Lãi suất trong tháng 5 được kỳ vọng sẽ giảm, giúp cải thiện thanh khoản hệ thống

Lãi suất trong tháng 5 được kỳ vọng sẽ giảm, giúp cải thiện thanh khoản hệ thống

Thanh khoản hệ thống ngân hàng quý II: Sẽ bớt căng thẳng

(ĐTCK) Sau quý I, tình hình thanh khoản trên thị trường dù được đảm bảo, nhưng không thực sự dồi dào, dẫn đến khá căng thẳng tại một số thời điểm. Thị trường kỳ vọng, thanh khoản quý II sẽ bớt áp lực hơn khi lãi suất được dự doán sẽ “hạ nhiệt”…

Quý I: Nguồn vốn khả dụng tiếp tục bị co hẹp

Báo cáo tình hình kinh tế tháng 4/2017 và dự báo cả năm 2017 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong tháng 4 tiếp tục có dấu hiệu khó khăn cục bộ.

Điều này thể hiện qua các điểm: Thứ nhất, lãi suất liên ngân hàng dù đã giảm nhẹ so với cuối tháng 3/2016 (khoảng 0,1-0,2 điểm phần trăm), song vẫn ở mức khá cao khi kỳ hạn qua đêm và 1 tuần là 4,99%/năm, 2 tuần là 5%/năm, 1 tháng là 5,01%/năm.

Thứ hai, trên OMO, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bơm ròng chủ yếu qua kênh cầm cố, đạt khoảng 27.000 tỷ đồng tính đến ngày 24/4.

Một nghiên cứu của Ngân hàng BIDV cho biết, thanh khoản thị trường tiếp tục duy trì trạng thái khá căng thẳng trong tháng 4. Mặc dù tuần thứ 2 của tháng lãi suất có xu hướng “hạ nhiệt”, về mức 4,5%/năm với kỳ hạn qua đêm và 1 tuần do NHNN mua vào ngoại tệ bổ sung thêm nguồn cung cho thị trường.

Tuy nhiên, ngay sau đó, lãi suất đã nhanh chóng tăng trở lại trong 2 tuần tiếp theo, cuối tháng 4 dao động quanh mức 4,7-4,9%/năm với kỳ hạn qua đêm và 1 tuần.

Doanh số giao dịch bình quân trong tháng 4 đạt khoảng 29.000 tỷ đồng/phiên, cải thiện so với mức 23.000/phiên tỷ đồng của tháng trước. Giao dịch tập trung ở kỳ hạn ngắn qua đêm và 1 tuần (chiếm hơn 80% tổng giá trị giao dịch).

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo một ngân hàng cho biết, mặc dù NHNN đã phát huy vai trò điều hành hỗ trợ thanh khoản qua các kênh thị trường mở, mua vào ngoại tệ khi tỷ giá giảm sâu nhằm bổ sung nguồn cung cho thị trường, nhưng các yếu tố tạo áp lực tăng lên lãi suất vẫn tiếp tục chiếm ưu thế trong tháng 4.

“Theo đó, huy động vốn có xu hướng tăng trưởng chậm hơn, trong khi tín dụng vẫn tiếp tục tăng mạnh trong tháng 4, kéo theo nguồn vốn khả dụng của hệ thống ngân hàng tiếp tục bị co hẹp. NHNN có xu hướng thu hẹp cung tiền qua OMO, chỉ đáp ứng khoảng 60-70% nhu cầu của các ngân hàng thương mại do lo ngại sức ép từ lạm phát có xu hướng gia tăng trong năm 2017”, vị lãnh trên trên nhận định.

Lạm phát bình quân 4 tháng đầu năm 2017 ở mức khá cao, tăng 4,8% so với cùng kỳ. Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, phân tách các thành phần của lạm phát cho thấy, thành phần mùa vụ cũng như chu kỳ đã bắt đầu giảm kể từ tháng 2, song xu hướng dài hạn của lạm phát đang tiếp tục tăng. Tại thời điểm tháng 4/2017, xu hướng lạm phát dài hạn cao hơn khoảng 0,9 điểm phần trăm so với tháng 4/2016.

… huy động vốn tăng trưởng chậm

Số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng cho thấy, ước tính đến cuối tháng 4/2017, huy động vốn 4 tháng đầu năm đạt 3,7%, tăng trưởng chậm hơn so với cùng kỳ 2016 là 4,6%. Trong đó, huy động bằng VND ước tăng 3,6% (cùng kỳ 2016 là 5,8%).

