Hà Nội đang nỗ lực cải thiện mảng xanh đô thị với kế hoạch trồng 1 triệu cây xanh trên các tuyến phố. Ảnh: Dũng Minh

Hà Nội đang nỗ lực cải thiện mảng xanh đô thị với kế hoạch trồng 1 triệu cây xanh trên các tuyến phố. Ảnh: Dũng Minh

Thành phố thông minh không thể thiếu yếu tố xanh

(ĐTCK) Theo nhận định của các chuyên gia, trong giải pháp quy hoạch thành phố thông minh không thể thiếu yếu tố xanh.

Đô thị đang thiếu màu xanh

Theo số liệu của Công ty Công viên cây xanh Hà Nội, hiện trên địa bàn TP. Hà Nội có khoảng trên 500.000 cây xanh là thực vật thân gỗ làm cảnh và bóng mát, thuộc 175 loài, 55 họ thực vật. Bên cạnh những loài cây truyền thống như sấu, bàng, phượng vĩ, xà cừ, sao đen, hoa sữa, lộc vừng, liễu..., nhiều loài được nhập từ địa phương khác hoặc từ nước ngoài như gõ đỏ, trôm, vàng anh, hoàng lan, keo lá tràm, keo tai tượng, muồng đen, trứng cá, bằng lăng ấn, cọ dầu… đang từng bước xanh hóa đô thị Hà Nội. Mức độ thích nghi sinh thái tự nhiên của cây xanh đô thị Hà Nội tương đối đa dạng.

PGS.TS. Trần Văn Thụy, Trưởng bộ môn Sinh thái môi trường (Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, trong số 127 loài thực vật cây gỗ sinh trưởng tại Hà Nội, tỷ trọng các loài cây bản địa chiếm đến 78,8%, các nhóm cây nhập khoảng 21,2%. Đa số các loài cây thường xanh, chỉ có một số loài rụng lá theo mùa như cây tếch, bàng, phượng...

Hệ thống cây xanh có nhiều giá trị cả về vật chất lẫn tinh thần và giúp cải thiện tích cực môi trường không khí. Trong đô thị, cây xanh còn tạo ra cảnh quan sinh thái, điều hòa khí hậu ở các tiểu khu vực.

Theo TS.KTS. Hoàng Hữu Phê, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, sức ép từ các hoạt động của con người đang làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của các loài thực vật trong đô thị. Tại nhiều tuyến phố, người dân tận dụng cây xanh để phục vụ cho nhu cầu kinh doanh như treo biển quảng cáo. Bên cạnh đó, do các công trình xây dựng dân sinh được xây dựng với mật độ lớn, vỉa hè hẹp khiến cho cây xanh phải nghiêng ra phía lòng đường để tìm không gian sống.

Về vấn đề này, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cũng cho rằng, hiện nay, không gian cây xanh trong đô thị, đặc biệt ở các khu đô thị mới đang bị thiếu trầm trọng.

“Tại nhiều khu đô thị mới, chủ đầu tư tận dụng tối đa diện tích để xây dựng, làm mất đi không gian dành cho cây xanh. Một số dự án, chủ đầu tư còn tận dụng hệ thống cây xanh công cộng để làm cây xanh cho dự án”, ông Chính nhấn mạnh.

Cùng quan điểm này, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, thực tế khảo sát tại một số khu đô thị cho thấy, tại khu bán đảo Linh Đàm, tỷ lệ xây dựng chiếm đến 90%, Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, tỷ lệ xây dựng khoảng 45 - 50%, nhưng mật độ xây dựng tương đối dày, nên không gian dành cho công viên cây xanh cũng bị hạn chế. Tình trạng này còn xảy ra ở nhiều khu đô thị mới khác và đặc biệt dự án đơn lẻ, thì diện tích dành cho cây xanh gần như không có.

Cần chú trọng cây xanh trong quy hoạch

Theo các chuyên gia, để đạt được những mục tiêu về độ che phủ cây xanh, trong “Chương trình phát triển đô thị quốc gia” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số 1659/QÐ-TTg ngày 7-11-2012), trong thời gian tới, cần nghiên cứu, rà soát sửa đổi các quy định có liên quan đến cây xanh như Nghị định số 64 của Chính phủ, rà soát các quy chuẩn kỹ thuật quy hoạch đô thị, tiêu chuẩn, các định mức kinh tế kỹ thuật về cây xanh công viên trong đó lồng ghép các yếu tố biến đổi khí hậu.

Chẳng hạn, nếu so với diện tích đất cây xanh tại một số đô thị trong khu vực như Singapore (30,32 m2/người); Kobe - Nhật Bản (15 m2/người); Seoul - Hàn Quốc (41,6 m2/người); Bangkok - Thái Lan (0,45 m2/người); Thượng Hải - Trung Quốc (0,48 m2/người)…, thì các đô thị Việt Nam ở mức trung bình và so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, vẫn chưa đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, cần có hướng dẫn cụ thể về lựa chọn cây trồng đô thị để phù hợp với mỗi vùng, miền, loại đô thị cũng như phù hợp đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng, văn hóa… với những quy định cụ thể.

Việc phát triển cây xanh cũng phải an toàn và tính đến sức chịu đựng của các loài cây trước các hiện tượng cực đoan của thời tiết và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng đó, cần có những chính sách ưu tiên hơn, dành các nguồn vốn lớn hơn để triển khai các dự án công viên cây xanh mới theo quy hoạch đô thị đã được duyệt. Song song với việc trồng mới, việc nâng cấp cải tạo các công viên cây xanh, mảng xanh hiện có là rất cần thiết. Tổ chức cây xanh gắn với mặt nước theo hướng không gian mở, tiếp cận đa hướng.

