Phiên thảo luận về cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng của Quốc hội
Nhân rộng ngay, không chờ đợi
Thảo luận tại hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng, diễn ra cuối tuần qua, đề xuất thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm.
Cho biết rất ủng hộ việc thành lập khu thương mại tự do, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) nói, đây là một cơ chế rất thành công trên thế giới, đặc biệt với những nước có ưu thế về cảng biển, như Singapore (có 9 khu thương mại tự do), Trung Quốc (có 21 khu), Philippines, Indonesia, Malaysia... Hơn 30 năm qua, khu thương mại tự do phát triển rất hiệu quả và đóng góp vào sự phát triển chung của các nước đó.
Với bờ biển dài 3.260 km, rất đẹp và đã quy hoạch 34 cảng biển quốc tế, ông Ngân cho rằng, Việt Nam rất thuận lợi để lập các khu thương mại tự do và Đà Nẵng đi đầu thực hiện cơ chế thí điểm.
Đề nghị phân cấp trọn gói để Đà Nẵng triển khai thành công mô hình này, ông Ngân bày tỏ quan điểm, khi Đà Nẵng triển khai thành công sẽ nhân rộng và nhân rộng ngay, chứ không phải chờ đợi. Lý do là, nhiều thành phố, địa phương có đặc điểm tương tự, có nhiều cảng kết nối với khu thương mại tự do, như Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Ngãi, Cần Thơ, Trà Vinh, TP.HCM, nên có thể áp dụng được ngay.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Quốc hội khi thông qua nghị quyết về Đà Nẵng, trong đó có cơ chế, chính sách đặc thù cho khu thương mại tự do thì cũng cho các tỉnh, thành phố khác được thành lập khu thương mại tự do và được thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù như với TP. Đà Nẵng.
Việc này, theo đại biểu Yến, là để kịp thực hiện quy hoạch và vì sự phát triển đồng bộ của cả nước. Bà Yến kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo thực hiện để đảm bảo sự kịp thời.
“Nếu chúng ta chờ khi TP. Đà Nẵng thực hiện xong, rồi sau đó mới tổ chức sơ kết, tổng kết để nhân rộng, thì không kịp thời gian để cho các tỉnh, thành phố khác thực hiện. Hiện nay, TP. Hải Phòng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang xây dựng khu thương mại tự do trong điều kiện được sự cho phép của Thủ tướng”, bà Yến nói thêm.
Cũng đồng tình rất cao với việc thành lập khu thương mại tự do, song đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng, cần phải có quy định về quản lý nhà nước đối với khu này. “Nếu không có quy định ngay trong nghị quyết này, thì sẽ thiếu một hành lang pháp lý để quản lý. Khi đó sẽ quay lại áp dụng các quy định của pháp luật hiện hành và sẽ làm phá vỡ cơ chế đặc thù”, ông Bình nói.
Nhấn mạnh rằng, đã đặc thù về cơ chế, chính sách, thì quản lý phải đặc thù, vị đại biểu Quảng Nam đề nghị bổ sung quy định về quản lý nhà nước, trong đó lưu ý về quản lý các dịch vụ tài chính, giám sát, giao dịch ngoại hối, tài chính quốc tế, thuế và các ưu đãi tài chính khác theo cơ chế quản lý hết sức đặc thù.
Ông Bình cũng lưu ý việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho TP. Đà Nẵng, đồng thời, các cơ quan trung ương, đặc biệt các bộ, ngành liên quan hết sức tạo điều kiện trong việc phân bổ nguồn lực, kinh phí và các điều kiện khác để giúp TP. Đà Nẵng thực hiện một cách triệt để quy định về cơ chế đặc thù, đảm bảo công khai, minh bạch, an toàn và thu hút đầu tư.
“Tôi muốn nhấn mạnh, những cơ chế đặc thù này phải được quản lý bằng những cơ chế, chính sách quản lý nhà nước đặc thù, từ đó mới tạo động lực và cơ hội, cũng như đẩy nhanh tiến trình thu hút đầu tư và phát huy hiệu quả của nghị quyết này, đặc biệt là khu thương mại tự do”, đại biểu Bình phát biểu.
