Thành phố Thủ Đức: Đi đầu để... về đâu? - Bài 4: Tận dụng thời cơ vàng

0:00 / 0:00
0:00
Ngày 1/8/2023 - thời điểm Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM có hiệu lực được coi là “thời điểm vàng” để TP. Thủ Đức phát triển. Nhưng để hiện thực hóa, TP. Thủ Đức và TP.HCM cần phải làm những gì?
Thành phố Thủ Đức: Đi đầu để... về đâu? - Bài 4: Tận dụng thời cơ vàng

Bài 4: Tận dụng thời cơ vàng

Ngày 1/8/2023 - thời điểm Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM có hiệu lực được coi là “thời điểm vàng” để TP. Thủ Đức phát triển đúng định hướng là “cực tăng trưởng mới” của TP.HCM, là “hạt nhân” liên kết, thúc đẩy kinh tế Thành phố và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nhưng để hiện thực hóa, TP. Thủ Đức và TP.HCM cần phải làm những gì?

Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức.

Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức.

Giúp bộ máy chính quyền vận hành trơn tru

Thời gian qua, TP. Thủ Đức hoạt động như cơ quan hành chính cấp huyện, với khối lượng công việc lớn, nên có nhiều việc, có những nội dung chậm, không đạt yêu cầu về thời gian của tổ chức và cá nhân khi liên hệ làm thủ tục hành chính.

Với Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14, việc giao thẩm quyền cho HĐND TP.HCM xác định các cơ quan chuyên môn thuộc TP. Thủ Đức, các chức năng nhiệm vụ là phù hợp với điều kiện mới, tạo điều kiện cho TP. Thủ Đức có bộ máy phù hợp với một chính quyền đô thị quy mô 1,2 triệu dân hiện tại và hướng đến 3 triệu dân vào năm 2040. Bộ máy tốt sẽ giải quyết tốt hơn thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy nhanh việc xử lý thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng…

Nghị quyết mới cũng cho phép UBND TP. Thủ Đức được quyết định phê duyệt dự án, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và ký kết các hợp đồng đối với các dự án nhóm B, nhóm C đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Như vậy, trừ những dự án hạ tầng giao thông rất lớn (nhóm A), TP. Thủ Đức được chủ động kêu gọi đầu tư vào các hạng mục khác như hạ tầng xã hội, hệ thống thiết chế văn hóa, thể dục - thể thao… Điều này đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tăng tốc độ tăng trưởng cho TP. Thủ Đức.

Đặc biệt, Nghị quyết cho phép TP.HCM áp dụng một số cơ chế, chính sách mới như mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD); BOT đối với các dự án đầu tư công trình nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu; thực hiện lại hình thức hợp đồng BT… Như vậy, TP. Thủ Đức được hưởng lợi rất nhiều từ các cơ chế mới để kêu gọi đầu tư, trước tiên là phát triển đô thị dọc theo Metro số 1, tuyến Vành đai 3 theo mô hình TOD; áp dụng hình thức BOT để nâng cấp Quốc lộ 13.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM.

Tạo động lực phát triển vượt trội cho TP.HCM.

Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 có nội dung rất toàn diện, bao gồm các lĩnh vực đầu tư, tài chính, ngân sách, quản lý đất đai, quy hoạch và tổ chức bộ máy TP. Thủ Đức với đặc thù “thành phố trong thành phố”. Nghị quyết tạo động lực phát triển vượt trội cho TP.HCM những năm sắp tới và tiếp tục là đầu tàu kinh tế của cả nước.

Riêng với TP. Thủ Đức, nơi đây còn một số quỹ đất đặc thù có thể tận dụng làm nguồn lực để phát triển đô thị, tăng thu ngân sách. Trong đó, 4 khu chế xuất (Linh Trung 1, Linh Trung 2, Linh Trung 3 và Linh Xuân) đã gần hết thời hạn cho thuê đất, cần được quy hoạch lại để sử dụng hiệu quả tối đa. Khu công nghiệp Cát Lái đã chuyển đổi một phần, diện tích còn lại không còn phù hợp quy hoạch, thì nên chuyển sang đất thương mại, dịch vụ, hạ tầng phục vụ logistics hoặc công nghiệp sạch. Những khu đất này có thể quy hoạch thành các khu đô thị.

