Nếu đại lý bảo hiểm duy trì cách bán bằng mọi giá thì việc khách hàng hủy hợp đồng cũng điều dễ hiểu

Nếu đại lý bảo hiểm duy trì cách bán bằng mọi giá thì việc khách hàng hủy hợp đồng cũng điều dễ hiểu

Thanh lọc đại lý bảo hiểm đang diễn ra mạnh mẽ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Từng cứu hủy nhiều hợp đồng bảo hiểm của nhiều công ty bảo hiểm trong năm 2024 như Dai-ichi, Manulife, Hanwha, AIA, Prudential…, Trưởng ban Hỗ trợ giải quyết quyền lợi bảo hiểm nhân thọ, Học viện Bảo hiểm và Quản trị rủi ro tài chính (IFRM), bà Hồ Thị Ngọc Như đã có cuộc trao đổi cùng Báo Đầu tư Chứng khoán xung quanh vấn đề này.

Là người có công cứu hủy miễn phí nhiều hợp đồng bảo hiểm, theo bà, những điểm chung dẫn đến việc hủy hợp đồng từ khách hàng này là gì?

Điểm chung đầu tiên của các khách hàng hủy hợp đồng đều được tư vấn bảo hiểm theo hướng tiết kiệm và đầu tư. Tuy nhiên, khi họ hiểu ra rằng bảo hiểm là phải bỏ tiền ra để mua sự bảo vệ và trong trường hợp hủy hợp đồng thì số tiền nhận lại không được bao nhiêu, từ đó họ mất niềm tin và quyết định hủy các hợp đồng bảo hiểm này.

Thứ hai là khách hàng nhận ra niềm tin đối với bảo hiểm không còn vì một số đại lý bảo hiểm tư vấn không đúng nên khi có rủi ro xảy ra, khách hàng không nhận được những quyền lợi giống như tư vấn, điều này đã khiến các khách hàng truyền tai nhau và một số họ đã mang hợp đồng ra hủy.

Thứ ba, thị trường bảo hiểm dù được cải thiện nhưng vẫn còn “lùm xùm” dẫn đến niềm tin bảo hiểm giảm sút nhiều và khách hàng không muốn giữ lại hợp đồng, bởi lo sợ trong trường hợp rủi ro không may ập đến bất ngờ, họ cũng có thể không được công ty bảo hiểm chi trả.

Bà có thể nói rõ hơn cách làm của mình để giúp các khách hàng này thay đổi quyết định và không hủy hợp đồng bảo hiểm?

Bà Hồ Thị Ngọc Như, Trưởng ban Hỗ trợ giải quyết quyền lợi bảo hiểm nhân thọ, Học viện Bảo hiểm và Quản trị rủi ro tài chính (IFRM)
Bà Hồ Thị Ngọc Như, Trưởng ban Hỗ trợ giải quyết quyền lợi bảo hiểm nhân thọ, Học viện Bảo hiểm và Quản trị rủi ro tài chính (IFRM)

Để cứu hủy những hợp đồng này, tôi đã phân tích về các ý nghĩa của bảo hiểm và tầm quan trọng của bảo hiểm nhân thọ đối với mỗi gia đình. Song song đó, tôi nhấn mạnh rằng việc mua bảo hiểm là phải mất phí. Đặc biệt, nếu huỷ hợp đồng bảo hiểm trong vòng 3-4 năm đầu tiên, khách hàng sẽ bị tổn thất lớn về mặt tài chính bởi các loại phí liên quan đến quản lý hợp đồng thường khá cao vào những năm đầu tiên và giảm dần các năm về sau.

Sau khi các khách hàng hiểu ra giá trị của việc duy trì các hợp đồng bảo hiểm và nhận thấy tổn thất khoản tiền đã đóng trong nhiều năm, thì họ quyết định tiếp tục tham gia những hợp đồng này bên cạnh lời hứa trong trường hợp khách hàng có rủi ro có thể liên hệ với tôi để được hỗ trợ.

Nhiều năm qua, tôi đã nhận việc “chăm sóc” những hợp đồng này của tất cả các công ty bảo hiểm. Dù không phải là khách hàng của mình (không mua bảo hiểm thông qua mình và mình cũng không phải là đại lý tư vấn bảo hiểm cho họ), nhưng trong trường hợp họ có vấn đề hoặc cần có sự hỗ trợ, thì tôi sẽ là người hỗ trợ trực tiếp để có thể cứu hủy được nhiều hợp đồng bảo hiểm nhất.

Cuộc thanh lọc đại lý bảo hiểm nhân thọ vẫn đang diễn ra mạnh mẽ khi các công ty bảo hiểm bắt buộc đại lý ghi âm trong quá trình tư vấn bảo hiểm. Hàng loạt đại lý phải nghỉ việc do không đủ năng lực để tiếp tục hoạt động trong nghề. Liệu việc hút các lực lượng lao động mới từ ngành khác như ngành hàng không, taxi, du lịch, hàng hóa, mỹ phẩm, thực phẩm..., sẽ mang đến những thuận lợi và khó khăn gì trong việc bán bảo hiểm?

