Thanh khoản kém,  lợi suất trái phiếu tiếp tục tăng

Thanh khoản kém, lợi suất trái phiếu tiếp tục tăng

(ĐTCK) Tuần qua, thị trường trái phiếu tiếp tục giao dịch ảm đạm với thanh khoản kém trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp, với lợi suất trái phiếu tăng mạnh. 

Lãi suất cũng tăng trên thị trường liên ngân hàng, mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bơm ròng khối lượng lớn dòng tiền thông qua thị trường mở. Theo VPBS, nguyên nhân chủ yếu là do tín dụng tháng 4 tiếp tục tăng và nhiều ngân hàng có nhu cầu tiền đồng ở mức cao. Dự báo tuần này, lợi suất trái phiếu có thể vẫn duy trì đà tăng. 

Thị trường sơ cấp

Tuần từ 13 - 17/4 là tuần giao dịch kém sôi động nhất từ đầu năm tới nay của thị trường trái phiếu. Theo đó, thị trường chỉ huy động được 300 tỷ đồng trên tổng số 6.000 tỷ đồng trái phiếu được Kho bạc Nhà nước (KBNN) chào thầu, đạt tỷ lệ trúng thầu 5% - mức thấp nhất kể từ đầu năm tới nay.

Cụ thể, KBNN huy động được 270 tỷ đồng trái phiếu 15 năm và 30 tỷ đồng trái phiếu 10 năm, với tỷ lệ trúng thầu lần lượt 13,5% và 1%. Trái phiếu 10 năm không được huy động thành công. So với tuần trước đó, lợi suất tuần qua không có nhiều thay đổi. Trái phiếu 5 năm được huy động ở mức lợi suất 5,4%/năm, giảm 8 điểm cơ bản; trái phiếu 10 năm được huy động ở mức 7,4%/năm, không đổi so với tuần trước đó.

Tính đến hết 17/4, 76.320 tỷ đồng trái phiếu chính phủ và Chính phủ bảo lãnh được đấu thầu thành công. Trong đó có 62.371 tỷ đồng trái phiếu KBNN, 4.949 tỷ đồng trái phiếu Ngân hàng Chính sách Xã hội và 9.000 tỷ đồng trái phiếu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Trong tuần, tín phiếu chính phủ không có phiên đấu thầu trên thị trường sơ cấp.

Thị trường ảm đạm nên tuần này nguồn cung trái phiếu giảm xuống còn 5.000 tỷ đồng. Trong đó, KBNN chào thầu 2.000 tỷ đồng trái phiếu 5 năm, 1.000 tỷ đồng trái phiếu 10 năm và 2.000 tỷ đồng trái phiếu 15 năm.  

Thị trường thứ cấp

Thị trường thứ cấp cũng không mấy khả quan. Khối lượng giao dịch chỉ đạt 19.227 tỷ đồng, giảm thêm 12,17% so với tuần trước đó, tương ứng giá trị trung bình mỗi phiên đạt 3.845 tỷ đồng.

Giá trị thông thường (outright) đạt 12.337 tỷ đồng, chiếm 64% tổng giá trị giao dịch; khối lượng giao dịch mua bán lại (repos) đạt 6.890 tỷ đồng, chiếm 36% tống giá trị giao dịch. Tỷ trọng này tương đối trái ngược so với các tuần giao dịch trước đó khi giá trị giao dịch outright luôn lấn át thị trường. Điều này cho thấy, các NĐT đang tỏ ra khá thận trọng.

Giao dịch outright chủ yếu tập trung tại trái phiếu dưới 5 năm. Trái phiếu từ 5 năm trở lên chỉ chiếm 34%; trái phiếu 1 đến 3 năm; dưới 1 năm và từ 3 đến 5 năm chiếm lần lượt 35%, 16% và 15%.

Trong tuần qua, sau 4 tuần bán ròng liên tiếp với khối lượng lớn, các NĐT nước ngoài đã trở lại mua ròng 668 tỷ đồng thông qua các giao dịch outright và repo.

Đúng như dự báo, lợi suất trái phiếu vẫn tiếp tục tăng mạnh, đặc biệt ở các kỳ hạn ngắn và trung hạn. Riêng lợi suất trái phiếu 10 năm giảm nhẹ, khoảng 6 điểm cơ bản (xem bảng).

Thị trường mở

Tuần từ 13 - 17/4, thị trường mở ghi nhận 12.000 tỷ đồng giao dịch reverse repo được thực hiện và 1.000 tỷ đồng giao dịch reverse repo đáo hạn.

Bên cạnh đó, NHNN chỉ phát hành được 1.000 tỷ đồng tín phiếu 182 ngày, với mức lợi suất 4,3%/năm, không đổi so với tuần trước đó và là khối lượng tín phiếu phát hành thấp nhất kể từ đầu năm đến nay. Trong tuần, NHNN đã nỗ lực chào thầu tín phiếu 182, 91 và 28 ngày nhưng không có ngân hàng nào tham gia đấu thầu. Điều này cho thấy dấu hiệu thiếu thanh khoản tiền đồng trong hệ thống ngân hàng.

Thị trường liên ngân hàng           

Tuần từ 13 - 17/4, thị trường liên ngân hàng trở nên căng thẳng do nguồn cung tiền VND bị hạn chế. Khối lượng chào thầu trên thị trường mở giảm, chỉ phát hành 1.000 tỷ đồng tín phiếu NHNN. Theo đó, lãi suất tiếp tục tăng lên ngưỡng cao trong 2 tháng. Chi tiết lãi suất VND tham khảo như sau: qua đêm (4,8%/năm,+70 điểm), 1 tuần (4,9%/năm, +80 điểm), 2 tuần (4,8%/năm, +50 điểm) và 1 tháng (4,7%/năm, +30 điểm).

Tin bài liên quan