thiết bị cho phép người dùng thanh toán khác như điện thoại di động, mã QR.
Tính đến cuối năm 2020, trên toàn quốc có 19.636 máy ATM. |
Đa dạng hóa dịch vụ, phương tiện thanh toán
Trong thời gian qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và viễn thông, các phương tiện và dịch vụ thanh toán ngày càng phát triển, đa dạng hóa và dần đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thúc đẩy thanh toán điện tử, đáp ứng nhu cầu thanh toán đa dạng của người dân.
Việc mở và sử dụng tài khoản của cá nhân tiếp tục tăng lên, đến cuối năm 2020 đạt khoảng 100,4 triệu tài khoản cá nhân (tăng 13,5% so với cuối năm 2019). Phát triển dịch vụ tài khoản cá nhân góp phần thu hút vốn nhàn rỗi từ mọi tầng lớp dân cư và tạo điều kiện mở rộng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép cho 42 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, đã có 75 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 45 tổ chức thực hiện qua điện thoại di động.
Trong năm 2020, số lượng giao dịch qua kênh Internet là hơn 475,3 triệu giao dịch, giá trị khoảng 27,7 triệu tỷ đồng (tăng 13,3% về số lượng và 24,8% về giá trị so với năm 2019); số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt hơn 1.182 triệu giao dịch, giá trị khoảng 12,6 triệu tỷ đồng (tăng 114% về số lượng và 118,1% về giá trị so với năm 2019).
Dịch vụ thanh toán thẻ tiếp tục được các ngân hàng quan tâm phát triển. Đến cuối năm 2020, số lượng thẻ lưu hành đạt 111,8 triệu thẻ (tăng 12,2% so với cuối năm 2019).
Các ngân hàng thương mại đã tích hợp thêm nhiều tính năng vào thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán hàng hóa, dịch vụ; đồng thời, chất lượng dịch vụ thẻ cũng như độ an toàn trong thanh toán thẻ được các ngân hàng chú trọng và nâng cao.
Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng và tổ chức triển khai hiệu quả Kế hoạch phát triển thanh toán thẻ ngân hàng qua thiết bị chấp nhận thẻ; trong năm 2020, số lượng giao dịch qua POS đạt trên 362,2 triệu giao dịch, tăng 16,7% so với năm 2019.
Bên cạnh thẻ, giải pháp thanh toán qua mã phản hồi nhanh (QR Code) được các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán quan tâm đẩy mạnh như một lựa chọn thanh toán linh hoạt, triển khai nhanh, chi phí hợp lý để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt với nhóm khách hàng là các đơn vị bán hàng nhỏ lẻ. Đến cuối năm 2020 đã có khoảng 20 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán QR Code (tăng 82,4% về số lượng giao dịch).
Thanh toán điện tử khu vực công cải thiện rõ nét
Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã được kết nối với toàn bộ 63 kho bạc nhà nước cấp tỉnh trên cả nước, đáp ứng được nhu cầu thu, chi ngân sách của người dân và doanh nghiệp một cách nhanh chóng, kịp thời; khoảng 50 ngân hàng thương mại đã hoàn thành kết nối với hệ thống nộp thuế điện tử của Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế trên 63 tỉnh/thành phố và tất cả các quận, huyện trên cả nước, với 95% số thu hải quan được thực hiện qua ngân hàng; 27 ngân hàng và 10 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp thu tiền điện, doanh thu tiền điện của EVN thanh toán, thu qua ngân hàng, trung gian thanh toán lên tới gần 90%.
Trong năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tích cực đầu tư ứng dụng công nghệ, nghiên cứu các giải pháp về mô hình kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống một cửa điện tử của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan.
Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng, công ty cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thời gian qua đã xây dựng hạ tầng công nghệ kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia, cung cấp các giải pháp thanh toán gia tăng tiện ích và sự hài lòng của khách hàng trong thanh toán dịch vụ công.
Qua trao đổi, phối hợp công tác, đến nay đã có nhiều ngân hàng và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hoàn thành tích hợp với hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng dịch vụ công quốc gia. Trong đó, ngày 14/9/2020, Napas đã hoàn thành việc kết nối tới Cổng và cho phép thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế và các nghĩa vụ tài chính khác trong giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân thông qua Cổng bằng nhiều hình thức thanh toán khác nhau (thẻ ngân hàng, tài khoản thanh toán...).
Vững bước trong năm 2021
Các công nghệ mới của cuộc cách mạng 4.0 nhanh chóng thay đổi hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.
Chuyển đổi số đã thực sự trở thành một cuộc cách mạng trong lĩnh vực ngân hàng, đòi hỏi các tổ chức tín dụng đều phải tích cực thay đổi để bắt kịp những xu hướng, bước phát triển của thị trường, đối thủ cạnh tranh mới/cũ và các khách hàng hiện hữu/tiềm năng.
Công nghệ, mô hình kinh doanh mới đã thay đổi cách thức khách hàng tiếp cận, sử dụng dịch vụ và tương tác với ngân hàng với các dịch vụ được cung cấp trực tiếp, từ xa, cá nhân hóa... dần trở thành yêu cầu bắt buộc.
Kết quả khảo sát thực trạng chuyển đổi số ngành ngân hàng tháng 9/2020 cho thấy, hầu hết tổ chức tin dụng đã nhận thức được việc chuyển đổi số các hoạt động ngân hàng không còn là lựa chọn, mà trở thành xu thế tất yếu, quyết định vị thế cạnh tranh và sự phát triển bền vững trong tương lai.
Cụ thể, có 95% tổ chức tín dụng cho biết đã, đang hoặc sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số/tích hợp công tác chuyển đổi số vào chiến lược phát triển kinh doanh của mình; một số hoạt động nghiệp vụ đã đạt mức độ số hóa xấp xỉ 100% (ví điện tử, thẻ ngân hàng, nhận tiền gửi tiết kiệm, cho vay cá nhân, quản trị nhân sự, ngoại hối, kế toán - tài chính); các công nghệ phổ biến trên thế giới như công nghệ chuỗi khối (Blockchain), trí tuệ nhân tạo/học máy (AI/ML), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud Computing), tự động hóa quy trình bằng rô-bốt (RPA) đều đã nhận được sự quan tâm, ứng dụng của các tổ chức tín dụng vào hoạt động nghiệp vụ và triển khai trên kênh giao tiếp khách hàng.
Vấn đề an ninh thông tin phục vụ cho các mục tiêu số hóa cũng được quan tâm, khoảng 65% tổ chức tín dụng cho biết đã có mức độ sẵn sàng cao đối với khả năng phòng chống tấn công mạng phạm vi lớn, tăng cường mức độ bảo mật các thiết bị kết nối với ngân hàng, năng lực giám sát và phản ứng nhanh cho các sự kiện an ninh mạng cũng như công tác phòng chống thất thoát, lộ, lọt dữ liệu…