Thành phố ngầm: Bầu trời mới dưới lòng đất

(ĐTCK) Năm 1931, các công nhân xây dựng hoàn thành bước cuối cùng của tòa nhà Empire State tại New York. Ở độ cao 381m, đó là tòa nhà cao nhất trên thế giới và duy trì vị trí này cho tới năm 1972. Kể từ đó cho tới nay, các công trình cao ốc liên tục mọc lên, mà đỉnh cao hiện tại là tòa nhà Buji Khalifa, cao 828m.

Thế kỷ 20 được định danh là kỷ nguyên của những tòa nhà chọc trời. Tại mọi thành phố trên thế giới, các công trình không ngừng mọc lên với mục tiêu vươn cao hơn nữa. Tuy nhiên, bước sang thế kỷ 21, xu hướng vươn lên sắp đảo ngược, khi “bầu trời mới” của con người sẽ nằm ở dưới mặt đất.

Tại khắp các quốc gia phát triển, ở những khu đô thị đông đúc như Helsinki (Phần Lan), Paris, New York…, chính quyền các thành phố đang có kế hoạch đi sâu xuống mặt đất, để xây dựng không gian mới cho hoạt động của con người.

Một trong những lý do chính các thành phố phải đào sâu xuống lòng đất là do thay đổi khí hậu. Clara Irazabal, Tiến sĩ, phó giáo sư kế hoạch và kiến trúc đô thị tại Đại học Columbia cho biết: “Tại New York, chúng ta chứng kiến những biến động thời tiết bất ngờ trong vài năm qua. Điều này sẽ trở thành “bình thường” trong những năm sắp tới. Vì vậy, có lý do để các thành phố bảo vệ người dân, cũng như những thành tựu của con người dưới lòng đất. Trong khi đó, tại các thành phố có mức độ ô nhiễm cao như Hồng Kông hay Bắc Kinh, lòng đất là nơi có môi trường lành mạnh hơn cho sự sinh sống của con người”.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học khẳng định, việc kiểm soát nhiệt độ, mức độ lưu thông không khí dưới lòng đất là khả thi và khá dễ dàng. Chưa kể, công việc này đơn giản hơn nhiều so với việc đối phó với cái lạnh khắc nghiệt vào mùa đông hoặc nóng rát vào mùa hè trên mặt đất.

“Đây là xu hướng mà chúng ta cần phải chú ý hơn nữa khi các thành phố mới sẽ được xây dựng dưới lòng đất”, Clara nhận định.

Dưới đây là một số dự án mà các thành phố lớn trên thế giới đang thực hiện, để tạo nên một bầu trời mới dưới mặt đất cho con người.

London (Anh)

Thành phố ngầm: Bầu trời mới dưới lòng đất ảnh 1

Một nông trại không cần ánh mặt trời? Điều này tưởng chừng như bất khả thi. Nhưng tại London, Growing Underground - một nông trại thủy canh, không sử dụng hóa chất đang tồn tại và ngày càng được mở rộng.

Nằm trong một khu hầm thời chiến tại London, trang trại này đang tạo nên mô hình đầy hứa hẹn trong việc sử dụng không gian dưới lòng đất để sản xuất, phục vụ nhu cầu đời sống của con người. Chưa kể, kiểu canh tác này giúp giảm 70% lượng nước sử dụng so với cách canh tác thông thường trên mặt đất.

Bên cạnh đó, việc sử dụng lòng đất phục vụ sinh hoạt tại London đã nổi tiếng từ lâu trên toàn cầu, với hệ thống tàu nhanh được đưa vào sử dụng kể từ năm 1863. Hệ thống tàu dưới lòng đất này bao gồm 270 trạm dừng chân, 440km đường ray, chuyên chở gần 4,8 triệu lượt khách mỗi ngày.

New York (Mỹ)

Thành phố ngầm: Bầu trời mới dưới lòng đất ảnh 2

Những thành phố dưới lòng đất cũng cần có công viên, bởi nó phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của đời sống con người. Với ý tưởng này, Lowline - một công viên dưới mặt đất tại New York đã được xây dựng bằng việc cải tạo lại hệ thống đường ray ăn sâu dưới lòng đất.

Dự án này hiện đang được thực hiện, với kế hoạch mở cửa vào năm 2020, đặt mục tiêu trước mắt là tạo điểm đến mới lạ, một chuyến nghỉ dưỡng dễ chịu để con người dần làm quen với cuộc sống dưới lòng đất.

Ánh sáng tự nhiên sẽ được điều chuyển xuống dưới mặt đất nhờ một hệ thống đặc biệt mang tên “remote skylights” (điều khiển cửa trời).

Montreal (Canada)

Điều gì xảy ra khi bạn sống ở một thành phố mà nhiệt độ thường dưới âm 20 độ C vào mùa Đông? Bạn sẽ muốn “sống trong hang”, hay hiện đại hơn là xây dựng các khu phức hợp dưới lòng đất. RÉSO – khu phức hợp lớn nhất dưới lòng đất trên thế giới – đã được đưa vào sử dụng kể từ những năm 1960 và là hình mẫu cho các thành phố đang bắt đầu tìm đường vào lòng đất.

Khu phức hợp này bao gồm trung tâm thương mại nhiều tầng, khách sạn, nhà hàng, nhà ga tàu điện và tất cả được kết nối bằng những tuyến đường ngầm. Điều này đồng nghĩa với việc, bạn có thể thoải mái tận hưởng cuộc sống mà không cần bận tâm tới giá lạnh trên mặt đất.

Helsinki (Phần Lan)

Bể bơi, nhà thờ, sân chơi hockey, trung tâm thông tin, công nghệ có điểm gì chung? Ở các nơi khác có lẽ là không, nhưng tại Helsinki, điểm chung là tất cả đều nằm dưới lòng đất.

Trong nỗ lực chống lại cái lạnh và bầu trời âm u, Helsinki, thủ đô của Phần Lan đã bắt đầu xây dựng hệ thống các công trình công cộng và mở rộng không gian dưới lòng đất kể từ năm 2011.

Helsinki gọi đây là “Underground Master Plan (Kế hoạch làm chủ lòng đất) và kể từ năm 2011 – 2014, các kỹ sư đã xây dựng được hơn 400 công trình, bao gồm nhà ở, trung tâm mua sắm, nhà kho dữ trữ, nơi chứa dầu và than đá, công trình dưới nước (bể bơi). Tất cả đều ở độ sâu 30m dưới lòng đất. Theo website của Thành phố, còn hơn 200 dự án dài hạn nữa đã được lên lịch thực hiện.Singapore

Điều gì xảy ra khi diện tích thành phố quá bé nhỏ trong khi dân số không ngừng tăng trưởng? Câu trả lời là các tòa nhà không chỉ vươn cao hơn, mà còn phải tăng trưởng cả trong lòng đất. Singapore có diện tích rất nhỏ bé, để chuẩn bị cho việc dân số sinh sôi, chính quyền Thành phố này đã lựa chọn gấp đôi diện tích sinh sống bằng các dự án dưới lòng đất.

Theo đó, các trung tâm nghiên cứu đều sẽ được đưa xuống dưới lòng đất, trong khi các nhà hàng, trung tâm thương mại đều đã sẵn sàng để bước vào “bầu trời mới”.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan