Thông tin từ Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho biết, hệ thống tài chính trong 8 tháng đầu năm nay nhìn chung đảm bảo tốt khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, do thanh khoản của khu vực ngân hàng khá dồi dào.
Cụ thể, tính đến 31/7/2016, tổng nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế đạt 7.489.000 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cuối năm 2015. Trong đó, vốn cung ứng của khu vực ngân hàng chiếm 74,9%, tăng 9,1% so với đầu năm, còn lại thị trường vốn (gồm cổ phiếu và trái phiếu) đóng góp xấp xỉ 25,1% tổng cung ứng vốn, tăng 24,3% so với đầu năm.
Tính đến cuối tháng 8/2016, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 10,5% so với đầu năm 2015. Vốn huy động từ hệ thống các tổ chức tín dụng tăng khoảng 11% so với đầu năm, song tín dụng chỉ tăng ở mức tương đương với cùng kỳ năm trước (9,2%) và chưa có dấu hiệu bứt phá trong quý III/2016; trong đó, tín dụng các khu vực ưu tiên tăng trưởng thấp hơn mức chung của toàn hệ thống.
Cụ thể, cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn chỉ tăng 6,1% so với đầu năm, cho vay xuất khẩu tăng trên 3%, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 3,3%, cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao.
Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, giám đốc phụ trách tiền tệ một ngân hàng thương mại cho biết, thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng trong tháng 8 tiếp tục dồi dào. Trước tiên, thể hiện ở mặt bằng lãi suất liên ngân hàng giảm khoảng 0,3 - 0,5 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn so với tháng trước và duy trì ở mức thấp.
Đến cuối tháng 8, lãi suất VND ở các kỳ hạn giao dịch quanh mức sau: qua đêm 1,00%/năm, giảm 0,5 điểm phần trăm; 1 tuần 1,10%/năm, giảm 0,5 điểm phần trăm; 2 tuần là 1,28%/năm, giảm 0,52 điểm phần trăm; 1 tháng là 2,14%/năm, giảm 0,36 điểm phần trăm so với cuối tháng 7. Có những thời điểm, lãi suất VND qua đêm chỉ còn 0,5%/năm, trong khi khối lượng giao dịch bình quân giảm 24% so với tháng trước, như qua đêm nửa đầu tháng 8 đạt 6.100 tỷ đồng/ngày, trong khi tháng 7 là 8.050 tỷ đồng/ngày.
"Thị trường có cơ sở kỳ vọng sự ổn định tiếp theo trong các tháng cuối năm và thậm chí mặt bằng lãi suất có thể giảm nhẹ khi tiếp tục có thêm các dòng vốn mới đưa vào nền kinh tế"
- ông Đinh Đức Quang, Phó tổng giám đốc OCB.
Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục mua USD trên thị trường với khối lượng trên 10 tỷ USD và đồng thời mở rộng phát hành tín phiếu kỳ hạn ngắn (14 ngày). Trong tháng 8, các tổ chức tín dụng đã hấp thụ hết lượng tín phiếu kỳ ngắn hạn do NHNN phát hành với mức lãi suất chỉ từ 0,7 - 1,2%/năm, thấp hơn lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 2 tuần là 1,28%/năm. Theo thống kê tính đến 22/8/2016, NHNN đã hút ròng hơn 128.000 tỷ đồng qua thị trường OMO.
Trên thị trường 1, thanh khoản tiếp tục ổn định, lãi suất huy động và cho vay ở mức thấp. Ông Nguyễn Đức Long, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết, trên cơ sở diễn biến vĩ mô, tiền tệ, lạm phát, NHNN duy trì ổn định các mức lãi suất điều hành và thông qua các công cụ chính sách tiền tệ để đảm bảo thanh khoản, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giữ ổn định lãi suất huy động.
“Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, mặt bằng lãi suất của các tổ chức tín dụng về cơ bản diễn biến ổn định. Từ cuối tháng 4/2016, các ngân hàng thương mại nhà nước và một số ngân hàng thương mại cổ phần đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn và đưa lãi suất cho vay trung và dài hạn về tối đa 10%/năm đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh…”, ông Long cho biết.
Ở góc độ thị trường, ông Đinh Đức Quang, Phó tổng giám đốc OCB cho rằng, lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng giảm khá mạnh, thể hiện thanh khoản chung của các tổ chức tín dụng ổn định có thặng dư làm giảm áp lực buộc các tổ chức tín dụng phải tăng lãi suất huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế mặc dù các yêu cầu về quản trị rủi ro, các chỉ số thanh khoản được cơ quan quản lý càng ngày càng siết chặt nhằm củng cố hệ thống tài chính.
Tình hình này, ông Quang cho biết có thể giải thích thông qua các diễn biến chính sau đây:
Thứ nhất, hoạt động thương mại quốc tế có sự thặng dư, tạo xuất siêu trong 8 tháng đi cùng nguồn vốn giải ngân đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài vào các hoạt động đầu tư sản xuất, xây dựng, thị trường chứng khoán, bất động sản chính là nguồn tiền mới có thực đưa vào nền kinh tế. NHNN đã mua vào ngoại tệ đưa VND ra thị trường với số lượng đáng kể trong khi việc phát hành tín phiếu để hút vào sự dư thừa thanh khoản ở mức vừa phải giúp cung tiền toàn hệ thống dồi dào.
Thứ hai, chính sách hợp lý chống đô-la hóa đã dẫn đến một số lượng dân cư chuyển hóa tài sản tiết kiệm là ngoại tệ sang nội tệ giúp tăng cường nguồn vốn huy động nội tệ tại các tổ chức tín dụng và đồng nội tệ cũng là nhu cầu chính để các doanh nghiệp, cá nhân vay vốn kinh doanh.
Thứ ba, các định chế tài chính nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào triển vọng của nền kinh tế Việt Nam, từ đó cung cấp mạnh các khoản hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp thông qua các tổ chức tín dụng trong nước. Các chi nhánh ngân hàng nước ngòai tiếp tục mở thêm chi nhánh tại Việt Nam cũng cung cấp các hạn mức tín dụng mới cho thị trường tài chính trong nước.
Thứ tư, lạm phát mặc dù cao hơn cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn trong mức kiểm soát, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn được kiểm soát chặt giúp cung tiền và thanh khoản tốt hỗ trợ chính sách tài khóa huy động vốn qua kênh trái phiếu chính phủ chịu mức chi phí thấp hơn và vượt kế hoạch huy động. Diễn biến này có phần khác với những dự báo hồi đầu năm (nhu cầu huy động vốn cho chính sách tài khóa sẽ gây áp lực tăng lãi suất - PV).
“Thị trường có cơ sở kỳ vọng sự ổn định tiếp theo trong các tháng cuối năm và thậm chí mặt bằng lãi suất có thể giảm nhẹ khi tiếp tục có thêm các dòng vốn mới đưa vào nền kinh tế”, ông Quang nhấn mạnh.
Đồng quan điểm trên, một quan chức cao cấp Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nêu quan điểm, cơ sở giảm lãi suất cho vay những tháng cuối năm có các yếu tố thuận lợi là thanh khoản thị trường liên ngân hàng dồi dào; tỷ lệ tín dụng/huy động là 84,6%, giảm so với mức 85,7% cuối năm 2015; áp lực tăng lãi suất do yếu tố tỷ giá được giảm thiểu do thị trường ngoại hối ổn định và lãi suất trái phiếu Chính phủ tiếp tục giảm ở các kỳ hạn, cùng với việc trái phiếu chính phủ đã đạt hơn 89% kế hoạch năm sẽ giảm áp lực lên lãi suất ngân hàng.
Tuy vậy, đâu đó vẫn còn quan ngại việc giảm lãi suất cho vay bị cản trở bởi tiến trình xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng diễn ra rất chậm chạp. Trong 6 tháng đầu năm, số nợ xấu toàn ngành được xử lý là 59.700 tỷ đồng (giảm 14,55% so cùng kỳ năm trước), chủ yếu là nhờ khách hàng trả nợ gần 31.000 tỷ đồng, số nợ xấu bán cho VAMC đạt 8.880 tỷ đồng.
“Hệ thống ngân hàng cần đẩy mạnh xử lý nợ xấu nhằm giảm trích lập dự phòng để hỗ trợ việc giảm lãi suất”, vị lãnh đạo của Ủy ban Giám sát nói.