Tuyến metro đi qua Thành phố Thủ Đức (Ảnh: Lê Toàn)

Tuyến metro đi qua Thành phố Thủ Đức (Ảnh: Lê Toàn)

Thành phố Thủ Đức: Đi đầu để... về đâu? - Bài 3: “Áo mới” cho thành phố trong thành phố

0:00 / 0:00
0:00
Để Thủ Đức trở thành trung tâm tương tác sáng tạo tầm cỡ, có thể đóng góp 30% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) toàn TP.HCM, tương đương 7% GDP cả nước, Thành phố cần cơ chế phù hợp.

Viễn cảnh không xa của TP. Thủ Đức - “thành phố trong thành phố” là một đô thị tương tác sáng tạo, là nơi đáng sống, đáng đến để đầu tư, đổi mới, sáng tạo của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nhưng sau 3 năm thành lập, giấc mơ vẫn còn nguyên, thậm chí ngổn ngang hơn…

Bài 3: “Áo mới” cho thành phố trong thành phố

Để Thủ Đức trở thành trung tâm tương tác sáng tạo tầm cỡ, có thể đóng góp 30% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) toàn TP.HCM, tương đương 7% GDP cả nước, Thành phố cần cơ chế phù hợp.

“Áo” nào cho Thủ Đức?

Không thể phủ nhận được tiềm năng, thế mạnh vốn có cũng như khát vọng xây dựng, vận hành hiệu quả theo mô hình chính quyền đô thị “thành phố trong thành phố” đầu tiên của cả nước đang rất sôi sục. Song để hiện thực hóa, rất nhiều câu hỏi đang được đặt ra. Là thành phố vệ tinh của TP.HCM, khác biệt về bộ máy hành chính, cơ chế điều hành cụ thể của Thủ Đức ra sao? Quyền hạn của bộ máy điều hành của Thủ Đức sẽ khác gì với bộ máy TP.HCM hiện tại? Lợi ích sau khi hoàn thiện mô hình là gì, từ lĩnh vực hành chính, hạ tầng, dịch vụ…?

Phải xác định rõ, sự thành công của mô hình này sẽ là bài học quan trọng để TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung thực hiện tái cấu trúc bộ máy chính quyền đô thị, với mục tiêu nâng cao hiệu quả vận hành, giảm thiểu thủ tục hành chính và mang lại lợi ích thiết thực cho cư dân và doanh nghiệp - những đối tượng thụ hưởng chính.

Tại các hội thảo bàn về nút thắt và cơ hội phát triển cho TP.HCM thời gian qua, nhiều chuyên gia cho rằng, còn nhiều nút thắt đang “níu chân” sự phát triển của TP. Thủ Đức. Trong đó, 2 vấn đề cần ưu tiên là đầu tư và nguồn nhân lực.

Về đầu tư, cần mạnh dạn xin cơ chế ủy quyền, giao thẩm quyền quyết định đầu tư các dự án cho TP. Thủ Đức vì có cơ chế mới thu hút được vốn đầu tư phát triển. Khi đã có vốn, thì cần phải có con người thực hiện. Đó là những người có khát vọng, tham vọng đưa TP. Thủ Đức đi lên, chứ không chỉ làm tròn vai, làm hết trách nhiệm.

Do vậy, TP. Thủ Đức phải có thẩm quyền được tuyển chọn nhân sự, chính sách khuyến khích thu hút nhân tài, chủ động tìm kiếm người có năng lực quản lý. Những người không làm được việc, TP. Thủ Đức có quyền xử lý mà không phải xin ý kiến của UBND TP.HCM.

Trên thực tế, sau khi sáp nhập 3 quận và thành lập TP. Thủ Đức, khối lượng công việc cũng như số lượng đầu việc của chính quyền TP. Thủ Đức tăng gấp 3 lần so với các đơn vị hành chính quận, huyện khác. Trong khi đó, việc giảm nhân sự từ 686 người xuống còn 459 người theo chủ trương tinh giản biên chế đang ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương khi sự quá tải về công việc là không tránh khỏi.

Chẳng hạn, Phòng Quản lý đô thị TP. Thủ Đức thực hiện chức năng của 3 đơn vị (Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Giao thông - Vận tải), đang quản lý gần 6.150 tuyến đường, hẻm, 177 cầu, 231 km cống thoát nước, 64 công viên… trên địa bàn rộng, khối lượng công việc khá cao. Năm 2022, Phòng xử lý gần 8.000 hồ sơ hành chính, nhưng chỉ có 56 cán bộ, công chức.

Ngoài ra, qua quá trình hoạt động từ khi thành lập đến nay, một số cơ quan như Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai, Đội Thanh tra trật tự xây dựng… cần được tổ chức lại với chức năng, nhiệm vụ phù hợp với yêu cầu phát triển. Với cơ chế hiện nay, công tác phối hợp triển khai nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị chưa thống nhất đầu mối quản lý, dẫn đến tình trạng chậm trễ trong xử lý công việc.

Riêng trong lĩnh vực đăng ký đất đai, trong năm 2022, Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Thủ Đức không đạt được tiến độ giải quyết hồ sơ cho người dân. Theo cáo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, lĩnh vực chậm trễ nhiều nhất là chuyển quyền; tách thửa do chuyển quyền; thu hồi một phần chiếm tỷ lệ trễ hạn cao nhất (87,5%) và ngay cả các thủ tục đơn giản như thế chấp, xóa thế chấp; xử lý nợ; cấp đổi; đăng ký thay đổi cũng chiếm tỷ lệ 98,6%.

Nguyên nhân chính của sự trễ hạn nêu trên là cơ cấu, tổ chức bộ máy hiện nay chỉ là chi nhánh văn phòng đăng ký thuộc Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM, cơ cấu theo quy định hiện nay chỉ được bố trí 1 Giám đốc và 2 Phó giám đốc (có thẩm quyền ký văn bản), không được thành lập các phòng chuyên môn.

Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, kết quả trên chỉ mới là số lượng hồ sơ phục vụ khoảng 1,2 triệu dân trong giai đoạn hiện nay. Theo quy hoạch chung TP. Thủ Đức, đến năm 2030, sẽ có 2,2 triệu dân và đến năm 2040 sẽ là 3 triệu dân, việc vận hành theo mô hình hiện nay sẽ không đáp ứng được yêu cầu phát triển của TP. Thủ Đức trong giai đoạn tới.

Hình hài tấm “áo mới”

Một điều khoản riêng về tổ chức bộ máy chính quyền của TP. Thủ Đức đã có mặt trong Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 về những cơ chế, chính sách đặt thù phát triển TP.HCM vừa được các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua chiều 24/6.

Trong đó, xác định nhiều thẩm quyền cho UBND Thành phố, như các thẩm quyền liên quan đến thẩm định chủ trương đầu tư, thẩm định quyết định phê duyệt dự án; quyết định phê duyệt dự án, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và ký kết các hợp đồng dự án đối với các dự án nhóm B, nhóm C đầu tư theo phương thức đối tác công tư; chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư của nhà đầu tư trong nước sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn TP. Thủ Đức; phê duyệt đề án sử dụng tài sản công là nhà, đất vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết trên địa bàn TP. Thủ Đức...

Thực ra, về lâu dài, các đại biểu Quốc hội kỳ vọng nhiều hơn. Khi góp ý cho các cơ chế, chính sách dành cho TP. Thủ Đức, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) cho rằng, với mục tiêu hình thành khu đô thị sáng tạo, là hạt nhân, cực tăng trưởng mới, thúc đẩy kinh tế TP.HCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các nội dung phân quyền cần mạnh mẽ hơn, đủ sức tạo nên những đột phá căn bản. Thậm chí, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) còn tính tới việc xây dựng luật về các đô thị đặc biệt để có những cơ chế mạnh mẽ, vượt trội, nhằm phát triển các đô thị trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng như TP. Thủ Đức...

