Một góc của TP. Thủ Đức tương lai. Ảnh: Trọng Tín

Một góc của TP. Thủ Đức tương lai. Ảnh: Trọng Tín

Thành phố Thủ Đức: Để bình mới, rượu mới!

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Nếu TP. Thủ Đức được thành lập thì việc quan trọng nhất là cần tạo ra sự khác biệt, thay đổi cả lượng và chất, chứ không chỉ đơn thuần là đổi một cái tên hay tạo thêm bộ máy hành chính.

Băn khoăn từ cái tên

Mặc dù có đến 96% cử tri ở quận 9, 97,5% cử tri ở quận Thủ Đức và 76,8% cử tri ở quận 2 đồng ý với tên gọi TP. Thủ Đức, nhưng theo kết quả lấy ý kiến, vẫn có hơn 1.800 cử tri ở 3 quận này có ý kiến khác cho tên gọi của thành phố mới, trong đó có những cái tên được đề xuất nhiều là TP. Đông, TP. Thủ Đức Mới, TP. Sài Gòn - Gia Định, TP. Thủ Thiêm...

Theo ông Nguyễn Huy Thoại (người dân sống tại quận 2), qua hơn 20 năm, giờ vùng đất này trở lại với tên cũ Thủ Đức, nghe có vẻ hợp lý nhưng chưa thể hiện được xu thế phát triển mới.

“Tôi thấy lấy tên TP. Thủ Thiêm hay hơn, vì không những gắn liền với trung tâm tài chính của TP.HCM trong tương lai, mà còn mang trong nó mục tiêu phát triển mới như lâu nay người dân Thành phố hay nghĩ về", ông Thoại nói.

Còn ông Lê Thanh Tùng (người dân sống tại quận 9) lại cho rằng, tên TP. Thủ Đức là hợp lý nhất, bởi vùng đất này xưa nay vốn tên là Thủ Đức, giờ trở lại tên cũ sẽ thể hiện được truyền thống và sự nối tiếp của thế hệ hiện tại.

“Từ huyện Thủ Đức xưa, một phần thành quận Thủ Đức rồi sau đó là TP. Thủ Đức, đó là một mạch phát triển đô thị tiến về phía trước, tiến tới hiện đại và hội nhập", ông Tùng lập luận.

Tán thành quan điểm này, ông Nguyễn Đức Trọng (sống tại quận Thủ Đức) nêu lý lẽ, Thủ Đức ngày xưa đã được chia thành ba quận là quận 2, 9 và Thủ Đức bây giờ, nay nếu có gộp lại và nâng lên thành thành phố thì cũng nên mang tên cũ là Thủ Đức, vì tên của nó đã có hàng trăm năm.

“Chỉ dẫn địa lý và muôn ngàn cái khác lâu nay đã có tên Thủ Đức rồi. Ngoài ra, chữ Thủ Đức cũng rất đẹp nếu chúng ta hiểu thủ là đầu, là nơi trọng yếu, còn đức là đức độ, là phẩm chất cao đẹp. Tất nhiên, dù tên là gì đi chăng nữa thì yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất. Chỉ cần đội ngũ cán bộ có đức, có tài thì kinh tế và xã hội sẽ phát triển, cuộc sống người dân ngày càng tốt hơn", ông Trọng nói.

Thực ra, “chín người, mười ý” - câu nói này của người xưa nhưng đến nay vẫn luôn mang tính thời sự bởi ý kiến, mong muốn của mỗi người là khác nhau và dù muốn dù không thì cái tên “TP. Thủ Đức” cũng đã được Hội đồng nhân dân TP.HCM thông qua với đa số cử tri của 3 quận đồng ý, còn cái tên chính thức ra sao sẽ phụ thuộc vào phê chuẩn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tất nhiên, việc đặt tên thế nào mới chỉ là một phần rất nhỏ nằm trong đề án của TP.HCM, bởi TP. Thủ Đức sau khi thành hình được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng mới. Song cần phải thừa nhận rằng, vẫn còn rất nhiều chuyện phải làm nếu không muốn TP. Thủ Đức phải khoác lên mình một chiếc áo quá rộng.

