Giao dịch trên thị trường chứng khoán khá buồn tẻ trong những phiên gần đây.

Giao dịch trên thị trường chứng khoán khá buồn tẻ trong những phiên gần đây.

Thanh khoản “tụt áp”: Mừng hay lo?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá trị giao dịch bình quân trên sàn HOSE trong ba tuần đầu tháng 10 đạt 13.000 - 15.000 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh so với trong tháng 9.

Thanh khoản giảm, vì đâu?

Tâm lý thận trọng đang chiếm ưu thế trên thị trường chứng khoán trong nước sau chuỗi ngày giảm điểm liên tục. Giao dịch buồn tẻ, đặc biệt là trong các phiên sáng, khi nhiều phiên đến khung giờ 11h, sàn HOSE chỉ ghi nhận giá trị khớp lệnh quanh mức 4.000 tỷ đồng và lực mua có thể mạnh hơn vào phiên chiều (phiên ATC) nếu thị trường có nhịp điều chỉnh mạnh, các cổ phiếu đồng loạt lao dốc.

Trước đó, chỉ số VN-Index đã ghi nhận một xu hướng tăng bền vững sau khi tạo đáy tại mức 873 điểm vào ngày 16/11/2022. Thanh khoản theo đó cũng dần nhích lên từ đầu tháng 4/2023, khi Chính phủ liên tục ban hành các chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy nền kinh tế hồi phục, đặc biệt là các chính sách liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản và thị trường tiền tệ (hạ lãi suất) giúp niềm tin của giới đầu tư tăng lên.

Đợt bùng nổ về thanh khoản của thị trường chứng khoán rơi vào giai đoạn tháng 7 - 9/2023, trùng với thời điểm chỉ số VN-Index ghi nhận những biến động mạnh.

Với đà tăng mạnh của thanh khoản từ tháng 7, lẽ ra thị trường có cơ hội bùng nổ hơn, nhưng đợt giảm nhanh và mạnh của chỉ số từ cuối tháng 9 vừa qua - ảnh hưởng bởi áp lực tỷ giá và những biến động chính trị phức tạp trên thế giới - đã khiến chỉ số VN-Index mất đi những ngưỡng hỗ trợ cứng. Tâm lý thị trường đã bị ảnh hưởng đáng kể, giao dịch trở nên thận trọng hơn.

Từ góc nhìn của ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM, Công ty Chứng khoán DSC, thanh khoản giảm bắt nguồn từ một số nguyên nhân, nhưng mấu chốt là dòng tiền lớn chưa thực sự nhập cuộc. Dòng tiền này cần phân bổ để xử lý các khoản nợ trái phiếu và nợ xấu ngân hàng khi bước sang năm 2024, Thông tư 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (quy định về việc các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn) sẽ hết hiệu lực và các lô trái phiếu gia hạn được trong năm 2023 sẽ tái đáo hạn.

Bên cạnh đó, bối cảnh thế giới nhiều biến động, đặc biệt là áp lực tỷ giá khiến Ngân hàng Nhà nước liên tục hút ròng trên kênh tín phiếu. Ngoài ra, nó đến từ sự dè dặt của nhà đầu tư cá nhân trước bối cảnh thế giới kém tích cực.

Cũng có ý kiến cho rằng, thanh khoản sụt giảm có một phần nguyên nhân là một số “kho” cổ phiếu lớn đang nằm im do bị thanh tra. Việc mua bán thông qua “kho hàng” chứng khoán thực chất giống với nghiệp vụ cho vay margin của các công ty chứng khoán.

Các kho có thể cho nhà đầu tư vay tiền để mua những mã chứng khoán bất kỳ mà nhà đầu tư đánh giá là tiềm năng, không nhất thiết phải theo danh sách cổ phiếu được giao dịch ký quỹ do sở giao dịch chứng khoán quy định. Giai đoạn thị trường sôi động, hoạt động đầu tư theo kho được cho là rất sôi động, do nhà đầu tư không bị giới hạn chặt chẽ như hoạt động cho vay margin, tỷ lệ đòn bẩy cũng cao hơn, nên khi thị trường đi lên cho tỷ lệ sinh lời cao hơn và ngược lại.

Giám đốc tư vấn đầu tư một công ty chứng khoán cho biết, tổng dư nợ của từ các “kho” ước đạt không dưới 1 tỷ USD và nguồn từ các kho đang đóng góp trên dưới 20% thanh khoản thị trường. Như vậy, nếu các “kho” cổ phiếu thu hẹp phạm vi hoạt động thì thanh khoản có thể tiếp tục ghi nhận giảm.