Ông Nguyễn Đỗ Dũng, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn quốc tế enCity (Singapore).

Ông Nguyễn Đỗ Dũng, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn quốc tế enCity (Singapore).

Muốn làm đô thị sáng tạo, phải có hệ thống pháp lý sáng tạo.

Một trong những điểm đột phá cho TP. Thủ Đức là khi quy hoạch các dự án đầu tư công, phải luôn kết hợp với đầu tư tư nhân để có thể tạo ra nguồn lực phát triển Thành phố. Cần có những giải pháp căn cơ để giúp đồ án có thể trở thành hiện thực, chứ không phải là một bản vẽ đẹp chỉ treo trên tường.

TP. Thủ Đức sở hữu rất nhiều tiềm năng, vấn đề lớn nhất là làm thế nào mở ra các cơ hội, đó chính là câu chuyện về thể chế. TP. Thủ Đức phải chủ động hơn, có quyền ra các quyết định và có thể biến tiềm năng đó thành hiện thực. Đặc biệt, trong vấn đề quy hoạch, cấp phép, thu hút đầu tư, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, cần có hệ thống pháp lý rất linh hoạt. Muốn làm một đô thị sáng tạo, phải có một hệ thống pháp lý sáng tạo. Đây là một điểm rất quan trọng.

PGS-TS. Vũ Tuấn Hưng, Phó viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ.

PGS-TS. Vũ Tuấn Hưng, Phó viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ.

Cơ chế chính sách phải đồng bộ.

Các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho TP.HCM nói chung và TP. Thủ Đức nói riêng đã cụ thể, rõ ràng hơn so với trước. Trong đó, các cơ chế mới, việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn sẽ kích hoạt các điều kiện để TP. Thủ Đức phát triển đột phá như kỳ vọng.

Tuy nhiên, các cơ chế chính sách đặc thù mới chỉ là các vấn đề then chốt, mang tính chất khởi đầu. Để TP. Thủ Đức phát triển đột phá, trở thành một cực tăng trưởng của TP.HCM, cần có nhiều cơ chế chính sách đồng bộ, đồng thời phải có quá trình triển khai từng bước.

TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia.

TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia.

Chưa bao giờ TP.HCM có được điều kiện tốt như hiện nay.

Quá trình chuẩn bị để hiện thực hóa ngay các cơ chế trong Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 mà TP.HCM đang làm là khá tốt. Để nâng chất lượng nền công vụ về hành chính, cần đồng bộ thể chế, tổ chức bộ máy vận hành và cán bộ công chức. Sự đồng bộ này cần triển khai để nâng cao năng lực cán bộ, bởi chế độ đãi ngộ vẫn chưa đủ, cần tính toán lại.

Như TP. Thủ Đức, cần bộ máy tương ứng với quy mô, đây là vấn đề khó vì đầu tư nguồn lực vào cán bộ, công chức rất khó. Cần triển khai làm rõ để quá trình vận hành trôi chảy. Với nguồn lực hiện nay, nếu trách nhiệm rõ, đội ngũ cán bộ, công chức sẽ làm; nếu lờ mờ, thì không ai dám làm.

Với Nghị quyết mới, cộng với sự chuẩn bị đầu tư về hạ tầng đô thị, nhất là giao thông, thì 2 điểm nghẽn lớn nhất của TP.HCM là thể chế và hạ tầng sẽ được tháo gỡ để hướng tới sự phát triển. Chưa bao giờ Thành phố có được điều kiện tốt, gỡ được căn bản, tạo sức bật như hiện nay. Tôi nghĩ rằng, Thành phố tích cực làm không chỉ đóng góp cho Thành phố, mà cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cũng như cả nước.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM.

