Mô hình điện mặt trời mái nhà trên nóc Nhà máy của Công ty Bao bì Kim Đức ở huyện Bến Lức, Long An (Ảnh: Minh Minh)

Mô hình điện mặt trời mái nhà trên nóc Nhà máy của Công ty Bao bì Kim Đức ở huyện Bến Lức, Long An (Ảnh: Minh Minh)

Thành lập tổ công tác phản ứng nhanh về mua bán trực tiếp điện tái tạo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, tổ công tác này của Bộ Công thương ra đời để xử lý tình huống khó khăn khẩn cấp sau khi Chính phủ cho phép nhà phát điện tái tạo được bán trực tiếp cho các khách hàng lớn.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024 do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 6/7, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã trả lời báo chí về hoạt động triển khai Nghị định mua bán trực tiếp nguồn điện năng lượng tái tạo mà Chính phủ vừa thông qua ngày 3/7.

Thứ trưởng cho biết, ngày 3/7, Chính phủ đã thông qua Nghị định 80/2024/NĐ-CP quy định cơ chế mua bán trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn.

Trong đó, nổi bật là Chính phủ cho phép các nhà phát điện tái tạo được quyền bán trực tiếp cho khách hàng lớn thông qua đường dây riêng hoặc sử dụng đường dây lưới điện truyền tải quốc gia của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Về việc triển khai Nghị định này, Thứ trưởng Bộ Công thương cho hay, sau hai ngày khi Chính phủ ban hành Nghị định nói trên, ngày 5/7 Bộ trưởng Bộ Công thương đã chủ trì hội nghị với 63 tỉnh, thành, các bộ ngành, cơ quan trung ương, các tổ chức quốc tế có liên quan về các quy định về mua bán điện trực tiếp được đưa ra tại Nghị định 80 nói trên.

Ông Tân cho rằng, Nghị định 80 của Chính phủ về cơ chế mua bán điện giữa nhà phát triển điện tái tạo với khách hàng lớn là lần đầu tiên được đưa ra và là chính sách mới nên còn đó những khó khăn khi thực hiện trong thực tế.

“Đầu tiên là vấn đề khó khăn khi nhà phát triển điện tái tạo được bán điện cho khách hàng lớn không qua đường truyền tải quốc gia mà sử dụng đường dây riêng. Vấn đề này, đơn vị phát điện và khách hàng lớn phải tự thoả thuận với nhau”, ông Tân nói.

Ngoài ra, theo lãnh đạo Bộ Công thương, các nội dung cụ thể trong hợp đồng, Bộ Công thương tôn trọng sự thoả thuận giữa hai bên. "Tuy nhiên, tôi nghĩ chắc chắn sẽ có lúng túng, vì các bên sẽ không biết dựa trên cơ sở nào để thoả thuận”, ông Tân nói.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân trả lời tại họp báo Chính phủ chiều 6/7

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân trả lời tại họp báo Chính phủ chiều 6/7

Thứ hai là kết nối giữa đơn vị phát điện tái tạo lên lưới điện quốc gia, vấn đề đặt ra phải đảm bảo an toàn, ổn định cho hệ thống truyền tải điện, nhu cầu đáp ứng của khách hàng và nhu cầu đơn vị vận hành điện nhằm hài hoà lợi ích của các bên.

“Với cơ chế mới này, bản thân các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo, đơn vị truyền tải của điện lực, Trung tâm Điều độ hệ thống điện (A0) sẽ phải thực hiện quy trình riêng để vận hành lưới điện”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bộ Công thương khẳng định, Bộ sẽ theo dõi hướng dẫn, rà soát nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân và ngành điện được thực hiện đúng quy định của Chính phủ.

Đồng thời, Bộ Công Thương đưa giải pháp thời gian sắp tới sẽ rà soát các quy định về quy hoạch điện, quy hoạch xây dựng, công tác phòng cháy chữa cháy để phát triển các nhà máy điện tái tạo phù hợp, phục vụ khách hàng lớn tốt hơn.

Đối với EVN và các đơn vị vận hành, Bộ Công thương cho biết đã yêu cầu các đơn vị này phải xây dựng quy trình làm sao để đảm bảo vận hành điện của các đơn vị phát điện mới theo hướng mở, thuận lợi.

“Cơ chế mới sẽ có khó khăn và Bộ Công thương đã dự báo được trước. Tuy nhiên, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và làm tốt hơn. Bộ Công thương đã thành lập tổ công tác phản ứng nhanh để xử lý, giải quyết vấn đề mua bán điện trong tình huống khẩn cấp”, ông Tân nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 3/7, Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với Khách hàng sử dụng điện lớn. Theo Nghị định này, mua bán điện trực tiếp là hoạt động mua bán giao nhận điện năng được thực hiện thông qua 2 hình thức sau:

- Mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng là hoạt động ký hợp đồng mua bán điện và giao nhận điện năng qua đường dây kết nối riêng giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn.

- Mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia là hoạt động mua bán điện thông qua hợp đồng kỳ hạn giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn (hoặc đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được ủy quyền) và hoạt động mua bán điện thực hiện theo quy định tại Chương III Nghị định 80/2024/NĐ-CP bao gồm: Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo bán toàn bộ điện năng sản xuất vào thị trường điện giao ngay của thị trường bán buôn điện cạnh tranh; Khách hàng sử dụng điện lớn hoặc đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được ủy quyền ký hợp đồng mua bán điện với Tổng công ty Điện lực (hoặc đơn vị được ủy quyền/phân cấp) để mua toàn bộ điện năng đáp ứng nhu cầu;…

Tin bài liên quan