Các vấn đề tồn tại chỉ có thể được giải quyết triệt để một khi có các giải pháp mang tính đồng bộ từ quy hoạch, trong đó xác định cụ thể quỹ đất dành cho cây xanh. Việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng đòi hỏi chặt hạ cây xanh cần phải được xem xét, cân nhắc thận trọng trên cả yếu tố kỹ thuật, kinh tế và hậu quả môi trường (chặt một cây thì dễ nhưng trồng một cây mới có sức sống tốt và có tán cho bóng mát đòi hỏi một thời gian dài). Quỹ đất dành cho cây xanh phải được bảo vệ chống lấn chiếm, cấm chuyển đổi mục đích…

Mặc dù không gian xanh bình quân đầu người tại Hà Nội tăng từ 2,5 m2/người năm 1991 lên 4,7 m2/người hiện nay, nhưng tỷ lệ này vẫn thấp hơn nhiều  mức 18 m2/người là mục tiêu đề ra cho năm 2020. Hiện nay, Hà Nội còn thiếu diện tích cho phát triển công viên cây xanh. Ngay trong khu vực nội thành cũ, nơi có tỷ diện tích công viên khá cao khoảng 135 ha với bình quân 1,3 m2/người, nhưng vẫn thấp so với mục tiêu 7 m2/người vào năm 2020. Ngoài ra, trong những khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh như Đống Đa, Hà Đông, Thanh Xuân, tỷ lệ này còn thấp hơn, chỉ đạt 0,05m2/người.

Ở góc nhìn khác, theo PGS.TS. Trần Văn Thụy, quy hoạch cây xanh trên một số tuyến phố cũng chưa hợp lý, gây ảnh hưởng không tốt đến môi trường sống. Chẳng hạn, việc trồng hoa sữa với mật độ cao gây mùi khó chịu và dị ứng hô hấp cho người dân; hay một số loài cây có mủ độc, gây viêm da dị ứng như trúc đào trên tuyến Đại lộ Thăng Long.

Ông Trần Ngọc Chính cũng cho rằng, để mở rộng không gian cây xanh cho đô thị, vấn đề quy hoạch phát triển hệ thống cây xanh cần phải được gắn kết chặt chẽ với quy hoạch phát triển hạ tầng đô thị. Việc thiết kế cảnh quan cây xanh đô thị sẽ tạo ra những nét đặc trưng riêng cho các tuyến phố đô thị trung tâm và các trục đường giao thông.

Bên cạnh đó, Hà Nội cần phải ưu tiên cho các dự án nghiên cứu, bảo tồn, phát triển cây xanh cho một số khu vực, tuyến điểm và các khu vực quy hoạch mới. Xây dựng các vườn bách thảo phục vụ công tác này. Thủ đô Hà Nội hiện nay chỉ còn một số điểm như Công viên Thống Nhất, Vườn Bách Thảo, Vườn hoa Con Cóc... là còn giữ được nét vốn có của đô thị cổ và cần xem đó là các hình mẫu cho sáng tạo phát triển cây xanh đô thị cho tương lai.

Hợp tác với tư nhân để phát triển cây xanh

Các chuyên gia cho rằng, các hoạt động phát triển cây xanh đô thị giờ đây đã và đang gắn liền với đầu tư kinh doanh và phục vụ phúc lợi xã hội. Những năm gần đây, việc phát triển cây xanh đô thị cũng đã được xã hội hóa mạnh, đa dạng thành phần tham gia đầu tư kinh doanh. Việc cắt tỉa, chặt cây, bán gỗ, đầu tư cây trồng, thậm chí việc dịch chuyển một cây cổ thụ tốn kém hàng chục triệu đồng rất dễ bị lợi dụng, gây thất thoát. Do đó, các hoạt động liên quan đến phát triển cây xanh cần được công khai minh bạch trên hệ thống thông tin truyền thông.

Theo các chuyên gia, sự phân chia cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ đô thị sẽ trở nên tiện lợi, hiệu quả và nâng cao kết quả thực hiện nếu như chính quyền sở tại biết hợp tác, ghi nhận ý kiến đến từ các công ty tư nhân ngay từ thời điểm đầu quy hoạch và thiết kế đô thị, cũng như cả quá trình thực hiện. Kinh nghiệm và sự phê bình, góp ý của các nhân tố tư nhân này sẽ vô cùng hữu ích, góp phần quan trọng vào cải tiến quy hoạch đô thị của cơ quan chức năng.

Hơn hết, để phát huy sức mạnh của toàn xã hội, cần thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân tại các thành phố trồng và bảo vệ cây xanh ở cả các khu vực công cộng lẫn trong khuôn viên mỗi nhà. Càng nhiều mảng xanh nho nhỏ như thế góp lại, bức tranh tổng thể tại các đô thị Việt Nam sẽ ngày càng xanh tươi, sạch đẹp, hiệu quả hơn.

Như vậy, việc tiếp nhận ý kiến và hợp tác lâu dài với các công ty tư nhân trong việc quy hoạch và thiết kế đô thị là một việc vô cùng quan trọng đối với nhà quy hoạch để thực hiện công việc kiến tạo thành phố xanh, thông minh và hiệu quả hơn trong tương lai.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan