Thanh khoản của hệ thống ngân hàng Việt Nam thường gặp khó khăn vào dịp cuối năm. Theo ông, nguyên nhân của vấn đề này là gì?
Câu chuyện thanh khoản của hệ thống ngân hàng Việt Nam thường kéo dài từ cuối năm này vắt sang đầu năm sau, hay nói cách khác là từ Tết Dương lịch sang Tết Âm lịch.
Có nhiều nguyên nhân, vấn đề đầu tiên là nhu cầu đến từ tập quán của người Việt, cứ đến cuối năm sẽ thanh toán, trả nợ hay cần nguồn tiền cho vấn đề nhập khẩu hàng hóa giai đoạn cuối năm.
Trong khi đó, thông thường, khoảng từ ngày 20 đến ngày 30 trong tháng, việc thanh toán cũng đã nhiều hơn. Đến cuối năm, thanh toán càng dồn dập nên câu chuyện tưởng như bất thường. Thực ra, đó là điều rất bình thường.
Ngoài ra, cuối năm còn có thể là thời điểm các ngân hàng cần phải tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp, cũng như để đạt được đúng hạn mức được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phân bổ.
Các ngân hàng phải đẩy mạnh tín dụng, đồng thời vẫn phải đảm bảo đủ dự trữ bắt buộc. Do đó, thay vì để đến những ngày cuối năm, các ngân hàng có thể chuẩn bị thanh khoản từ đầu tháng để cuối năm không bị xáo trộn.
Sự hỗ trợ thanh khoản của hệ thống đôi khi có liên quan một phần đến tiền của Kho bạc Nhà nước để trong hệ thống là bao nhiêu và đặc biệt, thời điểm Kho bạc Nhà nước gửi kỳ hạn sẽ giúp hệ thống yên tâm về thanh khoản và ngược lại.
Thanh khoản ngân hàng vẫn luôn cần sự hỗ trợ linh hoạt của cơ quan quản lý, bởi thị trường mỗi năm mỗi khác. Dù vậy, tinh thần chung là các ngân hàng phải thận trọng đối với vấn đề này, đảm bảo xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh.
Số liệu thống kê của NHNN cho biết, tính đến ngày 7/12/2024, tăng trưởng tín dụng đạt 12,5%. Với mục tiêu cả năm khoảng 14-15%, có lẽ việc đạt kế hoạch không khó khăn và thanh khoản cũng không phải là vấn đề quan ngại?
NHNN đang dùng 2 công cụ rất hữu hiệu để điều tiết thanh khoản hệ thống là OMO và tín phiếu, để khi cần hút tiền đồng sẽ phát hành tín phiếu và nếu muốn bơm tiền ra sẽ đẩy qua OMO.
Ông Hoàng Xuân Trung. |
Có thể NHNN đã tính toán, với mức tăng trưởng GDP năm 2024 dự kiến 7%, tăng trưởng tín dụng khoảng 14-15% sẽ là phù hợp, không tạo ra những hệ lụy khác.
Hạn mức tín dụng không còn nhiều nên sự căng thẳng trong việc phải thúc đẩy cho vay cũng giảm. Thanh khoản ưu tiên cho tín dụng phần nào cũng không phải là mối lo.
Mặc dù vậy, thị trường cũng có thể có một số thời điểm căng thẳng cục bộ về thanh khoản. Do đó, NHNN sẽ tiếp tục sử dụng các công cụ tiền tệ linh hoạt như trước đây để điều tiết.
Tóm lại, thanh khoản hệ thống ngân hàng được kỳ vọng ổn định, thông suốt, câu chuyện chỉ là lãi suất không thể quá thấp, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá của tiền đồng, gây xáo trộn sự ổn định của hệ thống.
Từ đầu năm đến nay, NHNN đã điều hành rất tốt trên thị trường tài chính - tiền tệ, nên kỳ vọng các vấn đề phát sinh sẽ nằm trong khả năng kiểm soát của cơ quan quản lý. NHNN đã chủ động, đi trước diễn biến của thị trường, chứ không chạy theo. Đây là hiệu quả thấy rõ trong hoạt động điều hành.
Ông có gợi ý nào để câu chuyện thanh khoản không còn là quan ngại của hệ thống vào dịp cuối năm?
Chúng ta quay trở lại câu chuyện cốt lõi trong hoạt động mỗi một ngân hàng như nợ xấu phải thấp, ngân hàng luôn đảm bảo các chỉ số an toàn, thanh khoản... Khi đó, ngân hàng luôn trong trạng thái tốt để cung ứng vốn cho mục đích thanh toán và các nhu cầu khác của người dân, doanh nghiệp.
Ngoài ra, hệ thống luôn tăng trưởng bền vững, an toàn không chỉ là câu chuyện riêng của các ngân hàng, mà còn là sự vận hành của nền kinh tế.
Dòng vốn được sử dụng hiệu quả và thanh khoản thông suốt. Do đó, nhà điều hành vẫn cần xử lý từng tình huống tại từng thời điểm cụ thể, song song với việc có một cách tiếp cận hợp lý, toàn diện để đạt được được yêu cầu của bài toán tổng thể trên.