Sức mạnh hội nhập
Khi mới thành lập, HDBank có tên là Ngân hàng TMCP Phát triển nhà TP. HCM. Chính vì cái tên này nên khi bà Thảo đầu tư, không ít ý kiến cho rằng chắc bà Thảo có nhiều bất động sản nên đầu tư vào ngân hàng cho vay nhiều trong lĩnh vực này.
Thực tế không phải như vậy. HDBank năm 2010 được đổi tên thành Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM và hoạt động chuẩn mực theo mô hình một ngân hàng thương mại. Nhìn vào hoạt động của HDBank, không thấy có bóng dáng “sân sau”, mà ví dụ rõ nét nhất là khi VietJet Air vay tiền mua máy bay thì tại những lễ ký hợp đồng tín dụng là các cái tên như Vietcombank, TPBank…, chứ không phải là HDBank.
“Làm ngân hàng rất khó”, bà Thảo nói khi mới nhận chức Phó chủ tịch Hội đồng quản trị HDBank. Cảm nhận này chắc không phải vì khiêm tốn, bởi trong vài năm gần đây, đa số các “đại án” đều có tên ngân hàng. Cách bà Thảo quan niệm về kinh doanh tiền tệ đó là kinh doanh dịch vụ tài chính, làm sao để các doanh nghiệp, người dân cảm thấy đồng tiền mình được ngân hàng sử dụng cẩn trọng nhất, giảm thiểu chi phí, tối đa hóa lợi ích, bởi “trong cuộc sống, ai cũng phải tiêu tiền”. Mà đã là dịch vụ thì phải đúng nghĩa của dịch vụ.
Từ 2011, sau khi được Sovico đổ vốn đầu tư, HDBank mang một hình ảnh khác. Những cái mà khách hàng khó nhìn thấy được là chiến lược, hệ thống quản trị, hệ thống công nghệ thông tin… đã thay đổi hoàn toàn theo hướng tiệm cận các chuẩn mực quốc tế. Còn những cái mà khách hàng dễ nhìn thấy được cũng thay đổi khác hẳn, không chỉ với trước đây, mà với cả các ngân hàng khác. Không phải vì lãnh đạo ngân hàng là nữ, mà HDBank được “xếp đặt chỉn chu” từ biển hiệu, điểm giao dịch đến con người.
“Hãy tham lam khi mọi người sợ hãi”, câu nói của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffet rất đúng trong trường hợp của HDBank. Không chỉ “tránh xa” khủng hoảng, HDBank còn trở thành ngân hàng tận dụng khủng hoảng một cách hiệu quả. Tháng 11/2013, HDBank tuyên bố sáp nhập DaiABank, xử lý các vấn đề hậu sáp nhập nhanh chóng và qua đó nâng quy mô tổng tài sản gấp đôi (70.000 tỷ đồng), đặc biệt mở rộng điểm giao dịch tới 220 điểm. Đây là quy mô mà phải vài năm một ngân hàng nếu tự đầu tư mới có thể làm được.
Chưa dừng lại tại đó, HDBank còn mua lại một công ty ngoại là Tài chính Việt Pháp (SGVF) để bước chân vào thị trường tài chính tiêu dùng ở thời điểm khái niệm này còn khá xa lạ. Từ nền móng này, giờ đây HDSaison là một trong ba công ty tài chính tiêu dùng lớn nhất Việt Nam.
Gần 10 năm qua, HDBank dần định hình một con đường phát triển chuyên nghiệp, lành mạnh. Người tạo dấu ấn cho HDBank đầu tiên phải kể đến là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch thường trực của Ngân hàng. Bà Thảo từng có tài sản triệu USD khi chỉ 21 tuổi nhờ bán máy fax và nhựa cao su khi còn ở nước ngoài. Sau khi về nước, bà góp vốn vào Techcombank và VIB, rồi đầu tư vào HDBank.
Một nhân vật khác không thể không nhắc đến là bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch của HDBank. Bà Tâm từng là thứ trưởng Bộ Tài chính, cũng từng là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) rồi về làm Chủ tịch HDBank từ năm 2010. Cũng như vị Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Phương Thảo, bà Lê Thị Băng Tâm còn đảm nhiệm vị trí ở doanh nghiệp khác đó là Vinamilk - Công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Hai người phụ nữa ở hai lĩnh vực kinh doanh hoàn toàn khác nhau tại hai doanh nghiệp có giá trị thuộc loại nhất của Việt Nam là sữa và hàng không, những tưởng rằng vai trò ở ngân hàng của các doanh nhân này sẽ lu mờ, nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Họ, như hai cánh tay của một cơ thể, đã đưa HDBank từ một thương hiệu ít ai biết đến trở thành ngân hàng đầu tiên thực hiện thương vụ M&A tự nguyện trong lĩnh vực ngân hàng là DaiABank vào năm 2013.
Sau khi sáp nhập DaiABank, HDBank có sự ổn định nhanh, phát triển theo cấp số nhân. Các khác biệt về văn hóa được xóa nhòa, nhân viên hai ngân hàng trở thành một tập thể vững mạnh, đoàn kết, trong khi nhiều trường hợp sáp nhập khác đến nay vẫn chật vật để hòa hợp.
Hai vị nữ tướng đã đưa HDBank từ Ngân hàng Phát triển Nhà TP. HCM hoạt động trong phạm vi hẹp của khu vực TP.HCM, nay bứt phá khỏi lĩnh vực “nhà” để xây dựng nên một ngân hàng phát triển ở tất cả các lĩnh vực. Với sức mạnh hội nhập từ DaiABank và HD SaisonFinance, HDBank đã lọt vào Top 8 ngân hàng lớn nhất tại Việt Nam, theo đánh giá của Tạp chí The Asian Banker.
Thành quả của một niềm đam mê…
Với vốn điều lệ trên 9.800 tỷ đồng và giá tham chiếu ngày giao dịch đầu tiên là 33.000 đồng/cổ phiếu, HDBank lên sàn (ngày 5/1/2018) có vốn hóa 32.373 tỷ đồng (1,43 tỷ USD) và nằm trong nhóm 20 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE). Gia nhập nhóm các ngân hàng niêm yết trên HOSE, HDBank giúp nhóm cổ phiếu “vua” chiếm tổng cộng 21% vốn hóa toàn thị trường chứng khoán.
Cổ phiếu ngân hàng đang thu hút được dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài với một số đợt chào bán trị giá hàng trăm triệu USD. Trước khi niêm yết trên HOSE, các đối tác nước ngoài là các nhà đầu tư tài chính quốc tế đã chi khoảng 300 triệu USD để sở hữu 21,5% vốn của HDBank. Room ngoại còn lại (khoảng 8,5%) của cổ phiếu HDBank khi niêm yết là điểm hấp dẫn trong bối cảnh nhiều ngân hàng trên sàn hiện không còn room ngoại.
Lên sàn những ngày đầu năm 2018, HDBank đã “mở hàng may mắn” cho khối doanh nghiệp vốn hóa lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Việc lựa chọn niêm yết trên HOSE, HDBank góp phần nâng cao mức vốn hoá tính thanh khoản của thị trường và mang đến cơ hội tiềm năng cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều đáng nói là chỉ gần sau 1 tháng lên sàn, cổ phiếu HDBank tăng vọt gần 40% và sắp đuổi kịp VPBank.
Vốn hóa của HDBank hiện đã lên trên 46.000 tỷ đồng, tăng thêm 14.000 tỷ đồng so với ngày đầu niêm yết. Điểm thuận lợi cho các cổ phiếu mới là thị trường chứng khoán đầu năm 2018 tiếp tục hưng phấn. Chỉ số VN-Index vượt qua mốc 1.000 điểm, là vùng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Đóng góp vào đà tăng đó không thể không nhắc tới nhóm cổ phiếu ngân hàng với những cú bứt phá ngoạn mục của các điển hình tỏa sáng như VCB, VPB, HDB, SHB.
Điểm chung dễ nhận thấy của nhóm cổ phiếu tăng giá mạnh thời gian qua là hàng loạt tin tốt về tình hình kinh doanh cùng triển vọng lạc quan. Trong đó, HDBank đạt được lợi nhuận trên 2.400 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo còn cho biết, Ngân hàng chuẩn bị nền tảng cho kế hoạch 2017 - 2021 với tốc độ tăng trưởng bình quân 25% mỗi năm, tăng trưởng lợi nhuận 37%/năm, phục vụ 15 triệu khách hàng vào năm 2021. Trong 10 năm qua, tổng tài sản của HDBank tăng 18 lần và tin tưởng sẽ nâng tổng tài sản hơn 2 lần vào năm 2021.
Báo cáo cập nhật đầu tháng 10/2017 của Forbes, tài sản bà Thảo đã tăng thêm gần 600 triệu USD so với con số hồi đầu năm (tháng 3/2017), từ mức 1,21 tỷ USD lên 1,81 tỷ USD. Lý lịch tài sản của bà Thảo được Forbes tóm tắt đơn giản là: “… Hiện đang điều hành hãng hàng không VietJet Air, bà Thảo cũng có khoản đầu tư tại HDBank và một số bất động sản, bao gồm 3 khu resort biển”.
Khi HDBank lên sàn, tài sản của nữ tỷ phú đô-la đầu tiên của Việt Nam ghi nhận là 26.500 tỷ đồng. Sau 1 tháng niêm yết, giá cổ phiếu HDB đã có mức tăng trưởng ngoạn mục, tài sản của nữ tỷ phú tự thân Nguyễn Thị Phương Thảo cũng không dừng lại ở con số nói trên.
Tuy nhiên, bà Thảo rất ít quan tâm tới danh vị tỷ phú, bởi bà tâm niệm rằng: “Nếu mình làm tốt điều đó sẽ tới, đây chỉ là thành quả của một niềm đam mê”.
HDBank vừa vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì do Chủ tịch nước trao tặng và Cờ Thi đua của Chính phủ. Tính đến hết năm 2017, HDBank có tổng tài sản hợp nhất trên 191.000 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu trên 15.000 tỷ đồng; tổng huy động vốn 168.800 tỷ đồng; tổng dư nợ 111.900 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ 1,1%, hợp nhất cùng công ty tài chính tiêu dùng HD Saison là 1,5%; hệ số an toàn vốn bình quân 14%; lợi nhuận trước thuế 2.420 tỷ đồng; đội ngũ nhân viên hơn 13.000 người; mạng lưới hoạt động với hơn 240 điểm giao dịch, hơn 10.000 điểm giao dịch tài chính trên khắp cả nước và 4,8 triệu khách hàng.