Các lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phá thành công chuyên án, bắt giữ một đối tượng lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 8 tỷ đồng.
Đối tượng bị bắt giữ là Lê Thanh Phụng (18 tuổi), trú tại phường 3, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị, đã từng có 2 tiền sự về hành vi tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy.
Qua điều tra, đối tượng lập tài khoản Facebook ảo tham gia vào các hội nhóm của đạo Thiên chúa và kết bạn với các Linh mục, Sơ rồi kết bạn làm quen với nhiều người trong nhóm.
Sau khi nhắm được đối tượng, Phụng bắt đầu nhắn tin, gọi điện nói chuyện rồi ngỏ ý muốn chuyển tiền làm từ thiện, khi nạn nhân tin tưởng, y gửi link đề nghị họ đăng nhập, cung cấp các thông tin theo yêu cầu rồi chiếm đoạt toàn bộ tiền trong tài khoản nạn nhân.
Đầu tháng 3/2021, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế nhận được đơn trình báo của của bà T.H, trú tại thành phố Huế mất số tiền 537 triệu đồng. Bà T.H cho biết: Là người hướng thiện, nên bà hay đứng ra nhận quyên góp tiền ủng hộ từ nhiều nơi rồi chuyển đến cho những hoàn cảnh khó khăn.
Ngày 8/3/2021, bà T.H nhận được tin nhắn từ số điện thoại lạ thông báo với nội dung tiền ủng hộ 23 triệu đồng. Sau khi nhắn tin, chủ thuê bao nói trên đã gọi điện và hối thúc bà bấm vào đường link mà họ gửi để nhận tiền thành công. Tin tưởng, bà H. đã làm theo hướng dẫn, và bị mất toàn bộ tiền trong tài khoản.
Qua quá trình điều tra, xác minh vụ án bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà T.H cũng như công tác đấu tranh với đối tượng, Công an Thừa Thiên Huế cũng đã bước đầu xác định, ngoài bà H, đối tượng Lê Thanh Phụng đã lừa đảo chiếm đoạt của nhiều nạn nhân trên cả nước, số tiền lừa đảo ước tính gần 8 tỷ đồng.
Thiếu tá Trần Ngọc Tuấn, Đội trưởng, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Thủ đoạn của tượng Phụng rất tinh vi, để đánh lạc hướng cơ quan Công an, số tiền chiếm đoạt được Phụng không trực tiếp chuyển toàn bộ tiền vào tài khoản ngân hàng cá nhân mà y hack tài khoản ngân hàng của người khác; chia nhỏ số tiền này ra, một phần y chuyển vào tài khoản đã chiếm đoạt được và phần còn lại chuyển vào các tài khoản game online, sau đó mới rút ra.
“Tiếp cận các bị hại đối tượng thông báo có nhu cầu được đóng góp tiền từ thiện. Khi trao đổi quá trình đóng góp tiền từ thiện, các bị hại tin rằng đối tượng có nhu cầu thiện nguyện thật và nói rằng bị hại phải cung cấp các thông tin, tài khoản ngân hàng để nhận tiền. Khi bị hại cung cấp thông tin thì lập tức bị chiếm đoạt và lấy hết tiền”, Thiếu tá Trần Ngọc Tuấn nói.