Nói như TS. Đinh Thế Du, giảng viên Đại học Fullbright, khi chia sẻ quan điểm với Báo Đầu tư Chứng khoán rằng, Việt Nam cần những nhân tố mới để thúc đẩy quá trình cải cách cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, mà thực chất là cạnh tranh giữa các siêu đô thị.

“Trong bối cảnh hiện tại, rất khó để TP.HCM có được sự cải cách tổng thể vì phải chịu quá nhiều ràng buộc và tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro. Việc lựa chọn một phần của TP.HCM đó là cách tiếp cận phù hợp”, ông Du nói.

Mượn câu chuyện về bó đũa để lý giải cho sự cần thiết phải sáp nhập 3 quận thành TP. Thủ Đức, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, đây là thời điểm cần thiết để TP.HCM phát huy tối đa tiềm lực của khu vực phía Đông.

Lộ trình để hiện thực hóa

Rõ ràng, từ ý tưởng đến thực tế là rất khác nhau, nhưng về cơ bản, đa số các ý kiến đều cho rằng, việc áp dụng mô hình “thành phố trong thành phố” của TP.HCM so với các thành phố khác trên thế giới tuy muộn, nhưng đổi lại người đi sau có thể rút ra kinh nghiệm để tối ưu hóa kế hoạch của mình. Nói như ông Nguyễn Minh Hoà, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị TP.HCM, lãnh đạo Thành phố cần tính toán cẩn trọng, bởi đi sau thường có tâm lý nôn nóng, muốn nhanh chóng rút ngắn khoảng cách nên dễ rơi vào duy ý chí.

Để hiện thực hóa giấc mơ xây dựng TP. Thủ đức, theo ông Hòa, TP.HCM cần phải giải 2 câu hỏi lớn. Thứ nhất, nguồn tài chính từ đâu để phát triển TP. Thủ Đức, bởi mức đầu tư ban đầu của các mô hình “thành phố trong thành phố” trên thế giới thường là hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ USD.

Thứ hai, để chuyển một vùng đất rộng lớn hơn 212 km2 và 1,1 triệu dân với đa chức năng thành một thành phố tập trung chủ yếu vào chức năng sáng tạo là điều rất khó khăn, cho nên người cầm trịch phải tính được toàn bộ lộ trình và các dự án thành phần ưu tiên sao cho vừa có hiệu quả, vừa không gây xáo trộn đời sống người dân.

“TP.HCM chủ trương xã hội hóa, kêu gọi các nhà đầu tư là không dễ, thậm chí ngay cả khi TP.HCM được Trung ương phân bổ ngân sách tăng từ 18% lên 23% thì cũng không đủ lớn để bao cho TP.Thủ Đức, đó là chưa kể quỹ đất trống của TP. Thủ Đức không còn nhiều”, ông Hòa đặt vấn đề.

Cùng chung nhận định, TS. Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho rằng, thách thức lớn nhất hiện nay là tìm được nguồn kinh phí để xây dựng TP. Thủ Đức. Bởi trong nguyên lý đô thị, đô thị sinh ra từ đất, tức là khai thác quỹ đất và cứ thế phát triển cơ sở hạ tầng dần lên, nhưng đất đai ở khu vực này hiện có tình trạng đầu cơ, nên việc khai thác hiệu quả là một thách thức.

“Để giải quyết vấn đề này, nên khoán kinh phí đầu tư hạ tầng của Thành phố trên từng mét vuông đất và mỗi mét vuông đất đó có nghĩa vụ đóng góp cho xây dựng. Hễ ai là chủ sử dụng đất đều phải đóng góp, chứ không phải Nhà nước bỏ ra hết”, ông Cương đề xuất.

Cũng là câu chuyện kinh phí, GS. Trần Ngọc Thơ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia nêu quan điểm, cần xem lại tư duy lấy nguồn vốn từ quỹ đất như hiện nay bởi quỹ đất, nguồn tài chính là yếu tố hữu hạn, còn ý tưởng sáng tạo là vô hạn.

“Do đó, cần tư duy ngược lại là từ chính sách tạo môi trường đẳng cấp quốc tế cao nhất, luật phải là luật tư pháp độc lập, đồng tiền là đồng tiền chuyển đổi được, hay ít nhất phải có khu kinh tế - tài chính đặc biệt, cho phép đồng vốn nước ngoài ra vào một cách tự do… Những yếu tố này sẽ tạo nguồn tài chính, chứ không phải chỉ nghĩ đến quỹ đất”, ông Thơ nói.

3 giai đoạn phát triển TP. Thủ Đức

Giai đoạn 1 (2020 - 2022): Ban hành kế hoạch và khung phát triển tổng thể, các quy định về quy hoạch, đất đai, đầu tư. Thu hút các công ty đầu tàu, đào tạo nhân lực, thúc đẩy lực lượng lao động hiện đại để đáp ứng nhu cầu phát triển ngành kinh tế sáng tạo.

Giai đoạn 2 (2022 - 2030): Xây dựng công trình tại các trung tâm đổi mới sáng tạo. Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhóm và tạo mạng lưới liên kết. Cải thiện tình trạng giao thông và môi trường đô thị.

Giai đoạn 3 (2030 - 2040): Quảng bá dự án quy mô quốc tế. Thiết lập mạng lưới hợp tác toàn cầu. Ghi nhận sự tăng trưởng mạnh của nền kinh tế sáng tạo.

Một vấn đề đáng lưu tâm khác là câu chuyện kẹt xe. Lâu nay, trục xa lộ Hà Nội luôn là nỗi ám ảnh về tình trạng kẹt xe từ các quận 9 và Thủ Đức vào trung tâm TP.HCM, trong đó “thủ phạm” chính được nhận diện là do lượng xe tải, xe container lưu thông vào cảng Trường Thọ quá lớn. Vì thế, theo ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM, việc di dời cảng Trường Thọ sẽ giúp giảm thiểu ách tắc giao thông khu vực này.

Ngoài ra, Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM cũng có kế hoạch phát triển giao thông mới để vừa hạn chế tình trạng ùn tắc, vừa phục vụ xây dựng khu đô thị sáng tạo, tương tác cao tại khu Đông với 3 quận gồm quận 2, quận 9 và Thủ Đức - nơi sẽ là TP. Thủ Đức trong tương lai.

Theo đó, 5 nhóm dự án sẽ được tập trung phát triển ở khu Đông gồm: Chương trình đô thị thông minh; hạ tầng đường bộ; metro; buýt nhanh (BRT); đường thủy; bến bãi và vận tải công cộng. Tổng nhu cầu vốn cho các dự án này vào khoảng 300.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Thành phố là 83.000 tỷ đồng, còn lại là các nguồn khác như Trung ương, xã hội hóa, ODA…

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, ngoài hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu, hàng loạt công trình giao thông trọng điểm khác đang lên kế hoạch thực hiện như cầu từ Thủ Đức nối với bán đảo Thanh Đa quận Bình Thạnh, đường Vành đai 2, Vành đai 3 liên kết toàn vùng, hay cầu Cát Lái nối quận 2 và Nhơn Trạch (Đồng Nai), một cây cầu khác tại quận 9 nối với Đồng Nai cũng đã có trong kế hoạch.

“Điểm đáng chú ý nữa là Khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM hiện có diện tích khoảng 643,7 ha, phần diện tích đất phường Linh Trung (quận Thủ Đức) là 120 ha, phần còn lại thuộc Dĩ An, Bình Dương, nếu quy hoạch thành khu đô thị sáng tạo phía Đông thì sẽ nằm trong cơ cấu của TP. Thủ Đức và là hạt nhân của khu vực này”, ông Châu chia sẻ thêm.

Cần đảm bảo chống ngập tần suất cao cho tp. Thủ Đức

Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến Trúc TP.HCM
Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến Trúc TP.HCM

Dự báo đến năm 2030, TP. Thủ Đức sẽ có 50.000 việc làm trình độ cử nhân, kỹ sư và chuyên gia, dân số cư trú sẽ đạt mức 1,5 triệu người.

Đến năm 2040, có 150.000 việc làm trình độ cử nhân, kỹ sư và chuyên gia, dân số đạt 1,9 triệu người. Đến năm 2060, dân số TP. Thủ Đức sẽ đạt mức 3 triệu người.

Để chuẩn bị cho mức dân số tối đa của TP. Thủ Đức, giao thông công cộng cần đáp ứng 50 - 60% nhu cầu đi lại, mạng lưới đường trục chính đô thị cần hoàn thiện với khoảng cách giữa các tuyến đường từ 4 - 6 km, 10% diện tích TP. Thủ Đức sẽ là công viên.

Đến năm 2040, phải đảm bảo chống ngập tới tần suất 80%, tức 5 năm mới xảy ra ngập một lần; 30% diện tích công viên sẽ trở thành hồ điều hòa để giảm rủi ro ngập úng.

5 năm tới sẽ giải quyết ùn tắc và khép kín giao thông

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM

Để thực sự đưa TP. Thủ Đức trở thành cực tăng trưởng mới, Ủy ban nhân dân TP.HCM đã chỉ đạo các sở, ngành khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai ý tưởng Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông làm cơ sở tổ chức các hội nghị kêu gọi đầu tư.

Việc tổ chức thi tuyển quốc tế trước là ý tưởng, giờ phải có kế hoạch để biến ý tưởng thành quy hoạch cụ thể. Thành phố đã thành lập một ban chỉ đạo xây dựng quy hoạch, kế hoạch hành động cụ thể đáp ứng yêu cầu đặt ra như đề án xây dựng TP. Thủ Đức.

Trong chiến lược 5 năm tới, Thành phố sẽ đẩy nhanh xây dựng hạ tầng, giải quyết ùn tắc và dần khép kín hệ thống giao thông đô thị trên địa bàn của TP. Thủ Đức nói riêng và kết nối khu vực khác trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.

Phải giải quyết dứt điểm vụ Thủ Thiêm

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM

Qua tiếp xúc, lấy ý kiến của người dân, điều mọi người lo ngại nhất là việc chuyển đổi giấy tờ hành chính sẽ rất phiền phức khi sáp nhập ba quận, cho nên cần có phương pháp để người dân đổi giấy tờ ít phiền hà, không bị nhũng nhiễu.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn là cần phải giải quyết dứt điểm những vấn đề, bức xúc hiện nay của người dân về đất đai ở Khu đô thị Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao quận 9, để khi thành lập thành phố mới thì phải có gì mới và hướng tới cái mới, chứ không thể chỉ giải quyết chuyện cũ.

TP.HCM cần nỗ lực thu hút đầu tư vào cải thiện giao thông công cộng

Ông Aidan Wee, Người sáng lập - Giám dốc điều hành Công ty PropNex Realty Việt Nam
Ông Aidan Wee, Người sáng lập - Giám dốc điều hành Công ty PropNex Realty Việt Nam

Hiện nay, trong ranh quy hoạch của TP. Thủ Đức, các khu đô thị lớn nằm tách biệt nhau, bao gồm Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Saigon Sports City, Vinhomes Grand Park, Vạn Phúc City, Khu dân cư Thảo Điền, Làng đại học Thủ Đức và Khu công nghệ cao.

Điều TP.HCM có thể làm để tạo nên TP.Thủ Đức là nỗ lực thu hút đầu tư vào cải thiện giao thông công cộng nhằm kết nối các khu đô thị lớn trên với nội bộ TP. Thủ Đức và đảm bảo rằng, mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) phải được đưa vào như một tiêu chí bắt buộc trong giai đoạn lập quy hoạch.

Tin bài liên quan