Ngày 20/7, lãi suất VND giao dịch quanh mức 3,22%/năm với kỳ hạn qua đêm (tăng 1,96 điểm phần trăm so với cuối tuần liền trước); đối với kỳ hạn 1 tuần là 3,50%/năm ( tăng 2,11 điểm phần trăm); kỳ hạn 2 tuần 3,58%/năm (tăng 2,07 điểm phần trăm); và kỳ hạn 1 tháng 3,78%/năm (tăng 2,02 điểm phần trăm). Các mức lãi suất đã tăng cao nhất kể từ đầu năm 2018 đến thời điểm này.
Ngay sau đó, lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng đã có điều chỉnh giảm nhẹ trong 2 tuần sau đó (từ 23/7 - 3/8) với chốt phiên ngày 3/8, lãi suất bình quân bằng VND trên thị trường liên ngân hàng được giao dịch quanh mức: Kỳ hạn qua đêm ở 2,22%/năm, 1 tuần ở mức 2,48%/năm, 2 tuần ở mức 2,77%/năm và 1 tháng ở mức 3,48%/năm.
Tuy nhiên, lãi suất liên ngân hàng đang bật tăng lại rất mạnh. Thống kê từ Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Maritime Bank cho biết, trong tuần từ ngày 6 - 10/8, lãi suất bình quân bằng VND trên thị trường liên ngân hàng tăng mạnh ở tất cả các kỳ hạn.
Chốt phiên giao dịch ngày 10/8, lãi suất giao dịch kỳ hạn qua đêm đạt mức 4,51%/năm (tăng 2,29%), kỳ hạn 1 tuần ở mức 4,61% (tăng 2,13%), kỳ hạn 2 tuần ở mức 4,60% (tăng 1,83%) và kỳ hạn 1 tháng ở mức 4,65% (tăng 1,17%).
Đà tăng tiếp tục được duy trì trong tuần từ ngày 13 - 17/8, trong đó phiên giao dịch ngày 16/8 đã ghi nhận lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng 0,07 - 0,10 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn so với phiên 15/8.
Cụ thể: Qua đêm là 4,70%/năm; 1 tuần là 4,73%/năm; 2 tuần là 4,73%/năm và 1 tháng là 4,75%/năm.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, giám đốc tài chính một ngân hàng thương mại cổ phần thừa nhận, lãi suất liên ngân hàng đang tăng do thanh khoản hệ thống có những căng thẳng nhất định.
Cụ thể, thứ nhất, do tỷ giá “nhảy lên” nên tâm lý găm giữ USD tăng. Theo đó, có xu hướng rút VND mua USD dẫn đến lãi suất đồng Việt Nam phải tăng để “giữ chân” khách hàng.
“Tôi cho rằng, xu hướng găm giữ USD chỉ diễn ra trong ngắn hạn bởi khá bấp bênh. Do vậy, việc lãi suất liên ngân hàng VND tăng sẽ không kéo dài”, vị giám đốc trên nói.
Thứ hai là yếu tố liên quan đến câu chuyện kỹ thuật nhiều hơn thị trường.
Cụ thể, lượng USD giao dịch trên thị trường khan hiếm do chính sách của các ngân hàng ngoại tạm ngưng nhập ngoại tệ. Các doanh nghiệp phải tìm kiếm nguồn ngoại tệ bên ngoài nên đã đẩy giá ngoại tệ trên thị trường tự do tăng và thậm chí khiến lãi suất liên ngân hàng USD tăng nhẹ ở kỳ hạn 1 tuần trong tuần qua.
Điểm đáng chú ý, trong ngày 16/8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chào thầu 1.000 tỷ đồng tín phiếu ở kỳ hạn 7 ngày với lãi suất 2%.
Các tổ chức tín dụng hấp thụ được 300 tỷ đồng. Trong ngày, có 2.200 tỷ đồng tín phiếu đến hạn, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 80.930 tỷ đồng. NHNN lại tăng mạnh khối lượng chào thầu lên 10.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 7 ngày, khối lượng được hấp thụ là 7.788 tỷ đồng với lãi suất 4,75%.
Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố tăng lên mức 11.886 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc, NHNN tiếp tục bơm ròng 6.919 tỷ đồng ra thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO).
Về diễn biến này, vị giám đốc trên nhận định: “Có khó khăn về thanh khoản nhưng tôi cho rằng, chỉ mang yếu tố cục bộ tại một số ngân hàng”.
Trong khi đó, chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, nhằm đáp ứng các yêu cầu đảm bảo về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tại Thông tư số 16/2018/TT-NHNN sẽ giảm xuống 40% vào ngày 1/1/2019, các ngân hàng bắt đầu “tích” vốn, đặc biệt là vốn trung và dài hạn dẫn đến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng bật tăng mạnh trong thời gian qua.
Theo đó, một loạt ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi ở một số kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên, mức tăng phổ biến 0,1 - 0,3 điểm phần trăm.
Cụ thể, MB vừa điều chỉnh lãi suất tiền gửi cho kỳ hạn 24 tháng là 7,5%/năm. VPBank cũng tăng lãi suất huy động cho các kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng thêm 0,2 điểm phần trăm lên mức 7,2 - 7,4%/ năm. Eximbank áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng cao nhất hiện nay là 8%/năm.
Còn Techcombank đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động ở kỳ hạn từ 12 tháng đến 36 tháng thêm 0,1 điểm phần trăm lên mức 6,5%/năm. Thậm chí, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất lên đến 6,8%/năm nếu gửi tiết kiệm online.