“Không có lý do gì chúng ta không ủng hộ Đà Nẵng”
Lần trước, khi thảo luận về cơ chế, chính sách cho Đà Nẵng, tôi đã mạnh dạn đưa ra một đề xuất là, nên chăng TP. Đà Nẵng bầu Chủ tịch UBND Thành phố trực tiếp bằng lá phiếu của nhân dân. Lúc đó, có người ủng hộ, có người không ủng hộ, nhưng đó là bước đi dân chủ. Tiến thêm một bước đi dân chủ, tôi thấy là cần thiết, nên đề nghị Quốc hội cũng như Đảng, Chính phủ quan tâm. Quy trình bầu đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, đảm bảo sự thống nhất của Hội đồng Nhân dân, giới thiệu của Mặt trận Tổ quốc và đưa ra ứng cử. Đó là vấn đề trong chính quyền đô thị. Tôi rất mong muốn điều đó.
Đại biểu Vũ Trọng Kim (Nam Định)
Hồi âm sự quan tâm đặc biệt của nhiều đại biểu về Khu thương mại tự do Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói, đây là một mô hình mới đối với Việt Nam, nhưng đối với quốc tế, thì không có gì mới cả, có nơi, như đại biểu nêu, đã có từ 70 năm trước.
Bộ trưởng cũng nói rõ, đây là một khu chức năng, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư, thu hút tài chính, thu hút thương mại, thu hút du lịch và các dịch vụ chất lượng cao.
Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư hiện nay, Bộ trưởng nhấn mạnh, nước nào tạo được môi trường đầu tư tốt, thì dòng đầu tư sẽ về.
“Việt Nam đang cạnh tranh rất mạnh với Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc. Trung Quốc lập các khu thương mại tự do với một phương châm không cầu toàn. Riêng khu thương mại tự do tại Thượng Hải, trong 12 năm, họ sửa 6 lần, càng ngày càng mở, càng ngày càng cạnh tranh, có cái gì mới, cái gì hay là họ làm, chứ không cầu toàn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ thực tế mà ông đã tham khảo.
Người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư cho biết, hiện nay, ngoài các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, lao động, nguồn lực, có 2 chính sách rất quan trọng với Khu thương mại tự do Đà Nẵng.
Thứ nhất, đột phá về thủ tục hành chính. Ông nêu ví dụ, ở Thượng Hải (Trung Quốc), một nhà máy ô tô của Tesla quy mô 2 - 3 tỷ USD, từ khi khởi công đến khi đưa vào khai thác sử dụng chỉ có 11 tháng. Một trung tâm thương mại mấy trăm triệu USD từ khi khởi công đến khi hoàn thành đưa vào khai thác cũng chỉ mất 68 ngày.
“Tại sao người ta lại làm được như vậy? Vẫn là thủ tục hành chính. Lần này, Đà Nẵng có đề xuất và chúng tôi rất ủng hộ, là phải thí điểm đưa cơ chế thật đột phá về thủ tục hành chính vào đó, là một cửa tại chỗ và mạnh dạn phân cấp triệt để, chứ không nửa vời là cái này vẫn đưa về bộ này, cái kia vẫn đưa về bộ kia, vẫn phải xin thủ tục này, thủ tục kia. Ủy quyền lại cho Đà Nẵng và ủy quyền lại cho Ban Quản lý quyết định, thì tất cả mọi thứ sẽ nhanh. Như vậy sẽ tạo được môi trường rất tốt để thu hút đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói rõ.
Thứ hai, cho phép các tập đoàn lớn được thành lập văn phòng ở đây mà không cần có dự án.
“Những nhà đầu tư lớn lập văn phòng là người ta đã có đóng góp. Đương nhiên, người ta vào đây không phải để chơi, người ta cũng sẽ lập dự án sau đó. Chúng ta lại ràng buộc ngay lúc đầu thì sẽ mất cơ hội”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải thích.
Liên quan chính sách phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn cho Đà Nẵng, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, đây là một lĩnh vực rất quan trọng đối với Việt Nam.
“Có lẽ, đây là cơ hội ngàn năm có một. Chúng tôi cứ hay nói như thế. Chúng ta có thể nhanh chóng đuổi kịp, tiến cùng và vượt lên, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu.
Theo Bộ trưởng, Đà Nẵng đang hội tụ đủ các điều kiện này, đang tham gia cùng với Đề án đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn. Cùng với Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng cũng tiên phong đi đầu, 13 năm liền đứng đầu về công nghệ thông tin.
“Với quyết tâm của Thành phố, chúng tôi cho rằng, không có lý do gì chúng ta không ủng hộ Đà Nẵng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Chia sẻ quan điểm của một số đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, trong thời gian thí điểm 5 năm, tất cả địa phương đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn để thành lập khu thương mại tự do, thì Chính phủ xem xét cho phép thành lập và khi thành lập thì được áp dụng các cơ chế như với Đà Nẵng.
Theo nghị trình, Quốc hội sẽ bấm nút thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng vào sáng 26/6.