Không phải ngẫu nhiên các lãnh đạo nhà băng dùng từ “thảnh thơi”, bởi như ông Đinh Đức Quang, Phó tổng giám đốc OCB cho biết, từ những tuần cuối năm 2014 đến nay (chỉ còn hai tuần nữa là Tết Âm lịch), chưa bao giờ tình hình thanh khoản lại yên ổn đến như vậy. Thậm chí, tỷ giá liên ngân hàng trong ngày 27/1 còn thấp hơn tỷ giá của NHNN mua vào.
Theo ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB, công tác điều hành vĩ mô của NHNN đi vào thực chất, thể hiện ở chính sách điều tiết, lãi suất, vàng… đã tạo sự ổn định trên thị trường.
Ông Tiết Văn Thành, quyền Tổng giám đốc Agribank cho biết, thanh khoản tại Agribank rất tốt bởi Ngân hàng đã sớm xây dựng 2 phương án an toàn về thanh khoản cho đồng nội tệ và ngoại tệ.
Nói đến câu chuyện thanh khoản, ông Quang cho rằng, ngân hàng nào cũng phải chuẩn bị và cẩn trọng vào những dịp cuối năm dương lịch hay Tết Âm lịch, tuy nhiên hiện không có yếu tố nào khiến thị trường phải lo lắng. Lý do bởi, tình hình giải ngân trong tháng đầu năm khá chậm sau các nỗ lực thúc đẩy tín dụng trong các tháng cuối năm trước và thường phải sang đầu tháng 3, thị trường mới kỳ vọng thực sự bước vào chu kỳ kinh doanh mới. Thứ hai, thông thường, khi thị trường thấy có vấn đề sẽ phải tăng dự trữ thanh khoản (có căng thẳng ngoại tệ, lãi suất đầu vào tăng cao, lạm phát cao…), nhưng hiện tượng này không xảy ra trong năm nay. Ba là, các DN ngày càng hoạt động thận trọng, cân nhắc rất kỹ về mức lương, thưởng dịp cuối năm, ngay cả với các ngân hàng cũng ưu tiên lợi nhuận để trích lập dự phòng, do vậy, việc phát sinh nhu cầu tiền thanh toán không lớn và không gây sức ép thanh khoản cho hệ thống.
“Những cam kết và hành động kịp thời của NHNN, cơ quan quản lý trong thời gian qua về việc đảm bảo thanh khoản đã ổn định tâm lý của toàn hệ thống và thị trường”, ông Quang nói.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định: “Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, NHNN triển khai các nghiệp vụ cung ứng, điều hòa tiền mặt, bảo đảm đáp ứng khối lượng tiền và cơ cấu mệnh giá các đồng tiền trong lưu thông, phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế. Trong dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiền mặt thường tăng cao, đó là nhu cầu chính đáng của người dân và NHNN đã điều chuyển tiền mặt bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của các địa phương trong cả nước”.
Theo Báo cáo về tình hình hoạt động ngân hàng trên địa bàn TP. HCM năm 2014, tiền gửi VND đạt 1.132.138 tỷ đồng, chiếm 84,2% trong tổng huy động vốn và tăng 15,1% so với cuối năm 2013. Tiền gửi ngoại tệ đạt 211.697 tỷ đồng, chiếm 15,8% tổng tiền gửi và tăng 13,1% so với cuối năm 2013.
Tiền gửi tiết kiệm dân cư vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tiền gửi. Cụ thể, tiền gửi tiết kiệm dân cư đạt 722.445 tỷ đồng, chiếm 53,8% và tăng 14,3% so với cuối năm 2013. Trong khi đó tiền gửi tổ chức kinh tế và cá nhân đạt 607.987 tỷ đồng, chiếm 45,2% và tăng 19,5%; bộ phận tiền gửi qua phát hành giấy tờ có giá đạt 13.403 tỷ đồng, chiếm 1% và giảm 54,8%.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng phân tích, số liệu của NHNN TP. HCM đưa ra cho thấy, tiền người dân gửi vào hệ thống ngân hàng vẫn tăng. Nguyên do bởi đây vẫn là kênh đầu tư an toàn và hiệu quả trong bối cảnh lạm phát thấp, trong khi TTCK vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thị trường bất động sản chưa hồi phục mạnh. Trong khi đó, DN nhỏ vẫn khó khăn trong việc tiếp cận vốn nên đầu vào thì có mà đầu ra thì không, do vậy, việc dư thừa vốn là chuyện dễ hiểu.
Vụ Dự báo, thống kê, NHNN vừa công bố kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý I/2015 của các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cho thấy, thanh khoản của hệ thống ngân hàng ngày càng được cải thiện, hoạt động huy động vốn tiếp tục tăng. Cụ thể, khoảng 89% các TCTD nhận định tình hình thanh khoản của họ đã được cải thiện trong năm 2014, hiện đang ở trạng thái tốt và tiếp tục được duy trì trong năm 2015. Cũng theo kết quả điều tra, nguồn vốn huy động kỳ vọng tăng bình quân 4,5% trong quý I/2015 (tiền gửi VND tăng 4,7%, tiền gửi ngoại tệ tăng 3,87%) và tăng 14,35% trong năm 2015 (tiền gửi VND tăng 15,37%, tiền gửi ngoại tệ tăng 6,53%).