TP.HCM đã ban hành kế hoạch triển khai cụ thể.

Nghị quyết mới vừa được Quốc hội thông qua với mong muốn khơi thông nguồn lực để TP.HCM có thể tự bứt phá. Đây là điểm nhấn đặc biệt của Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, với việc trao cho TP.HCM một số cơ chế, chính sách để phát triển vượt trội.

Hiện TP.HCM đã ban hành kế hoạch triển khai, trong đó đề ra những nhiệm vụ cụ thể và sẽ trình 8 tờ trình tới HĐND Thành phố về các cơ chế chính sách trong kỳ họp tới. Từng quý, sẽ có từng nhiệm vụ riêng, như quý III có 11 nhiệm vụ, quý IV có 34 nhiệm vụ; từng sở, ngành phải triển khai các đầu việc để hoàn thành… Đồng thời, Thành phố cũng đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Nghị định trình Chính phủ để triển khai các cơ chế cụ thể trong thời gian sớm nhất. Dự kiến trong năm 2023 sẽ hoàn thành tất cả cơ chế chính sách để thực hiện.

Ông Diệp Văn Sơn, nguyên Phó vụ trưởng Cơ quan Thường trực phía Nam (Bộ Nội vụ).

Ông Diệp Văn Sơn, nguyên Phó vụ trưởng Cơ quan Thường trực phía Nam (Bộ Nội vụ).

Cần người dám làm, chứ không phải chỉ làm tròn vai.

Nghị quyết mới cho phép UBND TP. Thủ Đức quyết định phê duyệt dự án, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và ký các hợp đồng dự án với các dự án nhóm B, nhóm C đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trên địa bàn. Sự phân cấp này là cần thiết để đẩy nhanh quá trình đầu tư các dự án trên địa bàn.

Khi có cơ chế rồi, thì phải có con người thực hiện, đó là những người có khát vọng đưa TP. Thủ Đức đi lên, chứ không chỉ “làm tròn vai”. TP. Thủ Đức được quy hoạch trở thành thành phố thông minh 4.0 thì công chức phải được đào tạo lại phù hợp với thời 4.0. TP. Thủ Đức cần tuyển chọn công chức đủ tiêu chuẩn và có quyền loại bỏ công chức yếu kém. Mức lương công chức ở TP. Thủ Đức cũng phải khác biệt so với ở các quận, huyện khác để tạo động lực cho công chức cống hiến.

Khi thực hiện tốt các vấn đề trên, TP. Thủ Đức sẽ là hình mẫu cho các địa phương học hỏi.

PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Con người là điều kiện hàng đầu.

Một trong những cơ chế vượt trội trong Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 là cách tiếp cận tổ chức bộ máy cho thấy sự phù hợp với vai trò, tầm vóc của TP.HCM. Đó là cho phép TP.HCM có cơ quan chức năng phù hợp, chủ động biên chế cấp cơ sở. Thành phố cần tập trung sắp xếp lại bộ máy tổ chức hiệu quả, công việc có đầu mối rõ ràng… Từ đây, Thành phố sẽ có “khuôn mặt con người mới” và đây là điều kiện hàng đầu để hiện thực hóa nghị quyết mới.

Ngoài ra, cần thống nhất quan điểm, nhận thức là, việc thực hiện hiệu quả nghị quyết mới không chỉ là nhiệm vụ của TP.HCM, mà cần có sự hỗ trợ, phối hợp tích cực từ Trung ương. Trung ương cần có sự đảm bảo mạnh mẽ để Thành phố thực hiện tốt Nghị quyết. Cơ chế, chính sách tại nghị quyết này vượt qua thể chế thông thường, nếu không có sự hỗ trợ từ Trung ương và cơ chế đảm bảo, thì khó thành công.

Tin bài liên quan