Tuy nhiên, trong giai đoạn trước mắt, các quy định về quyền hạn của UBND TP. Thủ Đức sẽ làm rõ phạm vi, quyền hạn của Thành phố, tránh lúng túng trong triển khai thực hiện như đã xảy ra trong giai đoạn vừa qua.

Cùng với việc được tăng quyền, UBND, Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức được phân cấp, ủy quyền cho các cơ quan chuyên môn trực thuộc, thủ trưởng các cơ quan chuyên môn trực thuộc, UBND các phường, Chủ tịch UBND các phường một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của UBND TP. Thủ Đức, Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức.

Theo Báo cáo đánh giá tác động của cơ chế chính sách trong Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập cuối tháng 3/2023, việc áp dụng cơ chế chính sách này sẽ có tác động mạnh mẽ đến kinh tế, rút ngắn được thời gian trong giải quyết các thủ tục hành chính, chủ động giải quyết được các vấn đề thuộc thẩm quyền của TP.HCM, từ đó giúp TP. Thủ Đức trở thành địa phương thu hút được nhiều nhà đầu tư trong nước và đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài đến hợp tác và đầu tư.

Dự kiến, sau khi được tăng thẩm quyền, hoạt động đầu tư, kinh doanh, phát triển kinh tế của TP. Thủ Đức sẽ thu hút được rất nhiều nguồn lực cả trong và ngoài nước. Trên cơ sở này, nguồn thu ngân sách nhà nước của TP. Thủ Đức sẽ tăng cao, là cơ sở quan trọng đáp ứng mục tiêu ước tính đóng góp đến 30% GRDP của TP.HCM và chiếm 7% GDP cả nước.

Ngoài ra, việc ủy quyền mạnh mẽ sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP. Thủ Đức, UBND phường và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ. Việc ủy quyền các nội dung thuộc nhiệm vụ của TP. Thủ Đức cho cấp phường tạo điều kiện thuận lợi hơn, giúp bộ máy quản lý hành chính TP. Thủ Đức vận hành tốt hơn trong phục vụ người dân và doanh nghiệp, góp phần tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan đơn vị nhà nước trong giải quyết thủ tục hành chính.

Điều này cũng rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân về những lĩnh vực đã được ủy quyền; giảm thiểu chi phí hành chính của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp khi có thủ tục hành chính cần được giải quyết do tập trung về một đầu mối của cơ quan được ủy quyền, giảm khâu trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết công việc, tăng hiệu quả thực hiện và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị UBND phường trong triển khai một số nhiệm vụ UBND thành phố.

Cùng với việc tăng thẩm quyền, Nghị quyết cũng cho phép HĐND Thành phố quyết định tổ chức bộ máy, số lượng và chức năng nhiệm vụ các phòng ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc TP. Thủ Đức. UBND Thành phố xem xét, quyết định thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy của Thanh tra xây dựng, Trung tâm Phát triển quỹ đất trực thuộc UBND TP. Thủ Đức trong phạm vi TP. Thủ Đức.

Trở thành người đi đầu trong mô hình “thành phố trong thành phố” với nhiều cơ hội lẫn áp lực, TP. Thủ Đức sẽ có cơ hội bừng sáng góp phần thay đổi diện mạo của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, trở thành mô hình được nhân rộng. Song áp lực chắc không cần bàn, đó là sự mong đợi và kỳ vọng của cả nước đang dõi theo.

So với các địa phương khác của TP.HCM, số lượng chức danh lãnh đạo của UBND TP. Thủ Đức đã có sự khác biệt. Cụ thể, UBND các quận, huyện thuộc TP.HCM có không quá 3 Phó chủ tịch, thì Nghị quyết mới cho phép TP. Thủ Đức có không quá 4 Phó chủ tịch. Đồng thời, HĐND TP. Thủ Đức còn được phép thành lập Ban đô thị thuộc HĐND TP. Thủ Đức. HĐND TP. Thủ Đức có không quá 2 Phó chủ tịch và có không quá 8 đại biểu hoạt động chuyên trách.

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan