Trên thị trường thứ cấp, nhà đầu tư chủ yếu giao dịch tại các kỳ hạn từ 5 năm trở xuống vì lo ngại lợi suất trái phiếu dài hạn có thể tăng trong thời gian tới. Lợi suất trái phiếu ngắn hạn do vậy tăng nhẹ từ 2 - 4 điểm cơ bản. Nguồn vốn của các ngân hàng được bổ sung từ nguồn tín phiếu và trái phiếu đáo hạn khoảng 12.000 tỷ đồng, thanh khoản trở nên dư thừa, khiến nhu cầu vốn ngắn hạn cũng như lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh trong tuần vừa qua.
Dự báo tuần này (28/9 - 2/10), thanh khoản trên thị trường trái phiếu tiếp tục cải thiện, lợi suất trái phiếu tăng nhẹ.
Thị trường sơ cấp
Tuần từ 21 - 25/9, có 6.000 tỷ đồng trái phiếu được chào thầu, nhưng chỉ có 350 tỷ đồng trái phiếu do Kho bạc Nhà Nước (KBNN) phát hành được huy động thành công, với mức lợi suất 6,6%/năm, tăng 15 điểm cơ bản so với hai tuần trước đó.
Nhu cầu mua trái phiếu chính phủ chưa được cải thiện do các ngân hàng tập trung nguồn vốn cho tín dụng, một phần e ngại tỷ giá sẽ tăng trong dịp cuối năm.
Thị trường tín phiếu KBNN tuần qua không ghi nhận phiên đấu thầu nào.
Tuần này, 4.000 tỷ đồng trái phiếu sẽ được mời thầu trên thị trường sơ cấp. Trong đó, KBNN sẽ gọi thầu 2.000 tỷ đồng trái phiếu 5 năm và 1.000 tỷ đồng trái phiếu 15 năm; Ngân hàng Chính sách Xã hội gọi thầu thầu 500 tỷ đồng trái phiếu 3 năm, 200 tỷ đồng trái phiếu 5 năm và 300 tỷ đồng trái phiếu 15 năm.
Thị trường thứ cấp
Thị trường thứ cấp tuần qua có thanh khoản tốt, ghi nhận khối lượng giao dịch đạt 16.823 tỷ đồng, tăng 45,59% so với tuần trước đó. Khối lượng giao dịch thông thường (outright) và giao dịch mua bán lại (repos) khá cân bằng, lần lượt chiếm 49% và 51% tổng giá trị thị trường.
Giao dịch outright tập trung vào trái phiếu kỳ hạn từ 1 đến dưới 3 năm, với tỷ trọng chiếm 59% tổng giá trị giao dịch. Kỳ hạn từ 3 - 5 năm và dưới 1 năm chiếm lần lượt 25% và 16%. Tỷ trọng của kỳ hạn từ 5 năm trở lên chỉ chiếm khoảng 1%. Các nhà đầu tư chủ yếu giao dịch trái phiếu kỳ hạn ngắn, trước động thái nâng mức lợi suất phát hành trái phiếu 5 năm của KBNN, vì lo ngại lợi suất dài hạn cũng sẽ tăng trong thời gian tới.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng với giá trị đạt 463 tỷ đồng, tăng 40% so với tuần trước đó. Đây là tuần mua ròng thứ 4 liên tiếp của khối ngoại.
Lợi suất trái phiếu trong tuần qua tiếp tục xu hướng đi ngang. So với tuần trước đó, lợi suất tăng nhẹ tại một số kỳ hạn, với mức tăng từ 1 - 4 điểm cơ bản; lợi suất trái phiếu kỳ hạn 1 năm và 10 năm giảm 1 điểm cơ bản.
Nghiệp vụ thị trường mở
Trong tuần từ ngày 21 - 25/9, có 2.465 tỷ đồng giao dịch reverse repo được thực hiện trên thị trường mở và 2.670 tỷ đồng giao dịch reverse repo đáo hạn. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước huy động được 18.142 tỷ đồng tín phiếu các loại: tín phiếu 14 ngày chiếm 50%, tín phiếu 28 ngày chiếm 24%, tín phiếu 56 ngày chiếm 25%.
Mức lợi suất tín phiếu 14 ngày và 28 ngày đều giảm so với với tuần trước đó: lợi suất của tín phiếu 14 ngày giảm 5 điểm cơ bản xuống mức 3,50%/năm, lợi suất tín phiếu 28 ngày giảm 20 điểm cơ bản xuống mức 3,70%/năm. Ngược lại, lợi suất tín phiếu 56 ngày tăng 4 điểm cơ bản, lên mức 4%/năm.
Đồng thời, trong tuần có 3.716 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng 14.631 tỷ đồng thông qua thị trường mở.
Thị trường liên ngân hàng
So với tuần trước đó, lãi suất liên ngân hàng tuần qua giảm khá mạnh tại tất cả các kỳ hạn do thanh khoản tại các ngân hàng dư thừa, khiến nhu cầu vay vốn ngắn hạn không cao. Thanh khoản tiền VND của các ngân hàng được hỗ trợ mạnh mẽ từ dòng tiền tín phiếu và trái phiếu đáo hạn, lên tới hơn 12.000 tỷ đồng. Thanh khoản bắt đầu dư thừa, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu hút tiền trở lại trên thị trường mở bằng việc phát hành tín phiếu với mức lợi suất giảm khá mạnh.
Do vậy, nhu cầu vay vốn ngắn hạn cũng giảm theo, kéo lãi suất liên ngân hàng giảm tại tất cả các kỳ hạn. Theo Bloomberg, lãi suất các kỳ hạn tham khảo ở mức: qua đêm 3,3%/năm (-80 điểm), 1 tuần 3,7%/năm (-60 điểm), 2 tuần 3,9%/năm (-50 điểm) và 1 tháng 4,3%/năm (- 10 điểm).