Thanh lọc để phát triển ngành công nghiệp game tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
Ngành game Việt Nam cần dọn dẹp các chướng ngại vật để hiện thực hóa giấc mơ ngành công nghiệp tỷ USD.
Ngành game Việt Nam cần một hành lang pháp lý để phát triển bền vững. Ảnh: Đức Thanh

Ngành game Việt Nam cần một hành lang pháp lý để phát triển bền vững. Ảnh: Đức Thanh

Tiềm năng lớn

Game Việt đang vào thời hưng thịnh. Theo đó, cứ 25 game tải lên các kho ứng dụng thì có 1 là của Việt Nam, cứ 10 game mobile được chơi nhiều nhất thì cũng có tới 5-6 tựa của Việt Nam, 5/10 game studio hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương và Australia là của Việt Nam. Việt Nam cũng có studio lọt top 15 lượt tải toàn cầu (tương đương với sản phẩm của các ông lớn như Microsoft, Facebook).

Từ năm 2021, Việt Nam nổi lên như một “thủ phủ” của game blockchain với cú hích của Axie Infinity - game NFT có giá trị vốn hóa hơn 8 tỷ USD và hàng loạt game blockchain đình đám khác như My DeFi Pet, Faraland, MeebMaster, Theta Arena… Đến năm 2022, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, con số dự án blockchain đã lên tới khoảng 600, trong đó chủ yếu là các dự án về GameFi.

Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, năm 2021, tổng doanh thu ngành công nghiệp game Việt Nam ước đạt 14.500 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2020. Nhưng trên thực tế, doanh thu của ngành game Việt Nam có thể lớn hơn rất nhiều.

Theo ông Đỗ Cao Bảo, thành viên HĐQT Tập đoàn FPT, Việt Nam được xếp hạng 7 trong các quốc gia phát hành mobile game trên toàn cầu. Nếu phát huy hết tiềm năng, chúng ta có thể đưa thị phần xây dựng mobile game Việt Nam từ 1,2% hiện nay lên 3-4% thị phần toàn cầu. Điều này có nghĩa ngành công nghiệp phát hành mobile game của Việt Nam có thể đạt quy mô 3,5-4,5 tỷ USD/năm.

Còn ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đánh giá, Việt Nam đã vươn lên vị trí số 1 về NFT trên thế giới, Việt Nam cũng đứng hàng đầu thế giới về tải các trò chơi. Đây là cơ hội lớn nhất cho Việt Nam trong tương lai. Công nghiệp game lớn gấp chục lần phần mềm.

Có thể nói, ngành game Việt đang đứng trước cơ hội phát triển cực lớn khi đã và đang tạo ra những sản phẩm và xu hướng game mới, thu hút nguồn vốn đầu tư lớn vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, để trở thành một quốc gia có ngành công nghiệp game thực sự, được sự ủng hộ của Chính phủ và người dân, bản thân các thị trường game cần phải có sự thanh lọc lớn.

Cắt bỏ các khối u nhọt trên thị trường

Đầu tiên là sự phát triển quá nóng theo trào lưu của game blockchain đã khiến các dự án game blockchain mọc lên như nấm, nhưng năng lực sản xuất có hạn. Các dự án vẽ ra rất hoành tráng về đồ họa, lộ trình, cam kết… để thu hút đầu tư, nhưng không thể có năng lực, nhân lực làm được. Rất nhiều dự án mua mã nguồn từ các trang web của Trung Quốc với giá vài ngàn đến vài chục ngàn USD, hoặc mua đồ họa của nước ngoài về dựng clip, sau đó gọi vốn đầu tư với cam kết lãi x10, x100.

Hàng loạt dự án lừa đảo, “lùa gà” nhà đầu tư xuất hiện. Điển hình như chuỗi dự án Ccar, Cpan, Cguar đã chiếm đoạt của các nhà đầu tư và người chơi lên tới hơn 2.000 tỷ đồng; Zodiac bị các nhà đầu tư tố cáo đã đánh cắp số tiền hơn 50 tỷ đồng; dự án Crypto Bike chiếm đoạt 30 tỷ đồng… không chỉ khiến nhà đầu tư mất tiền, mà còn làm cho thị trường game mới nóng lên chốc lát đã nguội lạnh.

Theo ông Nguyễn Thành Trung, CEO Axie Infinity, các dự án lừa đảo không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà ở khắp nơi trên thế giới. Để hạn chế tình trạng này, việc có hành lang pháp lý là điều cấp thiết, bởi đây là lĩnh vực thu hút được nguồn đầu tư lớn từ các quỹ đầu tư và làm trong sạch thị trường.

Tồn tại lớn thứ 2 của thị trường là tình trạng một số doanh nghiệp game trong nước có dấu hiệu núp bóng, làm đại lý phát hành game cho các doanh nghiệp nước ngoài để trốn tránh nghĩa vụ đóng thuế.

Theo ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), hiện nay, bên cạnh các trò chơi điện tử trên mạng đã được thẩm định và cấp phép phát hành theo đúng quy định, thì vẫn còn tồn tại khá nhiều trò chơi không phép, game đánh bạc, đổi thưởng, chủ yếu cung cấp trên các kho ứng dụng xuyên biên giới vào Việt Nam, gây ảnh hưởng đến tâm sinh lý người chơi, nhất là đối với lứa tuổi thanh, thiếu niên.

Đặc biệt, có tình trạng một số doanh nghiệp không thực hiện lưu trữ thông tin cá nhân người chơi tại hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam, không kết nối thanh toán với hệ thống thanh toán hợp pháp trong nước, mà đặt tại nước ngoài.

“Trong khi doanh nghiệp game trong nước phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện, cam kết ngặt nghèo mới được cấp phép, phát hành, thì các doanh nghiệp xuyên biên giới vi phạm pháp luật, cạnh tranh không lành mạnh, trốn nghĩa vụ nộp thuế, khiến thị phần doanh nghiệp Việt sụt giảm, các studio giờ chỉ còn gia công, làm thuê”, Giám đốc một công ty game cho biết.

Theo ông Bùi Thanh Tùng, Phó giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ, Điện toán và Truyền thông quốc gia, để ngành game có thêm uy tín, cần có các chính sách khuyến khích sản xuất game lành mạnh và có chế tài ngăn chặn các hành vi lợi dụng để đưa cờ bạc vào game, ngăn chặn game còn mang tính đồi trụy, gây tò mò, bất chấp hậu quả để thu lợi nhuận.

Các doanh nghiệp mong mỏi có một môi trường cạnh tranh bình đẳng với các nhà phát hành xuyên biên giới. Bên cạnh việc thanh lọc thị trường, các doanh nghiệp ngành game đang cần hành lang pháp lý cho game blockchain phát triển để không phải ra nước ngoài “khai sinh”. Đồng thời, hoàn thiện các quy định pháp luật về loại hình game NFT nói riêng và tài sản số, tiền số nói chung.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử phối hợp với Cục An ninh chính trị nội bộ A03 (Bộ Công an) xử lý hơn 10 trường hợp, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính. Đồng thời, yêu cầu Google gỡ 284 game cờ bạc, đổi thưởng, game bạo lực, game không phép tại Việt Nam. Apple gỡ 66 game cờ bạc, đổi thưởng, không phép, game có nội dung vi phạm. Facebook đã gỡ 484 fanpages quảng cáo game cờ bạc, đổi thưởng.

Tin bài liên quan