Cụ thể, tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), giá thanh long ruột đỏ loại 1 (quả to, đẹp) hiện là 45.000 đồng/kg, loại 2 là 40.000 đồng/kg. Thanh long ruột trắng gái rẻ hơn thanh long ruột đỏ 5.000 đồng/kg.
Tương tự, tại vỉa hè đường Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân, Hà Nội), thanh long được chất đống đầy đường, mỗi điểm bán số lượng cũng lên đến cả tấn. Song, giá bán cũng ở mức 40.000 đồng/kg thanh long ruột đỏ, 20.000-30.000 đồng/kg với thanh long ruột trắng, tùy loại to nhỏ.
Tương tự, các tiểu thương tại chợ cũng cho biết, thanh long ruột đỏ là hàng hiếm, không có nhiều như thanh long ruột trắng nên giá luôn ở mức đắt đỏ. Thời điểm rẻ nhất giá cũng ở mức 35.000 đồng/kg.
Chị Nguyễn Hoàng Lan ở Trần Cung (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, ngày rằm vừa rồi chị còn phải mua thanh long ruột đỏ với giá lên đến 50.000 đồng/kg, nay giảm còn 45.000 đồng/kg.
“Thấy giá đắt cũng thắc mắc vì bạn bè trong Sài Gòn bảo đang ăn thanh long trừ bữa thì chủ hàng thanh minh ngoài Bắc thanh long ruột trắng còn nhiều chứ hàng ruột đỏ lúc nào cũng hiếm nên giá chẳng bao giờ rẻ”, chị Lan nói.
Theo một chuyên gia kinh tế, chuyện mua rẻ bán đắt không phải là chuyện với riêng quả thanh long mà với rất nhiều quả khác như chôm chôm, mít, chanh... Đây là chuyện muôn thuở của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Vị chuyên gia này lý giải, nguyên nhân là do khâu phân phối, nếu điều chỉnh lại, cho doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư vào nông nghiệp, liên kết với nông dân thì sẽ không còn tình trạng nông sản tại nhà vườn bị thương lái ép giá để mua với giá thấp, còn tại chợ thì tiểu thương bán cho người tiêu dùng với giá cao. Từ đó, bao nhiêu thiệt thòi đều dồn cho nông dân và người tiêu dùng, tiền lãi đổ đầy vào túi tiểu thương.