Thanh khoản thị trường  sụt giảm báo động

Thanh khoản thị trường sụt giảm báo động

(ĐTCK) Tính thanh khoản của TTCK đang ở mức “báo động” với tổng giá trị giao dịch bình quân toàn thị trường trong quý I/2015 giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm 50% so với tháng 9/2014.

Từ đỉnh xuống đáy

Theo số liệu thống kê, thanh khoản 3 tháng đầu năm 2015 sụt giảm mạnh, chỉ đạt 2.263 tỷ đồng/ngày. Thực tế này xảy ra trong khi số lượng cổ phiếu lưu hành tính đến cuối quý I/2015 là 34,6 tỷ cổ phiếu, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2014.

Ông Trần Thăng Long, Trưởng phòng Phân tích, CTCK Ngân hàng Đầu tư (BSC) cho biết, trong nhiều năm gần đây, đỉnh thanh khoản năm thường rơi vào tháng 2 hoặc tháng 3, do đây là khoảng thời gian giao dịch sôi động của các quỹ ETF, tạo hiệu ứng lan tỏa trên toàn bộ thị trường. Nhưng năm nay, xu hướng này không được duy trì, xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là thị trường bị tác động bởi Thông tư 36/2014/TT-NHNN (có hiệu lực từ 1/2/2015), một số quy định trong Thông tư đã hạn chế dòng tiền ngân hàng cho vay đầu tư chứng khoán. Hơn nữa, áp lực cắt giảm cho vay giao dịch ký quỹ (margin), hoạt động cơ cấu lại nguồn của các CTCK có ảnh hưởng lớn đến tâm lý thị trường, khiến thanh khoản sụt giảm.

Thanh khoản thị trường  sụt giảm báo động ảnh 1

Thống kê mới đây của CTCK MB (MBS) cho thấy, khối NĐT nước ngoài bán ròng 755 tỷ đồng trong tháng 3/2015, điều này cũng ảnh hưởng đến thị trường chung. Tính chung trong quý I/2015, lượng mua ròng của khối ngoại là 34 tỷ đồng, giảm 96% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù khối ngoại chiếm tỷ trọng giao dịch nhỏ trên TTCK, nhưng tập trung vào những nhóm ngành lớn, những cổ phiếu có tác động đến chỉ số chứng khoán, nên sức ảnh hưởng đến thị trường và tâm lý NĐT trong nước là không nhỏ.

Mặc dù vậy, theo ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia chứng khoán, tổng giá trị giao dịch toàn thị trường giảm không có nghĩa là mọi cổ phiếu, mọi nhóm ngành đều giảm. TTCK không có tính chu kỳ hàng quý trong năm giống như các ngành sản xuất - kinh doanh, mà tùy thuộc vào mức độ kỳ vọng tại từng thời điểm. Năm nay, kỳ vọng khác năm trước trên nhiều lĩnh vực, có ngành xấu đi như dầu khí, có ngành lại tốt hơn như xây dựng. Chính vì vậy, ngành nào kỳ vọng xấu đi thì thanh khoản ngành đó giảm và ngược lại. 

Cải thiện thanh khoản, cách nào?

Thanh khoản có mối liên hệ mật thiết với sự phát triển ổn định của TTCK, nếu tình trạng thanh khoản ở mức thấp diễn ra trong thời gian dài, thì nhiều NĐT sẽ rời bỏ thị trường, kéo theo hoạt động của khối CTCK rất khó khăn.

Để cải thiện thanh khoản, theo ông Long, ngay từ quan điểm của nhà quản lý cần xem TTCK là kênh huy động vốn quan trọng, là hàn thử biểu cho toàn bộ nền kinh tế. TTCK tăng trưởng bền vững, quy mô và thanh khoản lớn là điều kiện tiên quyết cho tái cơ cấu nền kinh tế thành công, thoái vốn Nhà nước theo đúng kế hoạch.

Các nhóm giải pháp cần tập trung thực hiện là: hoàn thiện khung pháp lý theo chuẩn mực quốc tế; tăng quy mô và chất lượng của TTCK, hướng tới nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi; có chính sách thu hút nguồn vốn đầu tư vào TTCK; tái cấu trúc các Sở giao dịch và thành viên thị trường.

Một trong những giải pháp cụ thể được nhiều ý kiến đề xuất là Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh tăng tỷ lệ cho vay chứng khoán và gia hạn thời gian đáp ứng các điều khoản của Thông tư 36/2014/TT-NHNN. Bởi lẽ, Thông tư 36 và sắp tới có thể là Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 210/2012/TT-BTC làm hạn chế dòng tiền chảy vào chứng khoán, hạn chế các hoạt động cho vay của ngân hàng đối với thị trường.

Trong ngắn hạn, ông Lân cho rằng, có lẽ không có cách nào nâng thanh khoản cho thị trường ngoài việc hy vọng thị trường tự hồi phục. Những biện pháp mang tính kỹ thuật như tăng biên độ, giảm tỷ lệ ký quỹ margin giúp tăng thanh khoản, nhưng thị trường sẽ giống “sòng bài”, biến động mạnh hơn. Trong khi các giải pháp khác được đề xuất như nới tỷ lệ sở hữu cho NĐT nước ngoài (room), áp dụng chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR), giảm thuế cho quỹ mở hay quỹ ETF, ra mắt thị trường phái sinh... đều là các giải pháp dài hạn.

Tuy nhiên, thị trường kỳ vọng, cần có những giải pháp cụ thể từ phía cơ quan quản lý như nới room để “kích hoạt” dòng tiền quay trở lại, đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa để tăng hàng hóa có chất lượng cho thị trường, khi hàng hóa tốt thì tự thị trường sẽ đẩy quy mô và thanh khoản tăng lên. 

Tin bài liên quan