Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND Thành phố về trình báo cáo các nội dung chính của đồ án Quy hoạch chung TP. Thủ Đức thuộc TP.HCM đến năm 2040.
Sở Quy hoạch Kiến trúc cho biết, sau khi xem xét, rà soát các nội dung chuyên môn và tổng hợp ý kiến góp ý của các đơn vị, Sở Quy hoạch Kiến trúc nhận thấy hồ sơ đồ án Quy hoạch chung TP. Thủ Đức đã cơ bản đáp ứng bước đầu các tiêu chuẩn kỹ thuật để trình xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM góp ý chỉ đạo, thông qua các chỉ tiêu cơ bản về quy hoạch phát triển đô thị của TP. Thủ Đức.
Đô thị đa tâm
Theo dự thảo đồ án, phạm vi lập quy hoạch là toàn bộ khu vực thuộc địa giới hành chính của TP. Thủ Đức, với tổng diện tích tự nhiên khoảng 21.156,9ha, với quy mô dân số dự báo đạt 2,2 triệu người vào năm 2040.
TP. Thủ Đức sẽ được tổ chức là một đô thị đa tâm, với một trung tâm chính (cấp TP.HCM) là khu Thủ Thiêm – Thảo Điền – An Phú và hai trung tâm cấp TP. Thủ Đức tại khu vực Trường Thọ và khu vực Long Phước và các trung tâm khu vực khác.
Quy hoạch các khu trung tâm đô thị lấy không gian cảnh quan mặt nước làm trung tâm để phát huy các giá trị đặc sắc của thành phố và tạo bản sắc đô thị.
Thủ Đức được nhận diện phân vùng định hướng phát triển theo 8 phân vùng với những yếu tố đặc trưng để bảo vệ bản sắc, đặc trưng riêng, phát huy tiềm năng và giá trị cũng như giải quyết các thách thức của mỗi phân vùng.
Cụ thể phân vùng số 1: khu đô thị trung tâm của TP. Thủ Đức và TP.HCM, bao gồm bán đảo Thủ Thiêm, Thảo Điền, An Phú. Phân vùng số 2: khu đô thị cửa ngõ về phía Tây Bắc của thành phố Thủ Đức, bao gồm khu vực Hiệp Bình; Phân vùng số 3: khu đô thị ven sông phía Tây Nam của thành phố, bao gồm khu Thạnh Mỹ Lợi và Cát Lái. Phân vùng số 4: khu vực Trường Thọ - Rạch Chiếc.
Phân vùng số 5: khu vực Linh Trung và khu vực trung tâm của quận Thủ Đức cũ. Phân vùng số 6: khu vực Trường Phú với hạt nhân là Khu Công nghệ cao TP.HCM. Phân vùng số 7: khu vực Long Phước – Tam Đa. Phân vùng số 8: khu vực Long Bình và khu Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc.
Dự thảo cũng đưa ra 10 trọng điểm phát triển nhằm kích thích kinh tế, sáng tạo, đổi mới gồm: trung tâm đô thị tài chính Thủ Thiêm, đô thị Cảng và thương mại dịch vụ Cát Lái – Trương Văn Bang, khu dịch vụ TDTT Rạch Chiếc, khu dịch vụ đô thị mới Trường Thọ, khu công viên và đô thị Tam Bình, khu sản xuất kinh doanh, đào tạo và nhà ở xã hội Linh Trung; khu sản xuất công nghệ cao-kinh doanh và đào tạo TP.HCM; khu vực đô thị Long Bình và Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc; khu đô thị công nghệ cao số 2; khu trung tâm đô thị dịch vụ và sinh thái Long Phước – Tam Đa.
Kiến nghị về ga Bình Triệu
Dự thảo đồ án cũng đưa ra định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật, trong đó có định hướng phát triển hạ hệ thống giao thông.
Về giao thông đối ngoại, đường bộ tiếp tục nâng cấp, phát triển hệ thống giao thông liên vùng, đường cao tốc và quốc lộ khu vực TP. Thủ Đức theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa liên vùng.
Đồng thời cần bổ sung các điểm kết nối với các khu vực đô thị và các khu chức năng hai bên đường để hỗ trợ kết nối giao thông đô thị và hạn chế tác động tiêu cực (chia cắt) đến đô thị.
Nâng cấp cải tạo hệ thống đường sắt liên vùng gồm các tuyến đường sắt hành khách và hàng hóa theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đặc biệt, dự thảo kiến nghị các quy hoạch cấp trên hoặc quy hoạch ngành quốc gia nghiên cứu lại về tính khả thi và hợp lý của việc quy hoạch ga Bình Triệu là ga đầu mối hành khách khu phía Đông, do khu vực này hiện nay có hơn 12.000 người dân đang sinh sống.
Về giao thông đô thị, cần nghiên cứu sử dụng các quỹ đất còn lại trong phạm vi lộ giới các tuyến đang quản lý, sau khi đảm bảo chức năng giao thông, kết hợp với các quỹ đất có tiềm năng khác ở hai bên đường, để tạo vốn xây dựng hạ tầng đô thị và tái định cư tại chỗ.
Bao gồm: Đường Vành đai 2; Xa lộ Hà Nội; Đường nối đường vành đai 3 với Quốc lộ 1; Đường Mai Chí Thọ; Đường Phạm Văn Đồng…
Ngoài ra, cần phát triển mạng lưới tuyến giao thông công cộng khối lượng lớn, trục chính tích hợp với các phương thức giao thông công cộng khác như xe buýt, buýt sông, xe đạp công cộng… góp phần đáp ứng 40-50% nhu cầu đi lại năm 2040, 50-60% nhu cầu đi lại năm 2060; quy hoạch các điểm trung chuyển chính trong mạng lưới nằm tại nhà ga hành khách đường sắt quốc gia, kết nối mạng lưới đường sắt liên vùng và tại các vị trí trung tâm các trọng điểm phát triển…
Dự thảo cũng đề xuất tiếp tục nghiên cứu đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù, hấp dẫn để huy động đa dạng nguồn lực trong nước và quốc tế tham gia xây dựng phát triển đô thị sáng tạo, tương tác cao.