Cuộc thanh lọc đại lý bảo hiểm nhân thọ đang diễn ra mạnh mẽ khi các công ty bảo hiểm bắt buộc đại lý ghi âm cuộc tư vấn trong quá trình tư vấn bảo hiểm. Tuy nhiên, việc ghi âm trong quá trình tư vấn chỉ loại trừ được 2 đối tượng đại lý bảo hiểm, đó là những người lớn tuổi và những người thiếu chuyên môn nghiệp vụ, họ không đáp ứng được sự phát triển của công nghệ nói chung cũng như không bắt kịp được yêu cầu về ghi âm, còn đối với các đại lý bảo hiểm thiếu chuyên môn nghiệp vụ nhưng còn trẻ, họ vẫn có thể vượt qua thử thách này và vẫn còn hoạt động trên thị trường.

Đối với lực lượng lao động từ ngành khác chuyển sang, theo tôi chưa chắc tốt cho ngành bảo hiểm. Bởi lẽ, để làm một người đại lý bảo hiểm cần phải có chuyên môn nghiệp vụ, phải nắm chắc những kiến thức về bảo hiểm, thậm chí có cả những kiến thức liên quan tới nhiều ngành nghề khác như ngành y, lĩnh vực pháp lý như luật thừa kế, để có thể hỗ trợ khách hàng trong quá trình xuyên suốt hợp đồng, nhất là khi khách hàng gặp vấn đề liên quan đến rủi ro bảo hiểm.

Theo bà, số lượng người bán bảo hiểm (đại lý bảo hiểm) nghỉ việc có tiếp tục tăng trong năm 2025? Với dung lượng thị trường như hiện tại thì có bao nhiêu đại lý bảo hiểm là đủ?

Trong năm 2025, số lượng người bán bảo hiểm nghỉ việc được dự báo sẽ tiếp tục tăng, tập trung chủ yếu là những người lớn tuổi, những người không đáp ứng được sự phát triển của công nghệ cũng như những người thiếu kiến thức, thiếu chuyên môn nghiệp vụ.

Về việc dự báo số lượng đại lý bảo hiểm đủ để đáp ứng cho thị trường là không hề dễ. Tuy nhiên, hiện thị trường bảo hiểm đang cần những đại lý có chuyên môn nghiệp vụ giỏi, có đạo đức nghề nghiệp để có thể lấy lại lòng tin của khách hàng, nhằm phát triển thị trường hơn trong tương lai. Bởi thực tế, dù được cải thiện so với trước, tình trạng “ép” mua bảo hiểm khi vay ngân hàng cũng giảm bớt, nhưng dư âm những vụ “lùm xùm” trên thị trường vẫn âm ỉ, chưa được các công ty bảo hiểm giải quyết dứt điểm, khách hàng kiện công ty bảo hiểm ngày càng nhiều bên cạnh việc xuất hiện thêm một số chiêu trò mới từ phía bên bán bảo hiểm qua ngân hàng.

Chiêu trò mới cụ thể là gì và có thể ảnh hưởng ra sao đến việc duy trì hợp đồng?

Bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm tài chính dài hạn, thường phải đóng phí 10 - 20 năm liên tục trở lên. Số tiền đóng phí bảo hiểm chiếm từ 10 - 15%, thậm chí là 20% tổng thu nhập cả năm của một người. Vì vậy, khách hàng cần phải có sự chuẩn bị về về tài chính một cách chủ động, rõ ràng khi muốn tham gia bảo hiểm nhân thọ.

Chưa kể, bảo hiểm nhân thọ còn liên quan đến sức khỏe và tính mạng của con người khi khách hàng tham gia không may xảy ra rủi ro như đau ốm, tai nạn, mắc bệnh hiểm nghèo, tử vong.... Do đó, cần có sự tư vấn minh bạch và chuyên nghiệp từ đại lý bảo hiểm.

Tuy nhiên mới đây, một khách hàng kể lại, chị đã tới một ngân hàng lớn để vay vốn làm ăn, tài sản thế chấp là mảnh đất. Do Bộ Tài chính đã có quy định cấm ngân hàng bán bảo hiểm liên kết đầu tư kèm khoản vay, nên nhân viên ngân hàng đã "lách" bằng cách khác, đó là khách hàng này buộc phải chi 50 triệu đồng để mua bảo hiểm nhân thọ cho… người thân của mình đứng tên nếu muốn được giải ngân.

Việc bị ép mua bảo hiểm nhân thọ khiến khách hàng buộc phải chi một khoản tiền lớn, song có thể tiềm ẩn rủi ro khách hàng không được bồi thường khi có sự cố xảy ra. Điều này sẽ khiến khách hàng mất niềm tin và có thể quyết định “dừng chơi” và nguy cơ hủy hợp đồng trong tương lai là cao.

Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng phối hợp Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã thiết lập đường dây nóng để nắm bắt và xử lý phản ánh, kiến nghị từ người dân liên quan đến hoạt động bán bảo hiểm của kênh ngân hàng. Do đó, cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn, có cơ chế xử phạt mạnh và thực thi việc xử này nghiêm minh.

Tuy nhiên, nếu vẫn duy trì cách bán bảo hiểm bằng mọi giá, thì việc khách hàng hủy hợp đồng cũng là điều dễ hiểu và việc cứu hủy hợp đồng bảo hiểm giúp các doanh nghiệp bảo hiểm không phải lúc nào cũng thành công.

Chỉ khi được mua một cách tự nguyện, thông qua cách bán minh bạch và sòng phẳng, chi trả quyền lợi đàng hoàng thì niềm tin của người dân với bảo hiểm mới được khôi phục và củng cố.

Tin bài liên quan