Tăng trưởng huy động chậm hơn so với tăng trưởng tín dụng dẫn đến tỷ lệ tín dụng/huy động tăng nhẹ từ 86,3% lên 87% (tháng 3/2016).

Vị lãnh đạo trên cho biết, nguyên nhân biến động trên thị trường tiền tệ trong những tháng đầu năm 2017 chủ yếu do nhu cầu tín dụng tăng cao ngay từ đầu năm. Được biết, tính đến thời điểm hiện tại, tín dụng đã tăng khoảng 5,2%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây, trong khi đó tốc độ tăng của huy động chỉ đạt khoảng 3,7%.

Bên cạnh đó, nhu cầu cơ cấu lại nguồn vốn của một số ngan hàng thương mại có tỷ lệ cho vay trung-dài hạn cao nhằm đáp ứng quy định Thông tư 06/2016/TT-NHNN.

Cụ thể, tính đến hết quý I/2017, tỷ lệ này ở nhóm các ngân hàng tăng lãi suất bình quân khoảng 45%, cao hơn mức trần quy định 40% sẽ được áp dụng vào năm 2018.

Số liệu mới nhất (tính đến 31/3/2017) cho thấy, tại BIDV, hoạt động cho vay khách hàng đạt trên 746.941 tỷ đồng, tăng 4,66% so với đầu năm và nhích nhẹ so với mức của cùng kỳ năm trước; tại VPBank, dư nợ tín dụng cũng tăng nhẹ, trong đó cho vay khách hàng đạt 152.000 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cuối năm 2016.

Đặc biệt, theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nhiều ngân hàng thương mại đã đẩy mạnh tín dụng ngay trong quý I như: LienVietPostBank là 11%, Kienlong Bank 10,3%, Vietcombank và ACB cùng đạt 8,3%.

Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cũng đang cung cấp các gói cho vay ưu đãi lãi suất.

Cụ thể, SHB dành hạn mức 3.000 tỷ đồng để triển khai gói tín dụng với mức lãi suất vay ưu đãi chỉ từ 6,4%/năm từ nay đến hết ngày 30/6/2017 cho các khách hàng doanh nghiệp lớn.

PVcomBank triển khai gói tín dụng 1.500 tỷ đồng dành cho khách hàng là doanh nghiệp siêu nhỏ vay vốn phục vụ sản xuất-kinh doanh với lãi suất từ 7,5%/năm.

DongA Bank đang triển khai gói cho vay ưu đãi 3.000 tỷ đồng trên toàn hệ thống dành cho khách hàng doanh nghiệp với mức lãi suất thấp nhất là 5,5%/năm, cao nhất không quá 8%/năm và hỗ trợ 100% nhu cầu vốn vay của khách hàng...

Quý II: Sẽ bớt “căng”

BIDV đưa ra dự báo, thanh khoản thị trường có thể bớt căng thẳng hơn trong tháng 5/2017. Mặt bằng lãi suất có thể giảm nhẹ so với tháng 4, nhưng nhìn chung vẫn ở mức cao, trung bình khoảng 4,0-4,5%/năm đối với kỳ hạn qua đêm và 1 tuần.

Theo đánh giá của BIDV, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng trong tháng 5 vẫn chịu áp lực từ các yếu tố như, NHNN tiếp tục điều hành cung tiền thận trọng do sức ép từ lạm phát, trong khi hoạt động mua ngoại tệ khó tái diễn điều tương tự như cùng kỳ năm trước…

Ngoài ra, theo thông tin của Bộ Tài chính, ước tính đến hết tháng 4, giải ngân vốn đầu tư công qua Kho bạc Nhà nước mới chỉ đạt 18,7% kế hoạch Quốc hội giao và bằng 13,8% kế hoạch mà Thủ tướng Chính phủ giao.

Vì vậy, dự kiến đầu tư công sẽ được đẩy mạnh hơn trong tháng 5 này, kéo theo xu hướng sụt giảm số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước.

Dẫu vậy, điểm lạc quan được đề cập đến đó là lãi suất kỳ vọng sẽ hạ nhiệt so với tháng 4 do trong tháng 5, huy động vốn thường có xu hướng tăng nhanh trở lại, trong khi tín dụng có xu hướng chững lại, kéo theo chênh lệch huy động vốn-tín dụng sẽ có xu hướng cải thiện trong tháng 5.

Tin bài liên quan