Trên thực tế, việc thanh khoản ghi nhận mức sụt giảm mạnh chủ yếu xuất phát từ sự suy yếu cả cung và cầu trong ngắn hạn, khi các nhà đầu tư cầm tiền có tâm lý vẫn chờ đợi nhịp chỉnh của thị trường hoặc cơ hội rõ nét hơn để mua thêm vào trong khi người đang nắm giữ cổ phiếu thì mong thị trường hồi phục để cổ phiếu “gần bờ” hơn. Chính vì điều đó làm cho thanh khoản thị trường sụt giảm rất mạnh trong 2 tuần vừa qua.

Hụt thanh khoản chỉ mang tính thời điểm

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch FinPeace cho rằng, vấn đề thanh khoản mang tính thời điểm, khi thị trường bị chi phối bởi áp lực tỷ giá và lạm phát. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy tín hiệu có thể điều chỉnh chính sách. Thị trường chứng khoán là thị trường kỳ vọng, khi nhà đầu tư chưa có điều gì để kỳ vọng trong ngắn hạn thì thị trường đi vào điều chỉnh và tích lũy là lẽ thường.

Ngoài ra, báo cáo kết quả kinh doanh quý III chưa có nhiều điểm sáng. Hồi đầu năm, nhà đầu tư ngắn hạn đã mua vào ở mức giá thấp với kỳ vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ tăng trưởng tích cực nhưng phần nào họ đã thất vọng. Nếu kết quả kinh doanh quý IV tiếp tục đi ngang, thị trường sẽ mất đi động lực tăng giá. Thanh khoản chỉ được “kích hoạt” khi dòng tiền thông suốt.

Bà Vũ Thu Thủy, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán HSC cũng nhìn nhận, thanh khoản giảm chỉ mang yếu tố thời điểm và cơ hội tạo ra sự hồi phục đang xuất hiện. Tuy nhiên, cách thức hồi phục sẽ quyết định lớn đến các kịch bản vận động sắp tới. Hiện dòng tiền phân hóa và chỉ tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đang có lợi thế về yếu tố cơ bản.

Ngoài ra, do thanh khoản thị trường ở mức thấp nên nhóm vốn hóa vừa và nhỏ vẫn sẽ là sự lựa chọn phù hợp đối với các giao dịch ngắn hạn tạo sóng. Chỉ số thị trường rõ ràng khó có thể tìm thấy động lực để bứt phá mạnh khi dòng tiền chỉ tập trung kiếm tìm các cơ hội lướt sóng, trong khi các nhóm vốn hóa lớn tiếp tục loay hoay chờ xác nhận đáy ngắn hạn.

Ở thời điểm hiện tại, dòng tiền đang có sự luân chuyển khá chậm rãi, có xu hướng chảy nhiều hơn vào các cổ phiếu cơ bản để đón đầu kết quả kinh doanh quý III.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Agriseco

Nhìn ở khía cạnh tích cực, giới chuyên gia cho rằng, thanh khoản giảm cho thấy dòng tiền chưa phải “bán sống bán chết” để thoát khỏi thị trường.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Agriseco cho rằng, ở thời điểm hiện tại, dòng tiền đang có sự luân chuyển khá chậm rãi, có xu hướng chảy nhiều hơn vào các cổ phiếu cơ bản để đón đầu kết quả kinh doanh quý III, các cổ phiếu thị trường hoặc cổ phiếu mang tính đầu cơ sẽ không quá được quan tâm như giai đoạn trước.

Theo ông Khoa, sau nhịp điều chỉnh mạnh vừa qua, định giá của thị trường chung và nhiều nhóm cổ phiếu đã về vùng hấp dẫn hơn. VN-Index hiện đang giao dịch với mức P/E hơn 11 lần, thấp hơn so với trung bình trong quá khứ. Cổ phiếu nhiều nhóm ngành cũng đã có mức chiết khấu sâu khoảng 15 - 20% từ vùng đỉnh, qua đó mở ra cơ hội tích lũy đối với những cổ phiếu đầu ngành.

Ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư có thể quan tâm đến một số chủ đề đầu tư cho giai đoạn cuối năm như sự khởi sắc trở lại của nhóm ngành xuất khẩu; động lực từ thúc đẩy giải ngân đầu tư công; câu chuyện về giá cả hàng hóa và một số nhóm vốn hóa lớn có câu chuyện để hút dòng tiền.

Còn ông Bùi Văn Huy kỳ vọng, hệ thống giao dịch KRX sắp đưa vào vận hành sẽ tạo cú huých cho thanh khoản của thị trường chung. Hơn nữa, định giá thị trường đã thấp hơn sau đợt điều chỉnh, nhiều cổ phiếu về vùng hấp dẫn là yếu tố kích thích dòng tiền.

Tin bài liên quan